Người Việt dành 13 giờ/tuần để xem livestream bán hàng, rút hầu bao mua hàng online đứng thứ 11 thế giới

Admin

Những con số ấn tượng về thị trường Thương mại điện tử đã được công bố tại Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam - VOBF 2024.

Thương mại điện tử Việt Nam có sự tăng trưởng mạnh mẽ

Theo Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử (EBI) 2024 của Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) vừa công bố ngày 24/4/2024, năm 2023 bối cảnh nền kinh tế Việt Nam được xem là gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên lĩnh vực TMĐT vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) ước tính tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực này tăng trên 25% so với năm 2022 và đạt 25 tỷ USD. Trong đó, quy mô bán lẻ hàng hoá trực tuyến đạt 17,3 tỷ USD.

Tốc độ tăng trưởng này cao hơn nhiều so với bức tranh tổng thể của nền kinh tế. Theo Tổng cục Thống kê, ước tính GDP năm 2023 tăng 5,1% so với năm trước. Khu vực dịch vụ tăng 6,8%, trong đó ngành vận tải, kho bãi tăng 9,2%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,2%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 12,2%. Tính chung năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 6.232 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6%. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hoá ước đạt 4.859 nghìn tỷ đồng, chiếm 78% tổng mức bán lẻ và tăng 8,6% so với năm trước.

Như vậy, thương mại điện tử chiếm khoảng 10% tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, cao hơn mức 8,5% của năm 2022. Trong đó, tỷ lệ bán lẻ hàng hoá trực tuyến so với tổng mức bán lẻ hàng hoá khoảng 8,8%, cao hơn tỷ lệ tương ứng 7,2% của năm 2022.

Người Việt dành 13 giờ/tuần để xem livestream bán hàng, rút hầu bao mua hàng online đứng thứ 11 thế giới- Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Tại diễn đàn toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2024 do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức ngày 25/4 tại Hà Nội, bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, TMĐT Việt Nam 10 năm qua đã phát triển mạnh mẽ với tốc độ từ 16-30%/năm. Doanh thu bán lẻ năm 2023 tăng 25% so với năm 2022, đạt 20,5 tỷ USD.

Xu hướng mua hàng qua phiên livestream trên các sàn TMĐT

Cũng trong Diễn đàn toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2024, thông qua khảo sát của NielsenIQ Việt Nam, bà Lê Minh Trang, Bộ phận Nghiên cứu bán lẻ NIQ cho biết, với dân số đông, tỷ lệ sử dụng internet tốt, Việt Nam là thị trường màu mỡ cho thương mại điện tử phát triển. Có khoảng 95% người mua sắm trực tuyến đã mua hàng từ các phiên livestream trong suốt 3 tháng đầu năm 2024.

Bà Lê Minh Trang cho biết, theo kết quả khảo sát vừa thực hiện, người Việt dành 13 tiếng/tuần để xem livestream bán hàng. Các yếu tố thúc đẩy xu hướng mua hàng qua livestream nhờ dễ tương tác với người bán để biết thêm thông tin, quan sát chi tiết và kỹ càng hơn về sản phẩm thông qua livestream, tính giải trí. Qua khảo sát của NielsenIQ Việt Nam, 64% người xem livestream được thúc đẩy mua hàng ngẫu hứng nhiều hơn bình thường, 78% khách hàng cho biết họ thấy rất khi xem các buổi livestream bán hàng.

Người Việt dành 13 giờ/tuần để xem livestream bán hàng, rút hầu bao mua hàng online đứng thứ 11 thế giới- Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Khảo sát của NielsenIQ Việt Nam cũng chỉ ra lượng người mua qua thương mại số là 57 - 60 triệu người trên cả nước. Mỗi ngày có 3,5 triệu lượt truy cập vào các trang thương mại điện tử. Lượng người mua sắm qua Internet hằng tuần ở Việt Nam đạt vị trí thứ 11 toàn cầu. 90% người tiêu dùng có ý định duy trì hoặc thậm chí tăng cường sử dụng sàn thương mại điện tử trong mua sắm trong 12 tháng tới.

Thông tin từ AccessTrade Việt Nam cho biết, việc mua sắm trực tiếp qua livestream có tiềm năng thúc đẩy tới 20% tổng doanh số bán hàng thương mại điện tử vào đầu năm 2026. Trong đó, 3 nền tảng livestream bán hàng phổ biến nhất tại Việt Nam là Facebook (31,9%), Shopee (30,9%) và TikTok (17,2%). Bình quân mỗi tháng đang có 2,5 triệu phiên bán hàng livestream, có sự tham gia của hơn 50 nghìn nhà bán.