Chỉ tay về phía thùng xốp được đậy nắp kín, bà Phạm Thị Sương (ngụ xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh) nói: "Kia là thùng cá Koi của gia đình tôi. Cá chết đã lâu, mà đến hôm nay tôi mới có thể vào dọn. Hồ cá trị giá hơn 12 triệu đồng, giờ chết hết".
Bà Sương cũng cho biết toàn bộ phần mái tôn và các vật dụng bằng inox của gia đình đều bị gỉ sắt, ố vàng. "Vì chưa có điện nên chưa thể xác định được các thiết bị khác như tủ lạnh, ti vi, máy giặt có còn hoạt động được hay không. Mong là không bị hư hao gì thêm" - bà Sương nói.
Hiện trường vụ cháy kho hoá chất. Ảnh: Lê Vĩnh
Ghi nhận của phóng viên, đến chiều 18-7, mùi hóa chất vẫn còn nồng nặc tại khu vực này. Toàn bộ cây cối xung quanh xưởng hóa chất này đều héo ú, chết khô. Một vài hộ dân đã bắt đầu dọn dẹp, chà rửa nhà cửa.
"Vụ cháy xảy ra vào ngày 10-7, đến hôm nay tôi mới có thể vào nhà để dọn dẹp. Những ngày trước lửa vẫn cháy âm ỉ suốt mấy ngày liền, khói độc tỏa ra nồng nặc, không thể thở được" - bà Sương chia sẻ.
Bà Sương cũng cho hay vụ việc xảy ra khiến cả gia đình gồm 5 người phải thuê trọ ở tạm. Với tình hình hiện tại, bà Sương cũng như những hộ dân xung quanh vẫn chưa biết khi nào có thể quay trở về sinh sống tại nhà của mình.
Tương tự, toàn bộ ngôi nhà của chị Nguyễn Thị Ngọc Tuyết cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi đám cháy. "Dãy tường sau nhà bị cháy hoàn toàn; mái tôn, cửa sắt bị gỉ sét; máy móc, đồ dùng trong nhà cũng hư hại, hầu như không thể sử dụng được" - chị Tuyết nói.
Nhiều đồ đạc của người dân bị cháy sém. Ảnh: Lê Vĩnh
Ngôi nhà của chị Tuyết được dùng làm cơ sở may mặc. Nhưng kể từ khi vụ cháy xảy ra, cơ sở của chị phải đóng cửa, toàn bộ công nhân phải nghỉ việc. Theo chị Tuyết, phía nhà kho bị cháy đã có ghi nhận thiệt hại ban đầu của các hộ dân lân cận và sẽ giải quyết trong thời gian tới.
"Nghe bên công ty họ nói đang đợi bảo hiểm giải quyết. Chắc cũng mất 5-6 tháng nữa mới đền bù thiệt hại cho người dân xong. Mình cũng thông cảm cho người ta vì mới vừa gặp nạn xong. Nhưng cũng mong nhanh chóng giải quyết để người dân sớm quay trở lại cuộc sống, làm ăn như bình thường" - chị Tuyết nói.
"Ban ngày thì la cà ở mấy quán cà phê xung quanh để trông nhà. Còn ban đêm thì ra nhà nghỉ để ngủ. Công việc kinh doanh tại nhà của tôi phải tạm ngưng. Nhà cửa thì hư hại" - anh Trần Thanh Phương (ngụ xã Lê Minh Xuân) nói. Theo anh Phương, toàn bộ bàn ghế, mái tôn, camera, hệ thống điện bị hư hại hoàn toàn.
Đa số người dân tại đây mong muốn cơ quan chức năng sẽ xử lý hết lượng hóa chất bị tràn ra ngoài và kiểm định chất lượng môi trường. Nếu chất lượng môi trường ở mức độ an toàn thì thông báo để người dân quay trở về nhà sinh sống.
Người dân mong muốn cơ quan chức nhanh chóng xử lý hết lượng hóa chất. Ảnh: Lê Vĩnh
Theo luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP HCM), việc bồi thường cho những người dân sống trong khu vực xung quanh kho hóa chất Công ty TNHH An Minh Thức tại huyện Bình Chánh cần được thực hiện dựa trên nguyên tắc bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 585 của Bộ luật Dân sự năm 2015.
"Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời, các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường và hình thức bồi thường. Ngoài ra, chủ thể làm ô nhiễm môi trường mà gây ra thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp chủ thể đó không có lỗi theo quy định" - luật sư nói.
Luật sư Trần Minh Hùng cũng cho rằng người bị thiệt hại có thể yêu cầu bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu.