Người Cựu binh kể về giây phút trong ngày đại thắng ở Dinh Độc Lập

Admin

Dù 49 năm đã trôi qua, nhưng với cựu binh Nguyễn Đức Minh vẫn nhớ như in ngày 30/4/1975, ông cùng đồng đội tiến vào Sài Gòn, được chứng kiến lá cờ giải phóng tung bay trên Dinh Độc Lập.

Kí ức một thời

Trong một lần về quê, tình cờ tôi biết được câu chuyện đầy tự hào của ông Nguyễn Đức Minh (SN 1953), trú tại xã Thạch Long, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, người cựu binh năm xưa với những kỷ niệm, hồi ức không thể nào quên.

Trong ký ức của người lính già ấy, tất cả các trận đánh, những chiến công, những mất mát, hy sinh của cán bộ, chiến sĩ vẫn còn nguyên vẹn. Ông Nguyễn Đức Minh kể lại, đầu tháng 1/1972, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng thanh niên tuổi 18 tạm gác lại những ước mơ, giã từ gia đình, bạn bè và thầy cô ở Trường THPT Lý Tự Trọng để lên đường nhập ngũ.

Sau thời gian huấn luyện, tháng 12/1972, ông cùng nhiều chiến sĩ khác được bổ sung vào Sư đoàn 341 (Quân khu 4) và tiếp tục đợt huấn luyện mới tại Quảng Bình. Đến tháng 2/1975, đơn vị được lệnh hành quân vào miền Đông Nam Bộ và sáp nhập vào Quân đoàn 4 cùng với Sư đoàn 7 và Sư đoàn 9.

Dân sinh - Người Cựu binh kể về giây phút trong ngày đại thắng ở Dinh Độc Lập

Ông Nguyễn Đức Minh bên người vợ của mình.

Trận đánh đầu tiên mà người lính trẻ 21 tuổi cùng đồng đội kề vai sát cánh là trận chiến “mở cánh cửa thép” Xuân Lộc để tiến vào Sài Gòn. Trận chiến khốc liệt này kéo dài suốt 12 ngày đêm (bắt đầu từ ngày 9 - 21/4).

Xác định tầm quan trọng của cửa ngõ Xuân Lộc trong việc cố thủ Sài Gòn nên địch đã tập trung các binh chủng thiện chiến, trang thiết bị, hỏa lực, vũ khí quân sự tại tuyến phòng thủ này. Trong 12 ngày đêm ác liệt ấy, đã có rất nhiều trận đánh lớn, nhỏ. Để giành giật mỗi một mục tiêu, cứ điểm, đẩy lùi những đợt phản kích của địch, quân đội ta cũng gặp nhiều tổn thất lớn, biết bao người đã vĩnh viễn nằm lại mảnh đất này.

Với ông Minh, trận đánh ngày 11/4 vào thị xã Xuân Lộc đã trở thành ký ức đau thương nhất, đó là khi ông phải chứng kiến sự hy sinh của một người bạn, người đồng đội, người anh đã cùng lớn lên bên nhau, cùng nhập ngũ, cùng chia ngọt sẻ bùi. Trong trận đánh ấy, ông Minh bị thương nhẹ, nhưng chỉ sau vài ngày nghỉ ngơi, sức khỏe phục hồi, lại tiếp tục cầm súng trở về vị trí chiến đấu bên đồng đội. Biến đau thương thành sức mạnh, sau mỗi hy sinh, mất mát, chúng tôi lại càng quyết tâm hơn.

Đến ngày 21/4/1975, sau khi giải phóng thị xã Xuân Lộc, Quân đoàn 4 lại tiếp tục các trận đánh giải phóng vùng Trảng Bom, Hố Nai, Biên Hòa (Đồng Nai). Sau bao ngày chờ đợi, chiều 30/4 (khoảng 15h), Quân đoàn 4 của ông Minh chính thức tiến vào Dinh Độc Lập. Bước chân trên đường phố Sài Gòn, trong rợp trời cờ hoa, trong dòng người hân hoan chào đón bộ đội giải phóng quân và hô vang khẩu hiệu, ông Minh cùng đồng đội vẫn chưa thôi ngỡ ngàng, chỉ biết ôm chầm nhau trong rưng rưng nước mắt.

Dân sinh - Người Cựu binh kể về giây phút trong ngày đại thắng ở Dinh Độc Lập (Hình 2).

Một buổi giao lưu trò chuyện của người lính già cùng các em học sinh.

Theo lời kể của ông Minh, khoảng hơn 11 giờ ngày 30/4/1975, ông cùng đồng đội nghe tin quân ta đã tiến được vào Dinh Độc lập, mọi người vô cùng phấn khởi, hò reo. Lúc này người qua lại trên cầu đã đông như mắc cửi, quân ta từ phía Đông Bắc tiếp tục hành quân vào, dân tị nạn từ hướng Sài Gòn chạy ra…

Song tất cả không làm lu mờ được không khí hân hoan của chiến sĩ, đồng bào, người dân đi kiếm lá cờ đỏ sao vàng hoặc tất cả những mảnh vải, tấm giấy có màu đỏ buộc lên xe, cầm trên tay chạy ra đường mừng chiến thắng. Trên gương mặt mọi người, ai ai cũng một nụ cười hạnh phúc rạng rỡ, nhiều người xa lạ vẫn tay bắt mặt mừng, ôm chặt lấy nhau như đã quen thân cùng chung niềm vui giải phóng.

Ông nhớ lại, thời điểm đó đi đến đâu, cờ Giải phóng lập tức treo lên ở đó. Hàng ngàn lá cờ Giải phóng dường như đã được nhân dân thành phố chuẩn bị từ trước đó tung bay trên phố phường trong niềm vui sướng của đồng bào.

Được trở về là niềm may mắn

“Mỗi lần nhắc lại chuyện xưa, những âm vang ấy, khí thế ấy đã tạo nên sức mạnh, cổ vũ rất lớn đối với những người lính bộ đội Cụ Hồ. Khi được vào Dinh Độc Lập, chứng kiến lá cờ giải phóng tung bay, chúng tôi tự hào, xúc động lắm. Anh em ai nấy đều khóc, những giọt nước mắt hạnh phúc. Chúng tôi thật sự may mắn hơn nhiều đồng đội khi được chứng kiến giờ phút lịch sử của dân tộc. Được sống để trở về là niềm may mắn với tôi, chỉ tiếc những người đồng đội của mình đã ngã xuống vì Tổ quốc”, ông Minh xúc động nhớ lại.

Tiếp quản Sài Gòn, đơn vị của ông Minh đóng quân tại phường Lê Văn Duyệt, quận 3 để làm công tác quân quản. Đến tháng 6/1976, quân đoàn được lệnh rút về căn cứ Long Bình (Đồng Nai) để củng cố lực lượng nhằm tiếp tục chiến đấu ở vùng biên giới Tây Nam. Sau lần bị thương ở đầu và vai (tỷ lệ thương tật 41%) trong trận đánh với quân Pôn Pốt ở mặt trận Tây Ninh vào tháng 2/1979, ông Nguyễn Đức Minh phục viên và về quê sinh sống.

Dù chỉ vỏn vẹn 9 năm trong quân ngũ nhưng ký ức của người cựu binh Nguyễn Đức Minh vẫn vô cùng sống động. Ngoài các danh hiệu như: Huân chương Kháng chiến hạng 2, Huân chương Giải phóng, Huân chương Vì nghĩa vụ quốc tế, Huy chương Kháng chiến hạng Nhất, là những ký ức khó quên của biết bao trận đánh oai hùng. Đặc biệt, ông luôn cảm thấy may mắn và tự hào khi được cùng đồng đội chiến đấu, giành thắng lợi và được chứng kiến, được sống trong những giây phút đầu tiên của ngày thống nhất non sông.

Dân sinh - Người Cựu binh kể về giây phút trong ngày đại thắng ở Dinh Độc Lập (Hình 3).

Nhân dân Sài Gòn kéo về dinh Độc Lập chào mừng quân giải phóng. (Ảnh tư liệu)

Trở lại với đời thường, người cựu binh từng một thời xông pha lửa đạn tiếp tục phát huy tinh thần xung kích trên mặt trận chống đói nghèo. Từ sự chịu thương chịu khó, sự dạy dỗ nghiêm khắc của người cha, các con ông nay đã trưởng thành, cống hiến sức lực, trí tuệ trong công tác giáo dục. Từ năm 2005 đến nay, ông được tín nhiệm bầu giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Thạch Long, huyện Thạch Hà.

Phát huy tinh thần trách nhiệm, gương mẫu đi đầu trong các phong trào, những năm qua, ông Nguyễn Đức Minh đã cùng ban chấp hành hội có nhiều hoạt động hữu ích, góp phần kết nối, tạo mối đoàn kết, gắn bó của hàng trăm hội viên hội cựu chiến binh địa phương. Những năm qua, Hội Cựu chiến binh xã Thạch Long luôn gương mẫu đi đầu trong phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới, chăm sóc các tuyến đường tự quản, góp phần cùng với các lực lượng bảo vệ tình hình trật tự, trị an trên địa bàn.

Đến bây giờ, mỗi dịp tháng 4 về, khi ôn lại những ngày tháng chiến đấu oanh liệt, ông vẫn xúc động rơi nước mắt khi thương nhớ đồng đội đã nằm xuống. Vì Tổ quốc, họ đã hy sinh để miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, phát triển như ngày hôm nay. Đại thắng mùa Xuân 1975 và trận đánh ấy sẽ mãi mãi in sâu trong ký ức của ông và đồng đội, như một minh chứng về chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quân đội và nhân dân Việt Nam.

Thiện Quyền