Nhiều tài xế không muốn quay lại xe xăng bởi xe điện "lợi đơn lợi kép"

Admin

Vượt qua sự nghi ngại của thị trường, xe điện đang dần khẳng định mình với doanh nghiệp về chi phí vận hành, trải nghiệm khách hàng và khả năng thu hồi vốn.

Sau gần 2 năm kể từ thời điểm hãng taxi điện đầu tiên ra mắt tại Việt Nam, những chiếc xe điện chạy taxi đã dần quen thuộc trên các cung đường khắp cả nước.

Cũng chỉ sau 2 năm, đến nay đã có trên 20.000 xe taxi điện, chiếm khoảng 30% số xe taxi đang hoạt động tại Việt Nam. Hiện cũng có nhiều hãng taxi truyền thống đã lên kế hoạch điện hoá 100% phương tiện. Điều đó phần nào cho thấy xu hướng sử dụng ô tô điện trong hoạt động kinh doanh vận tải.

Chia sẻ câu chuyện tại tọa đàm “Xu hướng sử dụng xe điện kinh doanh taxi tại Việt Nam” diễn ra vào ngày 24/5, ông Nguyễn Văn Định - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty taxi Én Vàng tại – doanh nghiệp tiên phong đưa xe điện vào kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách thay thế xe xăng tại Hải Phòng, cho biết khi quyết định đưa xe điện vào kinh doanh vận tải và xác định thay thế dần, tiến tới loại bỏ xe xăng, hãng taxi này đã nhận được nhiều sự băn khoăn, thắc mắc đến từ lái xe, khách hàng và cổ đông về lý do chuyển đổi.

Kinh tế vĩ mô - Nhiều tài xế không muốn quay lại xe xăng bởi xe điện 'lợi đơn lợi kép'

Ông Nguyễn Văn Định - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty taxi Én Vàng tại Hải Phòng (Ảnh: Báo Giao thông).

Tuy nhiên, với lợi thế về trải nghiệm khách hàng và chi phí vận hành của xe điện đã khiến doanh nghiệp quyết tâm chuyển đổi.

“Trước khi quyết định chuyển đổi, tôi đã đi khảo sát thực tế với các doanh nghiệp vận tải với mong muốn tìm được phương tiện kinh doanh đạt hiệu quả đầu tư, chi phí thấp và vòng đời dài. Tôi cũng sang Trung Quốc, Mỹ và nhìn thấy thực sự xe điện vận hành êm ái, hiệu quả thực sự.

Chúng tôi tính đơn giản 1km vận tải xe xăng thấp nhất cần chi 1.200 - 1.600 đồng với giá xăng. Còn xe điện chỉ tốn chỉ 400 đến 600 đồng. Ngoài ra, chi phí bảo trì, bảo dưỡng thấp dẫn đến tổng chi phí vận hành ước tính giảm từ 20 - 30% so với xe xăng. Chi phí thấp như vậy là sẽ mang lại hiệu quả cho người đầu tư, những người vận hành là lái xe và khách hàng cũng được hưởng lợi”, ông chủ hãng taxi Én Vàng chia sẻ, đồng thời cho biết sau hơn 1 năm, câu trả lời của sự chuyển đổi là doanh nghiệp nhận được sự tin yêu, ủng hộ của khách hàng.

“Nhiều lái xe chia sẻ rằng còn không muốn quay lại xe xăng bởi xe điện đã mang lại lợi ích thực tế cho người ta”, ông Định nói.

Khẳng định sẽ tiếp tục đầu tư thêm xe điện để tăng cường năng lực vận tải của doanh nghiệp, ông Định cũng thẳng thắn thừa nhận việc chuyển đổi vẫn gặp phải những khó khăn, nhất là trong vấn đề công nghệ.

“Không có gì khi thay đổi mà không vấp phải khó khăn. Ở đây là câu chuyện khó khăn trong quản trị, làm thay đổi thói quen vận hành và cán bộ quản lý. Chúng ta nói chuyển sang xe điện sẽ tiết kiệm hơn, thì làm sao để tiết kiệm được cũng có thể coi là một khó khăn.

Ví dụ trước đây, xe xăng chúng tôi có thể tự xây dựng hệ thống bảo trì, bảo dưỡng đơn giản nhưng với xe điện, câu chuyện lại nằm ở phần mềm. Ban đầu, tài xế chưa quen, có trục trặc không biết xử lý sao. Nhưng để khắc phục, chúng tôi đã mời kỹ thuật VinFast sang đào tạo, giúp tài xế thuận lợi hơn trong việc vận hành, sử dụng các phần mềm, tính năng của xe. Dù khó khăn nhưng nếu mình mà chậm chân trong việc chuyển đổi sẽ mất cơ hội. Hàng nghìn cái xe mang lại giá trị rất lớn", ông chủ hãng taxi Én Vàng nói.

Bài toán chi phí đầu tư và thu hồi vốn

Cũng từ góc nhìn của doanh nghiệp, ông Hồ Quang Hiếu - Phó Giám đốc Công ty TNHH Vận tải quốc tế Sơn Nam - đại diện hãng taxi MaiLove tại Nghệ An cho biết, lựa chọn xe điện kinh doanh là phù hợp với hướng đi của Chính phủ cũng như xu thế chung của thế giới. Việc giảm lượng khí thải, bảo vệ môi trường cũng là ưu tiên lựa chọn phương tiện của nhiều doanh nghiệp vận tải hiện nay.

Theo ông Hiếu, sau khi bắt đầu đưa xe điện vào kinh doanh taxi từ tháng 1/2024 đến nay, hãng cũng ghi nhận những tín hiệu tích cực. Đã có những đơn vị tham gia đầu tư taxi điện cùng MaiLove. Các khách hàng, đặc biệt phụ nữ, người cao tuổi và người sợ mùi xăng, dầu đều hài lòng khi đi taxi điện. Bên cạnh đó, hiệu quả kinh doanh cũng được cải thiện rõ rệt về chi phí nhiên liệu, giảm hư hỏng và tiết kiệm chi phí bảo dưỡng, sửa chữa.

Kinh tế vĩ mô - Nhiều tài xế không muốn quay lại xe xăng bởi xe điện 'lợi đơn lợi kép' (Hình 2).

Ngoài Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh, hiện còn có hơn 2.700 xe taxi điện hoạt động ở các thành phố lớn.

Tuy nhiên, đại diện taxi MaiLove cho rằng giá xe điện hiện vẫn cao so với xe xăng cùng phân khúc và ảnh hưởng đến vấn đề thu hồi vốn. Doanh thu hiện tại của xe điện chưa đủ bù đắp chi phí đầu tư.

Bên cạnh đó, giá điện cũng là yếu tố các doanh nghiệp vận tải quan tâm, cần đảm bảo giá điện ổn định ở hiện tại và trong tương lai, cũng như có chính sách ưu đãi về giá điện cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng xe điện.

Doanh nghiệp doanh nghiệp vận tải này mong muốn Chính phủ sẽ có những ưu đãi, chính sách khuyến khích cụ thể, rõ ràng cho cả doanh nghiệp và người dùng xe điện để thúc đẩy chuyển đổi và tăng số lượng xe bán ra, từ đó giảm giá bán xe điện và giúp giảm cước taxi điện cũng như rút ngắn thời gian hoàn vốn của doanh nghiệp.

Lý giải thêm về chi phí đầu tư và vận hành đối với xe điện, thep ông Nguyễn Văn Thanh - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Di chuyển xanh và thông minh GSM, chủ sở hữu hãng taxi Xanh SM, đối với ô tô điện, càng chạy nhiều sẽ càng tiết kiệm, do đó, không thể nói giá xe điện cao thì khả năng hoàn vốn lâu hơn.

Đối với giá xe, ông Thanh cho rằng cần phải so sánh giữa các mẫu xe cùng phân khúc và so sánh giá xe lăn bánh chứ không phải giá bán mới có đánh giá hợp lý nhất.

Nói thêm về ưu điểm của xe điện, ông Thanh nhấn mạnh việc xe điện giúp tiết kiệm chi phí bảo dưỡng và chi phí nhiên liệu rất tốt. Nếu ô tô động cơ đốt trong càng chạy xe lâu, xe càng tốn nhiên liệu khi vận hành, nhưng với ô tô điện động cơ và pin tách biệt nên không bị ảnh hưởng bởi vấn đề này.

Dẫn chứng 33 đơn vị hợp tác với Xanh SM đều hoàn vốn nhanh hơn so với xe xăng, thậm chí, đã có đơn vị sử dụng xe điện hạ giá cước xuống 10.000 đồng/km, đây là mức giá cước chưa đơn vị taxi xăng nào có được. Ông Thanh nhìn nhận: "Nếu không có doanh thu, không có lợi nhuận, thì các đơn vị sao có thể hạ giá cước ở mức như thế".

Về việc tiếp cận nguồn vốn, đại diện Xanh SM cho biết hiện tại, một số ngân hàng đã có nguồn vốn xanh, tuy nhiên các doanh nghiệp nhỏ vẫn gặp khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn này.

Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp đến nay vẫn chưa nắm được lộ trình chuyển đổi phương tiện xanh của Chính phủ. Theo đó, Quyết định 876 của Thủ tướng Chính phủ xác định, từ sau năm 2030, tại các đô thị, 100% xe taxi thay thế, đầu tư mới sẽ sử dụng điện, năng lượng xanh. Vì vậy, ông Nguyễn Văn Thanh cho rằng cần đẩy mạnh hơn nữa việc truyền thông, hướng dẫn các đơn vị kinh doanh vận tải về Quyết định 876.