Nữ sinh kể chuyện du học Hungary, sáng Chủ nhật ra đường mà bất ngờ vì cảnh tượng không có ở Việt Nam

Admin

Trải qua nhiều khó khăn, nữ sinh đã đỗ Đại học Pécs thông qua Học bổng Hiệp định Hungary.

Trong hình dung của nhiều người, những quốc gia “lý tưởng” để đi du học là: Trung Quốc, Hàn Quốc - nếu các bạn muốn du học các nước châu Á. Còn ở nửa bên kia bán cầu, những nơi được các bạn trẻ Việt ưa chuộng chọn đi du học là: Mỹ, Anh, Pháp, Đức…

Thế nhưng có rất nhiều đất nước khác cũng nổi tiếng với chất lượng giáo dục tốt, môi trường thân thiện với du học sinh, chẳng hạn như Hungary - đất nước mà cô bạn Đỗ Khánh Chi (SN 2004) lựa chọn. Chi đã đỗ Học bổng Hiệp định Hungary 2022 và hiện đang du học ngành Communication and Media Science (Khoa học Truyền thông và Phương tiện) tại Đại học Pécs (Hungary).

Nữ sinh kể chuyện du học Hungary, sáng Chủ nhật ra đường mà bất ngờ vì cảnh tượng không có ở Việt Nam- Ảnh 1.

Chi đã đỗ Học bổng Hiệp định Hungary 2022 và hiện đang học tại Đại học Pécs (Hungary).

Vỏn vẹn 5 tháng chuẩn bị hồ sơ du học

Khánh Chi quyết định đi du học khi đang học đại học năm nhất tại Việt Nam. Nữ sinh chọn Hungary - đất nước được mệnh danh là “trái tim châu Âu” bởi rất nhiều lý do. 

Đầu tiên, Hungary là một đất nước có nền giáo dục chất lượng và Hungary  cũng nằm trong top những quốc gia có số lượng người đạt giải Nobel trên đầu người cao nhất thế giới. Bên cạnh đó, do là “trái tim châu Âu” nên quốc gia này nằm ở một vị trí khá thuận lợi. Từ Hungary, bạn có thể di chuyển đến nhiều quốc gia tại châu Âu một cách dễ dàng. Là một người yêu du lịch và thích xê dịch, Khánh Chi không thể bỏ qua được yếu tố này.

Tuy nhiên, lý do lớn nhất khiến cô nàng gác lại tất cả để đi du học Hungary là do quốc gia này cấp học bổng Hiệp định cho sinh viên Việt Nam. Theo đó, học bổng này tài trợ mọi thứ từ học phí, chỗ ở, chi phí sinh hoạt và bảo hiểm y tế. Sau quá trình “nâng lên đặt xuống”, Chi xác định ứng tuyển vào Đại học Pécs - một trong những trường top đầu tại Hungary, thông qua học bổng Hiệp định này.

“Mình đã tìm hiểu rất kỹ trường và nó đáp ứng đầy đủ mọi yêu cầu của mình, từ cơ sở vật chất, chất lượng giảng dạy, môi trường năng động và nhiều sinh viên quốc tế. Vì thế, mình đã chọn du học Hungary thay vì đến các nước có chi phí đắt đỏ khác là Anh, Mỹ, Úc…”, Chi chia sẻ.

Nữ sinh kể chuyện du học Hungary, sáng Chủ nhật ra đường mà bất ngờ vì cảnh tượng không có ở Việt Nam- Ảnh 2.

Nữ sinh kể chuyện du học Hungary, sáng Chủ nhật ra đường mà bất ngờ vì cảnh tượng không có ở Việt Nam- Ảnh 3.

Khánh Chi quyết định đi du học khi đang học đại học năm nhất tại Việt Nam

Xác định được mục tiêu, Chi bắt tay vào hiện thực hóa giấc mơ du học của mình. Chi thừa nhận khoảng thời gian đó cô bạn gặp rất nhiều khó khăn. Thông thường, để hoàn thiện bộ hồ sơ du học, các bạn học sinh phải chuẩn bị trong một khoảng thời gian khá dài. Có người xác định du học vào năm lớp 12  thì đã phải rục rịch chuẩn bị từ năm lớp 10. Đằng này, Khánh Chi lại có thời gian rất ngắn để chuẩn bị mọi thứ. 

