*Dưới đây là chia sẻ của Kimberly Hamilton - Nhà sáng lập công ty tư vấn tài chính Beworth Finance. Ở độ tuổi 36, Kimberly Hamilton đã tự tin khẳng định rằng 9 năm nữa, cô có thể nghỉ hưu sớm khi bước sang tuổi 45.
Hiện tại, nền tảng tài chính của Kimberly Hamilton đã rất vững chắc. Dẫu vậy cô vẫn quyết định làm việc kiếm tiền thêm gần 1 thập kỷ nữa để có thể đạt tới trạng thái tự do tài chính tối đa khi bước vào tuổi trung niên. Trong bài viết này, Kimberly Hamilton chia sẻ 3 quy tắc giúp tình hình chính của mình sang trang.
Năm 2012, tôi mới tốt nghiệp đại học. Chưa kịp thở phào vì cầm được tấm bằng đại học, tôi đã bắt đầu cảm thấy bi quan về tương lai của mình. Lý do không có gì khác ngoài chuyện tiền bạc.
Sau khi tốt nghiệp, tôi tìm được một công việc với mức thu nhập 40.000 USD/năm nhưng khoản nợ sinh viên của tôi lại lên tới 45.000 USD. Tôi gần như không đủ tiền để sống và trang trải nợ nần, chứ đừng nói tới việc tiết kiệm.
Tuy nhiên, chỉ 5 năm sau, vào năm 2017, tôi đã trả hết khoản nợ sinh viên, tăng gấp đôi thu nhập và mua được căn nhà đầu tiên trước sinh nhật 30 tuổi. Từ kinh nghiệm vượt khó của mình, tôi thành lập công ty tư vấn tài chính của riêng mình.
Giờ đây ở độ tuổi 36, tôi tự tin khẳng định mình đã đạt tới trạng thái tự do tài chính và chắc chắn có thể nghỉ hưu vào năm 45 tuổi. Sau đó, tôi không cần làm gì thêm nữa vẫn đủ sống suốt phần đời còn lại.
Dưới đây là 3 quy tắc tôi luôn tuân thủ để “lội ngược dòng” thành công.
1 - Bắt đầu thực hiện những thay đổi nhỏ nhất
Đi làm được khoảng hơn 1 năm, thu nhập của tôi vẫn quanh quẩn ở mức 2400 USD mỗi tháng, một con số không mấy dư dả với người đang phải gánh khoản nợ 45.00 USD. Dẫu vậy tôi vẫn kiên quyết tạo dựng thói quen tiết kiệm, đồng thời làm tất cả những gì có thể để tăng thu nhập.
Thời điểm đó, mỗi tháng tôi chỉ tiết kiệm được 100-120 USD, tương đương 4% thu nhập. Tôi nhận ra tỷ lệ này quá nhỏ. Để thoát khỏi mốc tiết kiệm 4% thu nhập, tôi vừa làm thêm việc ngoài giờ hành chính, vừa đặt mục tiêu mỗi năm tự đề xuất tăng lương một lần.
Tôi làm tất cả những gì có thể, từ phục vụ bàn, đi mua sắm giúp người khác,... Bên cạnh đó, tôi cũng phải nỗ lực mắc ít lỗi nhất có thể để đề xuất tăng lương của tôi được xét duyệt.
Bước sang năm thứ hai đi làm, tôi đã có thể tiết kiệm 1500 USD, nhiều hơn 15 tỷ lệ tiết kiệm thời mới chân ướt chân ráo đi làm.
2 - Tự động hóa việc thanh toán nợ cũng như tiết kiệm hàng tháng
Sau khi tăng thu nhập thành công, đủ để tiết kiệm 1500USD mỗi tháng, tôi bắt đầu thay đổi thứ 2: Tự động hóa tất cả các khoản thanh toán, bao gồm tiền trả nợ và tiền tiết kiệm.
Việc cài đặt tự động thanh toán hữu dụng hơn tôi nghĩ. Nó giúp tôi luôn trả nợ đúng hạn và đặc biệt không rơi vào bẫy lạm phát lối sống. Tôi không thể chi tiêu nhiều hơn khi thu nhập tăng lên, đơn giản vì nhiều khi tiền về tài khoản, tôi chưa kịp kiểm tra, một phần đã được tự động gửi tiết kiệm. Tôi có tiết kiệm ít đi để có thêm tiền tiêu xài cũng không được.
3 - Chỉ đầu tư vào những thị trường dài hạn, ít rủi ro
Năm 2023, tôi đã đầu tư hơn 45% thu nhập của mình vào quỹ hưu trí và chứng chỉ quỹ. Tôi nghĩ rằng việc chọn thị trường, lĩnh vực đầu tư vô cùng quan trọng. Bản thân tôi chính là minh chứng.
Giả như bây giờ tôi ngừng đầu tư vào quỹ hưu trí, tôi vẫn có khoảng 3,7 triệu USD vào năm tôi 65 tuổi. Nhưng đương nhiên là tôi không làm vậy. Tôi vẫn tiếp tục đầu tư để có thể nhanh đạt tới trạng thái tự do tài chính tối đa, và nghỉ hưu sớm.
Tôi muốn bạn hiểu rằng việc đầu tư không phải lúc nào cũng tiềm ẩn rủi ro lớn nếu bạn kiên định “theo” một thị trường có tính bền vững trong nhiều năm liên tục.
Chính 3 quy tắc này đã giúp tôi thoát khỏi cảnh túng thiếu để đạt được sự tự tin, an tâm tài chính như bây giờ. Tôi muốn nhấn mạnh rằng đừng bao giờ coi thường những thói quen nhỏ, vì tác động của chúng lên cuộc sống của bạn có thể vượt xa những gì bạn tưởng tượng.
Suy cho cùng, mọi thành tựu lớn đều bắt đầu từ những thói quen, những thay đổi nhỏ mà thôi.