Người đưa mo cau xuất ngoại

Admin

Mo cau, thứ phế phẩm nông nghiệp tưởng chừng bỏ đi, thì nay lại được anh Nguyễn Văn Tuyến (39 tuổi) phát triển trở thành các sản phẩm hữu dụng như chén, đĩa, khay đựng thức ăn, xuất ngoại sang các nước Hàn Quốc, Canada, Ba Lan, Mỹ... góp phần bảo vệ môi trường, đem lại nguồn thu nhập cho bản thân và người dân.

Biến rác thành... tiền

Quảng Ngãi có hai vùng trồng cau nổi tiếng là “xứ ngàn cau” ở huyện Sơn Tây và Nghĩa Hành. Thế nhưng suốt nhiều năm qua người dân chỉ thu hoạch trái cau để bán. Riêng mo cau rơi rụng khắp nơi, họ chỉ xem đó là vật phế phẩm đem đốt hoặc bỏ đi. Tuy nhiên, gần 5 năm qua, người dân trồng cau ở Quảng Ngãi lại có thêm công việc mà trước giờ họ chưa từng nghĩ tới, đó là nhặt mo cau bán lấy tiền. Mỗi chiếc mo cau được anh Nguyễn Văn Tuyến thu mua với giá 1.000 đồng.

Anh Nguyễn Văn Tuyến quê gốc Quảng Nam, sinh ra và lớn lên ở Phú Yên, tốt nghiệp Đại học Giao thông Vận tải. Tuy nhiên khi ra trường, anh lại rẽ sang nghề thu mua, chế biến và xuất khẩu những phế phẩm nông nghiệp. Tại đây anh cùng nhóm bạn thành lập công ty thu gom cùi bắp, bã mía, lá xoài khô… và biến tất cả thành hàng xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài để làm giá thể sản xuất nông nghiệp.

Sau một thời gian làm cùng nhóm bạn, anh tách ra làm chuối sấy ở Tây Nguyên. Năm 2019, trong một chuyến đi công tác tại Quảng Ngãi, anh nhận thấy nơi đây có diện tích trồng cau rất lớn, người dân chủ yếu trồng cau bán quả sang Trung Quốc, Ấn Độ… Tuy nhiên, quả cau bấp bênh đầu ra và giá cả, còn lượng mo cau “rất khủng” rơi rụng khắp vườn, không ai quan tâm đến.

Qua tìm hiểu trên mạng, Tuyến đọc được một tài liệu về các sản phẩm thân thiện môi trường từ mo cau ở Ấn Độ. Càng tìm hiểu, anh càng nhận thấy triển vọng từ việc sản xuất các vật dụng phục vụ sinh hoạt từ mo cau. “Nếu thành công sẽ mang lại lợi ích cho chính mình, lại tăng thu nhập cho người trồng cau, vừa bảo vệ môi trường. Nên tôi tự nhủ với bản thân phải thử một lần”, anh Tuyến nói.

Anh Tuyến cho biết, anh phải bỏ nhiều tháng liền để đi khảo sát vùng cau Quảng Ngãi, cũng như tìm hiểu về máy móc sản xuất. Từ tháng 3 đến tháng 10 là thời gian mo cau rụng, một ha cau cho khoảng 12.500 chiếc mo một năm. Nếu thu mua với giá 1.000 đồng, người dân thu thêm 12,5 triệu đồng một ha, bên cạnh việc bán quả.

Cuối năm 2019, anh quyết định nhập máy móc từ Ấn Độ về lắp ráp, mở xưởng thu mua mo cau để làm chén, đĩa, khay đựng thức ăn… tại huyện Nghĩa Hành - một trong những vùng trồng cau lớn nhất Quảng Ngãi.

Mo cau sau khi thu gom được chà rửa sạch sẽ, ngâm nước cho mềm, để ráo và đưa vào khuôn ép nhiệt tạo hình. Tùy vào yêu cầu của khách hàng, cơ sở chế tạo các loại khuôn ép khác nhau. Do đó, sản phẩm được ép ra sẽ có hình dáng đa dạng, có thể in được hình ảnh lên sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng.

