Những thách thức Apple đang phải đối mặt tại các thị trường lớn ở châu Á

Admin

Apple vừa cho ra mắt sản phẩm iPhone 14 và dự kiến đây sẽ là con át chủ bài mang lại doanh thu khủng cho hãng điện thoại này trong năm nay. Tuy nhiên tại các thị trường lớn như Trung Quốc và Ấn Độ, công ty đang gặp phải những thách thức không nhỏ khi các hãng nội địa đang ngày càng phát triển mạnh cùng với giá bán cạnh tranh.

Thị trường Trung Quốc

Những chiếc iPhone 14 mới nhất của Apple đã thu hút được sự quan tâm tích cực từ Trung Quốc sau khi họ quyết định không tăng giá một số sản phẩm. Tuy nhiên công ty này cũng phải đối mặt với những thách thức lớn từ các đối thủ địa phương tại một trong những thị trường quan trọng nhất của mình.

Những người hâm mộ điện thoại thông minh khắp châu Á nói chung và iFan nói riêng đã đếm ngược từng ngày đến thời điểm Apple ra mắt các mẫu điện thoại iPhone 14 tại sự kiện Far out vừa qua của Apple diễn ra tại California, Mỹ. Giá khởi điểm cho các mẫu cơ bản và cao cấp vẫn được giữ nguyên và phiên bản iPhone 14 có giá khoảng 800 USD.

Đến chiều thứ Năm, chủ đề "iPhone 14" đã thu hút hơn 730 triệu lượt xem trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc, trong khi chủ đề liên quan về việc không tăng giá iPhone đã thu về hơn 120 triệu lượt xem.

Trong bối cảnh hiện nay, việc giành được sự ủng hộ của người tiêu dùng Trung Quốc vẫn là ưu tiên hàng đầu của Apple. Trung Quốc chiếm hơn 1/6 doanh số của Apple trong quý từ tháng 4 đến tháng 6, chỉ sau Châu Mỹ với 45% và Châu Âu là 23%.

Giám đốc điều hành của Apple, ông Tim Cook, đã nhân cơ hội hôm thứ Tư để có một cử chỉ thân thiện đối với Trung Quốc, đăng trên tài khoản mạng xã hội địa phương của mình rằng Apple sẽ quyên góp để giúp đỡ các nạn nhân động đất ở tỉnh Tứ Xuyên.

IPhone 12 và iPhone 13 đã hoạt động rất tốt ở thị trường Trung Quốc một phần là do gã khổng lồ điện thoại thông minh "cây nhà lá vườn" của nước này, Huawei, đã bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Công ty nghiên cứu thị trường Canalys cho biết Apple đã xuất xưởng 9,9 triệu chiếc iPhone tại Trung Quốc trong quý 2, tăng 25% so với một năm trước đó, mặc dù thị trường điện thoại thông minh nói chung của nước này đã giảm 10%. Sự bùng phát trở lại dịch Covid-19 và việc đóng cửa ở các thành phố lớn của Trung Quốc đã làm ảnh hưởng đến chi tiêu của người tiêu dùng trong quý.

Chen Jing, một người đam mê nhiếp ảnh 40 tuổi sống ở Thượng Hải cho biết chị đã sở hữu chiếc iPhone 11 được khoảng 3 năm và đang tìm hiểu về chiếc iPhone 14 Pro Max. Tại Trung Quốc giá bán dự kiến sẽ tương đương 1.665 USD. "Giá bán hơi cao so với những dòng máy khác nhưng bởi camera của iPhone xứng đáng với số tiền đó." Chị chia sẻ và cho biết mình vẫn sẽ chọn iPhone.

Apple phải đối mặt với nhiều sự cạnh tranh tại thị trường Trung Quốc. Trong khi Huawei gặp khó khăn, các thương hiệu địa phương như Oppo và Vivo đã nhanh tay cho ra mắt các mẫu máy có các tính năng như máy ảnh chất lượng cao và pin lâu hơn, bà Amber Liu, nhà phân tích tại Canalys cho biết.

