Khảo sát PAPI 2021 chỉ ra tỷ lệ trung bình người trả lời cho biết họ muốn di cư lâu dài ra khỏi địa phương đang cư trú là 1,6%, thấp hơn khá nhiều so với tỷ lệ 6,8% năm 2020. Trong đó, địa phương được nhiều người muốn chuyển đến nhất là TP. Hồ Chí Minh với hơn 20% người tham gia khảo sát lựa chọn, nhiều hơn gấp 1,2 lần so với thành phố đứng thứ 2 là Hà Nội.
Đà Nẵng là nơi hấp dẫn người di cư đến thứ 3 với tỷ lệ 8,43% người được hỏi chọn đây là địa điểm họ muốn chuyển đến. Như vậy, 3 vị trí đầu nơi người dân muốn di cư đến đều là các thành phố trực thuộc trung ương.
Nguồn: PAPI 2021
Địa phương xếp thứ 4 là Lâm Đồng, nơi được xem như trung tâm kinh tế của Tây Nguyên. Có hơn 6,1% số người được hỏi muốn di cư đến tỉnh này. Xếp sau đó là Cần Thơ với hơn 4% người dân được hỏi chọn muốn di cư đến đây.
Ngoài ra, một số tỉnh, thành khác cũng nằm trong top 10 địa phương người dân muốn di cư đến là Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Đồng Nai và Đắk Lắk.
Theo báo cáo, gần 50% số người được hỏi lựa chọn di cư vì lý do đoàn tụ gia đình. Có việc làm tốt hơn là nguyên nhân tiếp theo khiến nhiều người lựa chọn di cư. Có 44,37% số người chọn TP. Hồ Chí Minh nói rằng họ di cư đến đây vì mong muốn có việc làm tốt hơn. Tỷ lệ này với Hà Nội chiếm tới gần 30%.
Vì vậy, những địa phương người dân muốn chuyển đến có mức thu nhập bình quân (TNBQ) khá cao so với mức trung bình của cả nước là 4,2 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, có 3/10 tỉnh, thành có mức TNBQ đầu người thấp hơn so với trung bình cả nước là Lâm Đồng, Đắk Lắk và Long An
Báo cáo chỉ ra, môi trường tự nhiên tốt hơn là nguyên nhân cao thứ 3 khiến người dân muốn di cư. Gần 70% số người chọn Lâm Đồng trả lời rằng họ chọn tỉnh này vì muốn sống trong một môi trường tự nhiên tốt hơn.
Cụ thể, 2 địa phương có tỷ lệ người lựa chọn muốn di cư đến cao nhất là TP. HCM và Hà Nội đều có mức TNBQ đầu người đều ở mức hơn 6 triệu đồng/tháng, nằm trong top 3 cả nước về TNBQ.
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Tại Đà Nẵng, địa phương được chọn nhiều thứ 3, mức TNBQ mỗi tháng của người dân là hơn 5,2 triệu đồng/người, cao thứ 5/63 tỉnh, thành. Bình Dương là tỉnh có mức TNBQ cao nhất với hơn 7,1 triệu đồng/người/tháng.
Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai đều là các địa phương nằm trong top 10 tỉnh, thành có TNBQ đầu người cao nhất cả nước với mức thu nhập lần lượt 4,79 triệu đồng/tháng, 4,42 triệu đồng/tháng và 5,57 triệu đồng/tháng.
3 tỉnh còn lại Lâm Đồng (3,72 triệu đồng/tháng), Long An (3,72 triệu đồng/tháng) và Đắk Lắk (2,81 triệu đồng/tháng) đều có mức TNBQ đầu người thấp hơn so với mức trung bình của cả nước.
https://cafef.vn/nhung-dia-phuong-thu-hut-nguoi-di-cu-nhat-co-thu-nhap-binh-quan-bao-nhieu-20220725095324489.chn