Nổ bếp gas mini, bé gái 2 tuổi bị bỏng nặng

Admin

Do bếp gas mini phát nổ nên đã gây phỏng ở mặt, ngực, bụng, tay, chân bé được gia đình đưa đến bệnh viện địa phương sơ cứu rồi chuyển Bệnh viện Nhi Đồng TP.

Thông tin trên Giáo Dục& Thời Đại, ngày 6/3, Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố HCM thông tin vừa tiếp nhận một trường hợp bé gái 23 tháng tuổi bỏng nặng.

Khai thác bệnh sử ghi nhận trẻ chơi ở chân cầu thang, nơi để các bếp gas mini. Sau kết thúc tiệc cưới, bất ngờ một bếp gas mini phát nổ gây phỏng trẻ ở mặt, ngực, bụng, tay, chân.

Tại Bệnh viện, trẻ có biểu hiện sốc, mạch nhẹ chi mát, huyết áp khó đo, diện tích phỏng khoảng 44%.

Các bác sĩ truyền dịch chống sốc, hỗ trợ hô hấp, dùng thuốc giảm đau và chăm sóc vết thương phỏng. Sau đó, chuyển đến khoa hồi sức ngoại điều trị tiếp.

Đời sống - Nổ bếp gas mini, bé gái 2 tuổi bị bỏng nặng

Ảnh minh họa

Bệnh nhi được chăm sóc vết thương phỏng bằng các dung dịch sát trùng không gây đau và các loại gạc sinh học diệt khuẩn, tiêu mô hoại tử, kích thích tạo mô hạt, không dính mô khi thay gạc, kết hợp với dinh dưỡng hợp lý.

Kết quả sau hơn 2 tuần điều trị tình trạng vết thương phỏng cải thiện lành dần.

Theo báo Tuổi Trẻ, qua trường hợp này, bác sĩ BS CK2 Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố khuyến cáo, phụ huynh nên cẩn thận trong công việc, sinh hoạt hằng ngày ở nhà. Mọi hành vi, động tác, hành động của người lớn có thể gây nguy cơ tổn thương đối với trẻ nhỏ.

Để nơi ở an toàn cho trẻ nhỏ, phụ huynh không để các đồ dùng nóng, sôi, bàn ủi nóng, pô xe mới chạy về, chai lọ hóa chất, thuốc diệt chuột, côn trùng, thuốc uống điều trị, ổ điện… ở ngang tầm với trẻ. Nhà tắm không để xô có nước vì trẻ có thể té vào.

Tránh cho trẻ nhỏ tiếp cận những nơi nguy hiểm có dụng cụ, vật liệu cháy nổ. "Khi trẻ bị bỏng nước sôi hay lửa, cần đưa trẻ ra nơi an toàn, xối nước lên chỗ vết thương cho trẻ bớt bỏng thêm và đau. Sau đó nhanh chóng đưa trẻ tới bệnh viện để được cấp cứu tiếp", bác sĩ Tiến hướng dẫn sơ cứu ban đầu khi trẻ bị bỏng.

Q.Tiệp (T/h)