Giá nguyên liệu đầu vào của nhiều ngành sản xuất và giá xăng dầu tăng mạnh cùng diễn biến thời tiết cực đoan trong các tháng đầu năm 2024 đã tác động trực tiếp lên giá hàng hóa, dịch vụ đến tay người tiêu dùng. Tăng giá là diễn biến không tránh khỏi của nhiều doanh nghiệp (DN).
Áp lực tăng giá quá lớn
Trở về TP HCM sau 2 tháng đi du lịch xa, chị Nguyễn Kim Hoàng - ngụ quận 8 - không khỏi bất ngờ vì nhiều mặt hàng ở chợ như gạo, gia vị, thịt, cá, rau, tôm khô, cá khô, cà phê, nước ngọt… đều tăng giá.
Khảo sát tại thị trường TP HCM cho thấy giá cả tăng ở hầu hết các ngành hàng, nhất là nhóm thực phẩm và hóa mỹ phẩm, chất tẩy rửa. Trong nhóm hàng thực phẩm, từ đầu tháng 5, giá các loại nông sản như cải bó xôi, cà chua, củ dền, ớt sừng, đậu cove, hành lá, cà rốt, xà lách coron, su su… trở nên đắt đỏ. Riêng mặt hàng cà chua tăng gấp 2 - 3 lần cùng kỳ năm trước, khoảng 50.000 đồng/kg cà chua thường và 80.000 đồng/kg cà chua beef.
Bà Huỳnh Ngọc Bích Đào, Tổng Giám đốc Công ty Đồng Xanh Farm, cho rằng diễn biến thời tiết cực đoan đã ảnh hưởng lớn đến năng suất và sản lượng rau củ quả ở TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Theo bà, do nguồn cung rau củ quả từ Lâm Đồng khan hiếm cục bộ nên nhiều DN, thương lái hỏi mua hàng của Đồng Xanh Farm với giá cao hơn ít nhất 20% - 30% so với giá công ty đang bán cho siêu thị. "Tuy nhiên, công ty đã ký hợp tác chiến lược với 1 hệ thống siêu thị lớn nên luôn ưu tiên sản lượng cho hệ thống này với giá ổn định" - bà Đào cho hay.
Theo giám đốc marketing một hệ thống siêu thị lớn, từ đầu năm 2024 đến nay, hệ thống này đã nhận được rất nhiều đề nghị tăng giá sản phẩm của các nhà cung cấp, phần lớn là thực phẩm khô, thực phẩm chế biến, hóa mỹ phẩm, chất tẩy rửa - vệ sinh. Không chỉ các nhà cung cấp quy mô nhỏ mà một số nhà cung cấp lớn, chi phối thị trường cũng thông báo giá mới.
Cuối tuần trước, một công ty chuyên nhập khẩu, phân phối dầu ăn bất ngờ vì đối tác nước ngoài báo giá dầu ô liu tăng đến 60%, giá các loại dầu ăn khác cũng tăng mạnh. Trong nước, các nhà sản xuất dầu ăn xác nhận giá nguyên liệu cũng đang trong xu hướng biến động. "Dầu ăn không chỉ là sản phẩm tiêu dùng hằng ngày mà còn là nguyên liệu sản xuất nhiều mặt hàng thực phẩm khác. Giá dầu tăng sẽ gây áp lực cho DN về giá các sản phẩm" - giám đốc một DN nhập khẩu dầu ăn nhận xét.
Ông Phạm Hà Thành Lễ, Giám đốc marketing Công ty Cà phê An Thái, thông tin cách đây nửa tháng, giá cà phê nhân tăng lên mức 150.000 đồng/kg, gấp 3 - 4 lần mức bình thường trước đó. Giá nguyên liệu cà phê tăng phi mã nên giá bán các loại cà phê hòa tan, cà phê bột đều phải điều chỉnh tăng 30% - 40%.
Cũng chật vật vì giá cà phê tăng, ông Nguyễn Ngọc Luận, Giám đốc Công ty Liên kết Thương mại Toàn Cầu - thương hiệu cà phê Meet More, cho biết công ty ông chỉ dám tăng giá khoảng 10%. "DN thường xuyên chia sẻ với khách hàng để họ hiểu tăng giá là việc bất khả kháng" - ông nói.
Ổn định giá để giữ sức mua
Báo cáo mới nhất của Kantar Việt Nam cho thấy thị trường hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) của Việt Nam trong quý I/2024 tăng trưởng âm bất chấp thời điểm tháng Tết Nguyên đán, đồng thời người tiêu dùng tiếp tục chi tiêu thận trọng.
Từ thực tế này, nhiều DN cho rằng tăng giá là lựa chọn chẳng đặng đừng. Theo ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc Công ty Tân Quang Minh (thương hiệu Bidrico), khi giá xăng, nguyên liệu sản xuất… tăng mạnh trong các tháng đầu năm thì giá sản phẩm phải tăng ít nhất 10% - 15% mới đủ bù chi phí. "Công ty phải xoay xở cắt giảm chi phí sản xuất, giảm hao hụt, hợp lý hóa việc sử dụng máy móc, thiết bị và các chi phí truyền thông, phân phối để kìm giữ giá. Tuy nhiên, công ty cũng buộc phải xem xét, điều chỉnh tăng giá nhẹ một số sản phẩm" - ông Hiến bày tỏ.
