*Dưới đây là chia sẻ của Jen Glantz - BTV Tài chính của Business Insider. Trong bài viết này, cô kể lại những cuộc trò chuyện với các chuyên gia tài chính/tư vấn tài chính về chủ đề nghỉ hưu sớm. Sau khi tổng hợp lại thông tin, Jen Glantz chỉ ra 4 điểm chung của những người thành công nghỉ hưu sớm.
Trong các buổi trò chuyện, có một câu hỏi mà tôi luôn đặt ra với các chuyên gia tài chính và chuyên gia tư vấn tài chính: Các khách hàng của họ - những người đã thành công với mục tiêu nghỉ hưu sớm, có điểm chung nào ở nhóm người này hay không?
Jen Glantz
Và dưới đây chính là 4 “đáp án” mà tôi nhận được, sau những buổi trò chuyện như vậy.
1. Đừng mơ nghỉ hưu sớm nếu có nợ
Nhà lập kế hoạch tài chính RJ Weiss nói với tôi rằng điểm chung đầu tiên của những người thành công nghỉ hưu sớm chỉ gói gọn trong 3 từ: Không mắc nợ.
“Tôi biết có những người đã cố gắng xây dựng tài sản ròng trị giá hơn 1 triệu USD mà không cần sử dụng tới bất kỳ đòn bẩy tài chính nào. Họ đã xoay sở trong suốt nhiều thập kỷ để tiết kiệm và đầu tư bằng chính số tiền mình kiếm được, thay vì đi vay mượn. Đương nhiên cũng có những người mắc nợ, nhưng số nợ đó không đáng kể, thậm chí là rất rất nhỏ so với tài sản họ có.
Việc không mắc nợ thực sự rất quan trọng. Cảm giác quen với một khoản nợ nhỏ có thể sẽ khiến bạn vay mượn nhiều hơn và chẳng mấy chốc sẽ tới lúc mất khả năng chi trả” - RJ Weiss nói.
2. Kiếm bao nhiêu cũng chỉ tiêu một nửa
Nhà lập kế hoạch tài chính Ronit Rogoszinski trả lời thắc mắc tôi đặt ra bằng một câu ngắn gọn: Họ (những người thành công nghỉ hưu sớm) thường chỉ tiêu 1/2 số tiền họ kiếm được. Ngay cả khi thu nhập đã tăng lên, họ vẫn giữ mức chi tiêu như cũ để đảm bảo tăng trưởng tỷ lệ tiết kiệm, thay vì tăng trưởng chi phí sống.
Ảnh minh họa
"Tôi có một khách hàng, cô ấy luôn chi tiêu như thể mình không hề kiếm được tiền. Điều này không có nghĩa là cô ấy không chi tiền để giải trí. Câu chuyện chỉ đơn giản là thay vì vung tiền vào hàng xa xỉ hay những sự hưởng thụ xa hoa, cô ấy luôn tìm cách để tận hưởng sự thư thái với ngân sách thấp nhất, đôi khi là miễn phí.
Ở độ tuổi 60, cô ấy hoàn toàn có đủ tiền để nghỉ hưu và dùng số tiền tiết kiệm được để sống phần đời còn lại nhưng cô ấy vẫn tiếp tục làm việc.
Mục tiêu nghỉ hưu sớm đôi khi sẽ nghiêng về cảm giác an tâm tài chính nhiều hơn là ngừng làm việc, ngừng kiếm tiền. Một người đặt mục tiêu nghỉ hưu sớm vẫn có thể tiếp tục làm việc dù họ đã có đủ tiền để nghỉ hưu, đơn giản vì họ yêu thích cảm giác được cống hiến và ghi nhận” - Ronit Rogoszinski chia sẻ.
3 - “Ngồi không cũng kiếm được tiền” vì có nguồn thu nhập thụ động
Nhà lập kế hoạch tài chính RJ Weiss nói rằng ông chưa thấy một người nào thành công nghỉ hưu sớm mà lại không có ít nhất một nguồn thu nhập thụ động.
Ảnh minh họa
“Đó có thể là một doanh nghiệp mà họ đã xây dựng từ thời còn trẻ. Khi họ về già, quyền điều hành sẽ được chuyển giao lại cho các thế hệ sau trong gia đình. Họ vẫn được chia cổ tức hàng năm, ngay cả khi không tham gia vào bất kỳ công việc nào. Đôi khi, đó cũng có thể là một bất động sản cho thuê, mang lại một khoản thu nhập cố định hàng tháng” - RJ Weiss đưa ra ví dụ.
4 - Tái đầu tư khoản thu nhập thụ động
Nhà lập kế hoạch tài chính Faron Daugs - Người sáng lập và Giám đốc điều hành của Tập đoàn tài chính Harrison Wallace, nói rằng các khách hàng của ông có 2 nhóm: Một nhóm đã tham gia các loại bảo hiểm/quỹ hưu trí từ sớm để an tâm nghỉ hưu; Một nhóm không tham gia các loại bảo hiểm/quỹ hưu trí nhưng luôn tái đầu tư các khoản thu nhập thụ động, để “tiền đẻ ra tiền”.
“Điều cốt lõi là họ đảm bảo được dòng tiền của mình không đứng yên, một cách an toàn. Họ đầu tư có kỷ luật vào các hoạt động kinh doanh, các dự án bất động sản hoặc chứng khoán từ dòng tiền được tạo ra một cách thụ động” - Faron Daugs khẳng định.
Theo BI