Biết đến Học bổng Hiệp định Hungary từ tháng 8/2021, nhưng đến tháng 1/2022 đã là hạn nộp hồ sơ, điều đó có nghĩa là, Khánh Chi chỉ có khoảng 5 tháng để hoàn thiện tất cả các giấy tờ và tài liệu cần thiết cho việc nộp học bổng. 

Và vậy là Khánh Chi đã bước lên một hành trình với khởi đầu muôn vàn khó khăn.

1001 kiếp nạn

Giữa những khó khăn trong việc chuẩn bị hồ sơ du học, có 2 điều khiến Khánh Chi áp lực nhất.

Thứ nhất, đó chính là về giấy tờ. Vì phải tự mình chuẩn bị mọi thứ, công chứng, dịch thuật, photocopy 7749 loại giấy tờ khác nhau, nên nhiều lúc cô nàng bị rơi vào trạng thái quá tải. Ngay cả giấy tờ khám sức khỏe ở bệnh viện thôi, đã có lúc Chi phải dành nguyên cả 1 ngày để đi khám ở bệnh viện. 

Từ những “cú sốc” mà bản thân từng trải qua, Chi khuyên các bạn có dự định du học nên chuẩn bị giấy tờ thật sớm và kiểm tra thật cẩn thận để có gì sơ sót sẽ có đủ thời gian sửa lại.

“Kiếp nạn” thứ 2 mà Chi phải đối mặt đó chính là nộp bài luận cho các trường đại học. Nữ sinh tâm sự mình chưa từng viết bài luận du học nào bằng tiếng Anh, nên khi bắt đầu cô bạn cảm thấy rất bỡ ngỡ. Chi đã dành ra rất nhiều thời gian mỗi ngày để lên ý tưởng, rồi nghiên cứu cách viết luận thế nào cho hay.

“Đa số áp lực mình nghĩ là từ chính bản thân. Bởi khi đã quyết định bước vào con đường xin học bổng du học, mình thật sự mong muốn sẽ đạt được kết quả tốt nhất, nên đã đặt rất nhiều tâm huyết vào nó. Trong khoảng thời gian đó, vì vẫn đang học đại học năm nhất ở Việt Nam nên mình còn phải cố gắng đạt điểm cao để có thể thuận tiện hơn trong việc xin học bổng du học. 

Mình không apply qua trung tâm, mọi thứ đều cần nghiên cứu rất kỹ. Nhiều khi cũng hơi áp lực. Tuy nhiên những lúc như thế, mình luôn nghĩ rằng nếu bản thân thành công thì sẽ giành được học bổng và sang Hungary du học. Động lực của mình vì thế cứ lên vù vù”, nữ sinh chia sẻ.

Nữ sinh kể chuyện du học Hungary, sáng Chủ nhật ra đường mà bất ngờ vì cảnh tượng không có ở Việt Nam- Ảnh 4.

Chi gặp nhiều khó khăn trong quá trình ứng tuyển học bổng du học

Biến động lực thành áp lực, sau tất cả cô bạn đã nhận được Học bổng Hiệp định Hungary 2022 và hiện đang là sinh viên năm hai ngành Communication and Media Science tại trường Đại học Pécs (Hungary).

Từ những khó khăn mà bản thân từng trải qua, Chi khuyên mọi người nên kết nối với những “tiền bối” có kinh nghiệm apply học bổng, tạo mối quan hệ với những bạn cùng chí hướng để cùng nhau trao đổi, kết nối:

“Mình thấy rất biết ơn khi luôn nhận được những sự giúp đỡ nhiệt tình từ anh chị và bạn bè. Một bí quyết nhỏ dành cho những bạn muốn apply học bổng, nếu như bạn vẫn chưa có ai trợ giúp và vẫn còn băn khoăn với nhiều thứ thì cứ mạnh dạn hỏi trên các diễn đàn, các hội nhóm về du học Hungary. Mọi người trả lời rất nhiệt tình và nó sẽ giúp quá trình apply học bổng trở nên thuận tiện hơn”.

Du học sinh Hungary giải đáp thắc mắc về… Hungary 

Dù gì đi chăng nữa nữa, có thể nói Hungary vẫn là một điểm đến du học khá mới mẻ với các bạn học sinh Việt Nam. Vậy nên, các yếu tố về đất nước, con người, môi trường học tập… ở đây được nhiều người quan tâm.

Sinh sống và học tập ở quốc gia này gần 2 năm, Chi thấy con người Hungary nhìn bề ngoài có vẻ kiệm lời, ít cười và khá khó gần. Nhưng nếu bạn cần giúp đỡ, người dân luôn nhiệt tình giúp đỡ. Điều này giúp Khánh Chi nhận ra không nên đánh giá người khác qua vẻ ngoài.

