Nhiều 'ông lớn' quan tâm đến cảng Liên Chiểu Đà Nẵng

Admin

Dự án cảng Liên Chiểu (Đà Nẵng) đang thu hút nhiều nhà đầu tư lớn quan tâm như: Tập đoàn Adani, Sumitomo... Đây là cơ hội cho ngành logistics Đà Nẵng cũng như đưa khu vực này trở thành cửa ngõ kinh tế của miền Trung.

Theo UBND TP. Đà Nẵng, cảng biển Liên Chiểu là một trong 3 cảng biển nước sâu của Việt Nam, được quy hoạch là cảng đặc biệt với quy mô tiếp nhận tàu tổng hợp, hàng rời trọng tải đến 100.000 tấn, tàu container có sức chở từ 6.000 đến 8.000 TEU. Đây là một trong 7 dự án trọng điểm mà Đà Nẵng đang kêu gọi tư nhân đầu tư.

Tại Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng năm 2022, ông Sandeep Mehta, Chủ tịch Công ty Cảng và Đặc khu kinh tế Adani thuộc Tập đoàn Adani (Tập đoàn chuyên về cảng và tiếp vận hàng đầu của Ấn Độ) cho biết, với kinh nghiệm và chuyên môn sâu rộng trong việc kiến tạo, xây dựng và phát triển các cảng mới ở Ấn Độ cũng như trên toàn cầu, đơn vị có thể đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam đạt được tầm nhìn về lĩnh vực cảng biển tại khu vực.

"Đà Nẵng sẽ là điểm khởi đầu trong hành trình của Adani tại Việt Nam. Chúng tôi xin khẳng định cam kết hợp tác chặt chẽ với TP. Đà Nẵng Nẵng và Chính phủ Việt Nam, hỗ trợ và đầu tư phát triển cảng Liên Chiểu cùng với toàn bộ khu tiếp vận và khu công nghiệp tại Đà Nẵng, đưa khu vực này trở thành cửa ngõ kinh tế của miền Trung", ông Sandeep Mehta khẳng định.

Ông Sandeep Mehta nhận định, quy hoạch tổng thể được đề xuất để phát triển cảng Liên Chiểu cũng như các khu tiếp vận và khu công nghiệp đã được UBND TP. Đà Nẵng xây dựng rất tốt.  Tập đoàn cũng mong muốn sự hỗ trợ từ Chính phủ để tạo cơ sở hạ tầng chung như nạo vét luồng lạch, đê chắn sóng, kết nối đường bộ và đường sắt đến cảng và khu công nghiệp song song với việc xây dựng cảng.

Tập đoàn cũng sẵn sàng đồng hành cùng Chính phủ chuyển đổi công năng khu cảng cũ để phục vụ du lịch trước khi cảng Liên Chiểu đi vào hoạt động.

"Với việc lấy "Kiến tạo quốc gia" là triết lý cốt lõi, kim chỉ nam hành động, Tập đoàn Adani cam kết phát triển Cảng Liên Chiểu trở thành trung tâm cảng đẳng cấp thế giới và biến Đà Nẵng thành trung tâm kinh tế thương mại của toàn khu vực miền Trung Việt Nam", ông Sandeep Mehta cam kết.

Không chỉ Tập đoàn Adani, Liên danh 2 Tập đoàn BRG và Sumitomo cũng đã làm việc với lãnh đạo TP. Đà Nẵng về kế hoạch đầu tư cảng Liên Chiểu.

Theo thiết kế về công suất cảng Liên Chiểu mà BRG và Sumitomo đưa ra, khi được đầu tư, cảng Liên Chiểu có thể mời gọi tàu lớn ghé vào cảng, phát triển cảng phù hợp cho tàu lớn hơn (hiện tại, cảng Liên Chiểu mới thu hút được tàu có tải trọng 2.800 TEU. Trong tương lai, sẽ đón tàu tải trọng 12.000 TEU).

Là một trong những nhà đầu tư quốc tế được UBND TP. Đà Nẵng thông báo cho phép nghiên cứu đầu tư dự án, ông Keigo Shiomi, Chủ tịch Tập đoàn Sumitomo Corporation tại khu vực Châu Á & Châu Đại Dương cho biết, rất vui khi tham gia vào các dự án phát triển cơ sở hạ tầng của Đà Nẵng.

"Tháng 11/2021, UBND TP. Đà Nẵng đã ký kết Biên bản ghi nhớ với liên danh Tập đoàn Sumitomo Corporation và Tập đoàn BRG về phát triển cơ sở hạ tầng tại Đà Nẵng. Sắp tới, Tập đoàn sẽ đẩy nhanh quá trình nghiên cứu và hy vọng sẽ có cơ hội hiện thực hóa các dự án hạ tầng để góp phần phát triển TP. Đà Nẵng trở thành một trong những thành phố phát triển hàng đầu châu Á", ông Keigo Shiomi thông tin.

Ông Lê Thành Hưng, Giám Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng (chủ đầu tư dự án) cho biết, cảng Liên Chiểu được quy hoạch làm cảng loại I và trong tương lai sẽ là cảng đặc biệt. Thành phố sẽ khởi công cảng Liên Chiểu trong năm 2022 và hoàn thành trước năm 2025 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng.

"Cảng Liên Chiểu sau khi hình thành sẽ là đầu mối giao thông lớn, kết nối tất cả các phương thức vận tải từ đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không. Đến năm 2050 cảng Liên Chiểu sẽ đạt công suất 50 triệu tấn/năm. Đây là mà yếu tố thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa của khu vực sau này, thúc đẩy kinh tế Đà Nẵng đúng với mục tiêu là thành phố động lực vùng", ông Hưng nói.

Dự án cảng Liên Chiểu gồm 2 hợp phần. Trong đó, hợp phần A với kinh phí đầu tư trên 3.400 tỷ đồng, được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách trung ương và thành phố, dự kiến khởi công tháng 9/2022 với các hạng mục gồm Đê, kè chắn sóng (1.170m); Luồng tàu, vũng quay tàu, hệ thống báo hiệu cho tàu đến 100.000DWT (6.000-8.000 Teu); Giao thông đường bộ kết nối đến cảng; Hạ tầng cấp điện, cấp nước và công trình phụ trợ đồng bộ đến cổng cảng.

Hợp phần B (giai đoạn khởi động) với tổng diện tích 44ha, quy mô 2 cầu cảng (750m) được kêu gọi đầu tư bằng nguồn vốn tư nhân. Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ.

Doanh nghiệp đầu tư sẽ được hưởng đầy đủ ưu đãi về đất đai, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu và các loại thuế khác. Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên là đơn vị được giao làm chủ dự án.