Phát sinh hàng chục nghìn lượt khám, BV Việt Đức lo giữ chân nhân viên y tế

Admin

Tình trạng quá tải đang tái diễn tại các bệnh viện tuyến trung ương. Riêng tại BV Hữu nghị Việt Đức (BV Việt Đức), số bệnh nhân đã tăng đột biến khiến bệnh viện rơi vào quá tải kéo dài trong nửa đầu năm 2022.

6 tháng đầu năm 2022, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) tiếp nhận 168.000 bệnh nhân tới khám, với gần 150.000 lượt khám, tăng cao so với 104.000 lượt của cùng kỳ năm 2020 và 124.000 năm 2021. Theo thống kê, bệnh nhân có BHYT là hơn 30.000 lượt, tăng gần 5.000 người.

Trao đổi với phóng viên VOV.VN, lãnh đạo BV Việt Đức cho biết, số lượng bệnh nhân có dao động tăng hằng năm, nhưng trong nửa đầu năm 2022, bệnh nhân đã tăng đột biến và bệnh viện ở tình trạng quá tải kéo dài…

“Phát sinh thêm 40.000 - 50.000 lượt khám là con số vô cùng lớn. Kèm theo đó là chỉ số khác đều tăng như số bệnh nhân cấp cứu, cụ thể, 6 tháng đầu năm 2021 là 21.000 lượt so với năm nay là hơn 23.000 lượt. Số bệnh nhân điều trị nội trú cũng tăng, cụ thể năm ngoái là 31.000 lượt so với năm nay là hơn 36.000. Số lượng bệnh nhân phẫu thuật tăng hơn 6.000 bệnh nhân. Bệnh nhân thực hiện chụp X-quang, cộng hưởng từ, siêu âm, nội soi trực tràng, xét nghiệp… đều tăng cao, thậm chí tăng gấp 2-3 lần”, PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh, Phó Giám đốc BV Việt Đức nói.

Phát sinh hàng chục nghìn lượt khám, BV Việt Đức lo giữ chân nhân viên y tế - Ảnh 1.

Nửa đầu năm 2022, số lượng bệnh nhân tại BV Việt Đức tăng đột biến, thêm 40.000 - 50.000 lượt khám.

Lý giải nguyên nhân quá tải đột biến này, Phó Giám đốc BV Việt Đức cho rằng, sau 2 năm chống dịch COVID-19, người bệnh trước đây điều trị tại nhà, người bệnh nhẹ tiến triển phải đến bệnh viện và tâm lý người bệnh muốn đến khám bệnh trực tiếp: “Trong 2 năm qua, nói đến bệnh viện người dân khá e ngại do diễn biến dịch COVID-19 phức tạp, xuất hiện các ổ dịch trong bệnh viện. Bên cạnh đó, bệnh viện tuyến dưới cũng có thể quá tải, tình trạng thiếu trang thiết bị thuốc men nên người bệnh từ tuyến dưới đã chuyển lên các bệnh viện trung ương, trong đó có BV Việt Đức. Với số lượng bệnh nhân đông, bệnh viện xác định “không từ chối người bệnh” và tiếp nhận tối đa số lượng người bệnh.

Trong tình trạng quá tải và đặc biệt không để người bệnh phải chờ đợi phẫu thuật, BV Việt Đức đã tăng số phòng mổ lên 51. Theo đó, trong 6 tháng qua, 51 phòng mổ đã hoạt động liên tục và thực hiện hơn 35.000 ca phẫu thuật. Bệnh viện cũng triển khai nhân lực làm ngoài giờ, khám ngày thứ Bảy và trong dịp nghỉ lễ.

“Sắp tới dịp 2/9, chúng tôi cũng bố trí nhân lực làm thêm trong các ngày nghỉ để đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh. Lãnh đạo bệnh viện cũng đã yêu cầu các khoa phòng có biện pháp giảm tải bệnh nhân như: mổ ngoài giờ, thực hiện các ca mổ không phải là cấp cứu vào các ngày nghỉ, ngày lễ Tết...”, PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh thông tin cụ thể.

Tại các bệnh viện khác như Bạch Mai, Đại học Y… không khó để bắt gặp hình ảnh người bệnh xếp hàng từ tờ mờ sáng. Đây cũng giống như thói quen của người dân, đến sớm để được khám sớm. Theo đó, thói quen này khiến các bệnh đông kín bệnh nhân ở những khung giờ nhất định. Tuy nhiên, các nhân viên trực tổng đài, nhân viên tư vấn cũng cần được trang bị kiến thức để hiểu rõ nhu cầu khám của người bệnh, tránh tình trạng người bệnh cần làm xét nghiệm máu nhưng lại đặt lịch hẹn đến trưa hay chiều.

Nêu giải pháp giảm quá tải, lãnh đạo BV Việt Đức cho biết đã triển khai các hệ thống CNTT, trong đó, người bệnh có thể đăng ký trước qua tổng đài của bệnh viện hoặc qua website, fanpage… để giảm tập trung vào một khung giờ nhất định.

“Chúng tôi cũng khuyến cáo các trường hợp nhẹ, không phải vượt tuyến lên tuyến trung ương thì có thể khám, chữa bệnh tại bệnh viện địa phương. Hay hệ thống khám, chữa bệnh, tư vấn từ xa Telemedecine… Bệnh viện sẽ có thêm cơ sở hạ tầng để tiếp nhận người bệnh ngoại trú và tăng số giường cho người bệnh nội trú ngay tại bệnh viện”, PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh nói.

Phát sinh hàng chục nghìn lượt khám, BV Việt Đức lo giữ chân nhân viên y tế - Ảnh 3.

Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức Nguyễn Mạnh Khánh (thứ 2 từ trái sang), cùng lãnh đạo bệnh viện thông tin với PV VOV.

Bệnh viện cũng kết nối với các bệnh viện vệ tinh, các bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh để ứng dụng hệ thống y học từ xa, để xác định trường hợp bệnh nhân không cần thiết phải chuyển lên tuyến trên. Với cơ sở 2 tại tỉnh Hà Nam, lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức cho biết, khi nào được Bộ Y tế bàn giao, bệnh viện sẽ triển khai nhân lực để sử dụng khám, chữa bệnh.

Một vấn đề cũng nhận được sự quan tâm là khoản hỗ trợ với nhân viên y tế khi liên tục làm việc quá tải như vậy. Nhân viên y tế, kỹ thuật viên tại các bệnh viện phải đến sớm chuẩn bị để phòng khám sẵn sàng đón bệnh nhân từ 6h sáng, tiếp đó là làm xuyên trưa và cả làm ngoài giờ.

“Các chế độ chính sách cho nhân viên y tế, nhân viên bệnh viện vẫn thực hiện theo quy định chung của Nhà nước, từ lương đến mức trực chung, trực cấp cứu... Song lãnh đạo bệnh viện, công đoàn cũng cố gắng có những hỗ trợ tăng thêm, dù nhỏ nhưng để động viên người lao động yên tâm làm việc. Song thực tế khoản hỗ trợ này khó có thể so sánh là có thực sự xứng đáng”, lãnh đạo BV Việt Đức nói, đồng thời cũng thẳng thắn thừa nhận đây cũng chỉ là những biện pháp ngắn hạn. Để kéo dài thì đây là áp lực lớn về mặt tâm lý và sức khỏe với lực lượng y tế./.