"Họ nhận thấy việc chuyển đến phân khúc cao cấp là con đường duy nhất để sinh lời và tăng trưởng bền vững.

Theo Counterpoint Research, Honor Device (nhà sản xuất điện thoại trước đây thuộc Huawei) là nhà sản xuất điện thoại thông minh bán chạy nhất tại Trung Quốc trong quý 2 năm nay, theo sát là các thương hiệu địa phương khác như Oppo và Vivo, Apple đứng ở vị trí thứ 5 với 13% thị phần.

Huawei đang tập hợp lại để trở lại, mặc dù họ vẫn không thể cung cấp điện thoại với dịch vụ dữ liệu tốc độ cao hoặc thế hệ thứ năm hoặc 5G vì lệnh trừng phạt của Mỹ.

Công ty đã giới thiệu điện thoại thông minh hàng đầu mới nhất của mình hai ngày trước thông báo của Apple và đánh bại ông lớn đến từ Mỹ trong việc giới thiệu điện thoại với truyền thông vệ tinh. Điện thoại có thể liên lạc trực tiếp với các vệ tinh trên trái đất để gửi tin nhắn khẩn cấp ngay cả ở những khu vực không có tháp di động.

Điện thoại của Huawei hoạt động với hệ thống vệ tinh điều hướng được phát triển trong nước của Trung Quốc, trong khi Apple cho biết dịch vụ vệ tinh của họ ban đầu sẽ chỉ có sẵn ở Mỹ và Canada.

Ông Richard Yu, người đứng đầu bộ phận kinh doanh tiêu dùng của Huawei cho biết: "Chúng tôi quyết tâm xây dựng một thương hiệu cao cấp".

Những thách thức Apple đang phải đối mặt tại các thị trường lớn ở châu Á - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Thị trường Ấn Độ

Apple cũng đang nhắm mục tiêu đến Ấn Độ, một thị trường tiềm năng khác không kém cạnh so với Trung Quốc. Họ đang hi vọng quốc gia có quan hệ thân thiện hơn với Mỹ, cuối cùng có thể tiếp cận vị thế của Trung Quốc như một thị trường toàn cầu quan trọng và trung tâm sản xuất, mặc dù mục tiêu đó vẫn còn rất xa.

Với hơn 1,3 tỷ dân chỉ đứng sau Trung Quốc, Ấn Độ là thị trường điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới, nhưng các thương hiệu giá rẻ đã thống trị ở đó.

Năm 2017, Apple bắt đầu sản xuất một số mẫu iPhone tại Ấn Độ, cho phép công ty tránh được mức thuế bổ sung cho các thiết bị nhập khẩu từ Trung Quốc và giảm giá cho khách hàng. Theo Tarun Pathak của Counterpoint Research ở Ấn Độ, thị phần của Apple trên thị trường điện thoại thông minh của Ấn Độ sẽ đạt 4% trong năm nay, tăng từ khoảng 1% vào năm 2018.

Cũng theo Counterpoint, Apple đang đứng sau những công ty như Samsung Electronics của Hàn Quốc, Xiaomi của Trung Quốc và Vivo tại thị trường Ấn Độ khi mỗi công ty đều chiếm hơn 15% thị phần.

Theo các nhà phân tích, một điểm sáng của Apple tại Ấn Độ là người tiêu dùng ngày càng sẵn sàng chi nhiều hơn cho các thiết bị đắt tiền được hỗ trợ bởi các lựa chọn tài chính mới.

Tờ Wall Street Journal đưa tin vào tháng trước, Apple đang chuẩn bị sản xuất iPhone mới của mình ở Ấn Độ. Các nhà phân tích cho biết sản lượng nội địa tăng sẽ giúp Apple mở rộng thị phần đối với người tiêu dùng Ấn Độ, mặc dù hãng vẫn chưa thể mở các cửa hàng bán lẻ tại nước này.

Theo WSJ