Về vấn đề học tập thi cử, nữ sinh bày tỏ khoảng cách giữa Giáo sư và sinh viên ở Hungary có vẻ gần hơn ở Việt Nam. Khi Giáo sư đang giảng, sinh viên có thể tự do nêu quan điểm. Bạn có thể phát biểu bất cứ lúc nào bản thân muốn. Dù bạn nói sai thì Giáo sư vẫn sẽ mở lòng để tiếp nhận ý kiến của sinh viên. Từ đó, sẽ giúp bạn sẽ tự tin hơn trong việc bày tỏ quan điểm, góc nhìn của bản thân.

Ngoài ra, nhiều bạn thắc mắc du học Hungary thì có cần biết tiếng Hungary không. Theo nữ sinh thì điều đó “không quá cần thiết” vì trong cuộc sống hàng ngày và cả chương trình học của Khánh Chi đều là tiếng Anh. Tuy nhiên, “ở đâu thì âu đấy”, việc học thêm tiếng Hungary cũng là điều tốt để cuộc sống du học của bạn thuận tiện hơn.

“Trong khoảng thời gian du học tại đây, kỹ năng mình học hỏi được đó chính là làm việc nhóm và giao tiếp trong môi trường đa văn hóa. Tại đây, mình phải làm việc nhóm với những người đến từ những nền văn hóa, quan điểm và góc nhìn khác nhau. Nhưng nhờ những lần làm việc nhóm như vậy mà mình được mở rộng thế giới quan hơn, khi mà tất cả mọi người đều tôn trọng văn hóa và tôn trọng những ý kiến của mình”, Chi nói.

Nữ sinh kể chuyện du học Hungary, sáng Chủ nhật ra đường mà bất ngờ vì cảnh tượng không có ở Việt Nam- Ảnh 5.

Du học Hungary có rất nhiều điều thú vị đối với bản thân nữ sinh

Ở khía cạnh văn hóa, nữ sinh quan sát thấy đa số cửa hàng, nhà hàng hoặc là tạp hóa sẽ đóng cửa khá sớm. Ra đường vào khoảng 8 giờ tối là gần như tất cả cửa hàng, cửa hiệu đã đóng cửa, đường phố vì thế mà vắng vẻ vô cùng. 

“Đây là điều mà mình cảm thấy khá lạ với Việt Nam. Bởi vì Việt Nam mọi thứ đều có thể mở 24/7. Khi sống ở Hungary thì mình cũng phải chủ động hơn trong việc xem giờ đóng cửa của siêu thị để có thể mua đồ ăn và đồ uống”, Chi kể lại.

“Mình đã trưởng thành hơn trong thời gian du học”

Có 2 bài học quý giá nhất mà Khánh Chi đã rút ra được trong khoảng thời gian du học. Thứ nhất là khả năng sống tự lập. Qua đây mọi thứ bạn đều phải một mình giải quyết, nếu có gì thắc mắc gì thì chủ động tìm hiểu hay hỏi bạn bè, thầy cô. 

Tiếp đến là khả năng chủ động trong việc kết nối với mọi người. Khi đi du học, mọi thứ dường như quay trở lại vạch xuất phát ban đầu. Nếu bạn ngại ngùng hay không dám mở lời bắt chuyện với bạn mới thì sẽ tạo ra rào cản vô hình ngăn cách bạn với mọi người xung quanh.

“Mình tin rằng khi bạn cởi mở và chủ động bắt chuyện với mọi người thì mọi người cũng sẽ đón nhận và mở lòng lại với bạn. Từ đó, bạn cũng sẽ học được thêm rất nhiều về nền văn hóa và đời sống của bạn bè ở các nước khác nhau”, Chi nói.

Nữ sinh kể chuyện du học Hungary, sáng Chủ nhật ra đường mà bất ngờ vì cảnh tượng không có ở Việt Nam- Ảnh 6.

Chi thừa nhận bản thân đã trưởng thành hơn trong quá trình du học

Chia sẻ về dự định trong tương lai, vì vẫn là sinh viên năm 2 nên nữ sinh vẫn đặt việc học lên hàng đầu. “Hiện vẫn còn quá sớm để nói về những kế hoạch sau tốt nghiệp của mình. Mình sẽ tập trung học tập thật tốt để xứng đáng với học bổng mà mình đã vất vả giành được”, nữ sinh tâm sự.

Ảnh: NVCC