Theo anh Tuyến, các sản phẩm này đủ độ chắc và không thấm nước, khử khuẩn, đóng gói trong bao nylon ép nhiệt, có thể đựng thức ăn, trái cây, mắm, muối, gia vị... Bên cạnh đó, giá lại rẻ chỉ từ 1.000 – 3.000 đồng/cái và có thể tái sử dụng, nên khi sử dụng người dân có thể giảm bớt sử dụng tô nhựa, ly nhựa, hộp xốp hiện đang là vấn nạn đối với môi trường hiện nay. Tuy nhiên để người dân chuyển sang dùng các sản phẩm mo cau thân thiện với môi trường là điều rất khó.

Mo cau xuất ngoại

Năm 2020, anh đưa các sản phẩm của mình đến triển lãm ở các hội chợ để giới thiệu sản phẩm. Rất nhanh, sản phẩm độc đáo từ mo cau đã tạo được tiếng vang với nhiều đơn hàng. Đơn hàng đầu tiên khẳng định sự thành công của sản phẩm chén, đĩa mo cau đến từ một hãng hàng không lớn. Đơn vị này đã đặt hàng nghìn sản phẩm để phục vụ cho hành khách ở khoang thương gia.

Người đưa mo cau xuất ngoại- Ảnh 1.

Anh Nguyễn Văn Tuyến đã khởi nghiệp thành công với mo cau

Thành công nối tiếp thành công, những đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ, Canada, Ba Lan, Hà Lan… liên tiếp được ký kết. Năm 2021, anh Tuyến tiếp tục mở rộng sản xuất. Hiện cơ sở sản xuất của anh có 9 máy ép, mỗi máy có 5 khuôn. Trung bình mỗi tháng, cơ sở cung cấp cho thị trường khoảng 600.000 sản phẩm chén, đĩa, khay ăn... bằng mo cau, tạo công ăn việc làm liên tục cho 15 lao động, với thu nhập từ 200.000 – 250.000 đồng/ngày.

“Ngoài tiêu thụ trong nước, hiện mo cau của tôi đã xuất khẩu sang nước ngoài. Đến nay, tôi đã xuất đi các nước Hàn Quốc, Mỹ, Canada, Hà Lan… Vừa rồi cũng có một đơn vị ở Hà Lan đặt hàng 300.000 sản phẩm chén, đĩa từ mo cau, hiện tôi đang đóng hàng lên container để xuất sang cho họ”, anh Tuyến thổ lộ.

Người đưa mo cau xuất ngoại- Ảnh 2.

Từ ngày mo cau có giá, nhiều chợ mo cau hình thành ở vựa cau Nghĩa Hành

Theo anh Tuyến, chén, đĩa mo cau rất đẹp, độc đáo, giả cả lại rẻ và bảo vệ môi trường nên thị trường nước ngoài rất ưa chuộng. Do đó lượng hàng xuất khẩu chiếm đến 90%, giúp cơ sở sản xuất có doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi tháng. Sản phẩm này có thể làm theo kiểu dáng, in các hình ảnh theo yêu cầu của khách hàng. Mặt khác, sản phẩm từ mo cau đều được gửi mẫu kiểm nghiệm đảm bảo yêu cầu xuất khẩu. Do đó đối tác nước ngoài rất hài lòng khi sử dụng sản phẩm từ mo cau của Việt Nam.

Lãnh đạo UBND huyện Nghĩa Hành (tỉnh Quảng Ngãi) cho rằng, lâu nay mo cau hầu như không mang lại giá trị kinh tế . Nay nhờ cơ sở sản xuất của anh Nguyễn Văn Tuyến mà người dân vừa có thêm việc làm, thu nhập. Các sản phẩm từ mo cau khá độc đáo, vừa an toàn cho người sử dụng vừa góp phần bảo vệ môi trường. Đây được xem là hướng đi mới, đầy triển vọng ở địa phương.