Chia sẻ kinh nghiệm nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Lương thực Thực phẩm Miliket Colusa, cho rằng DN phải có kế hoạch dự báo, dự trữ nguyên vật liệu để giảm thiểu tác động "sốc". Đồng thời, cần đẩy mạnh cải tiến sản xuất, đầu tư công nghệ mới để tiết kiệm năng lượng bởi đây là một trong các yếu tố quan trọng để giảm giá thành tốt nhất.
"Từ đầu năm đến nay, nguyên liệu chính trong ngành sản xuất mì, bún, phở ăn liền đã tăng 5% - 10%, có loại tăng đến 20%, tùy ngành hàng. Nhà cung cấp bột mì tiếp tục thông báo tăng giá. Tăng giá là xu hướng không tránh khỏi nhưng quan trọng là mức độ chấp nhận của thị trường. Người tiêu dùng vẫn đang thắt lưng buộc bụng, cân nhắc chi tiêu cẩn thận và chỉ mua những gì thật sự cần thiết nên DN phải tính toán rất kỹ trước khi ra quyết định điều chỉnh giá" - ông Tuấn nhìn nhận. Theo ông, Miliket Colusa đã thông báo với khách hàng về kế hoạch tăng giá 3% - 5% đi kèm chương trình hỗ trợ nhà phân phối, đối tác bán hàng để cùng thúc đẩy sức mua.
Nhiều siêu thị cũng đang nỗ lực trì hoãn các đợt tăng giá. Theo bà Nguyễn Thị Bích Vân, phụ trách truyền thông Tập đoàn Central Retail, dù các yếu tố đầu vào đang biến động nhưng hệ thống này vẫn nỗ lực ổn định giá nhằm giữ sức mua.
Ông Võ Trần Ngọc, Giám đốc kinh doanh Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op), thông tin hầu hết nhà cung cấp rau củ quả đã báo tăng giá 10% - 15%. Tuy nhiên, là đơn vị tham gia bình ổn giá, Saigon Co.op chủ động làm việc với nhà cung cấp, ký thỏa thuận bao tiêu một số sản phẩm, bảo đảm nguồn cung ứng. Với nhóm hàng thực phẩm công nghệ, mức đề nghị tăng phổ biến là 10% - 20%. Để ứng phó, Saigon Co.op - với lợi thế có trung tâm phân phối ở Bình Dương, miền Tây, miền Bắc - đã chủ động đàm phán với nhà cung cấp và dự trữ lượng hàng, bảo đảm cung ứng đầy đủ nguồn hàng với giá phải chăng.
Tương tự, với nhóm hàng tiêu dùng, mỹ phẩm, do tình hình sức mua hiện nay tương đối thấp nên Saigon Co.op thương lượng nhà cung cấp không tăng giá để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng. "Chúng tôi chủ động phối hợp với nhà sản xuất cùng giảm lợi nhuận để bảo đảm giá bình ổn" - ông Ngọc nhấn mạnh.
Triển khai đồng bộ các giải pháp
Theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới nên trong bối cảnh hiện tại, áp lực tăng giá và lạm phát năm 2024 là rất cao.
Để bảo đảm ổn định giá cả thị trường trong nước, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đề ra, cần triển khai đồng bộ các giải pháp. Theo đó, cần có sự điều hành của các cấp, cơ quan chính quyền và sự phối hợp với nhà sản xuất, nhà phân phối giữ ổn định giá các mặt hàng thiết yếu, giúp ổn định tâm lý người tiêu dùng để họ tăng chi tiêu.
Ông NGUYỄN NGUYÊN PHƯƠNG, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM:
Hỗ trợ người thu nhập thấp mua sắm
Trên địa bàn TP HCM vẫn còn rất nhiều người lao động có thu nhập thấp, người yếu thế, người nghèo… Nếu biến động giá cả hàng tiêu dùng thiết yếu xảy ra thường xuyên, dù là biên độ thấp, cũng ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và tiêu dùng của nhóm người này. Sở Công Thương đã chủ động phối hợp với các sở, ngành, DN đẩy mạnh chương trình bình ổn thị trường nhằm giúp người dân yên tâm hơn trong chi tiêu, mua sắm.
Cụ thể, chương trình bình ổn thị trường TP HCM năm nay bổ sung 10 DN tham gia; chủng loại và số lượng mặt hàng được bình ổn giá cũng nhiều hơn những năm trước. Bên cạnh đó, Sở Công Thương còn phối hợp với các đơn vị hỗ trợ tiểu thương chợ truyền thống, siêu thị, trung tâm thương mại tích hợp thương mại điện tử để gia tăng kênh bán hàng, đưa ra những chương trình giảm giá thực chất nhằm kích cầu.
Ông VÕ TRẦN NGỌC, Giám đốc kinh doanh Saigon Co.op:
Tăng khuyến mãi để kích cầu
Đến thời điểm này, về cơ bản, Saigon Co.op vẫn kiểm soát được về giá, có thể bảo đảm không tăng giá các mặt hàng rau củ quả, thực phẩm chế biến, hóa mỹ phẩm… trong vòng 3 - 4 tháng tới.
Sức mua hiện nay rất thấp, vì vậy nhà phân phối và nhà cung cấp phải cùng nhau phối hợp để giảm giá sâu, kích thích tiêu dùng. Saigon Co.op đang triển khai chương trình khuyến mãi kỷ niệm 35 năm thành lập đơn vị, áp dụng với hơn 1.000 mặt hàng tiêu dùng nhiều vào mùa hè, trong đó có những nhóm hàng giảm tới 30% - 40%, mua 2 tặng 1, mua 1 tặng 1… để kích cầu.