Thông tin về kết quả nghiên cứu trên được đăng trên Hãng thông tấn Hong Kong (Hong Kong China News Agency) và mạng Sing Tao.
Theo đó, nhóm nghiên cứu của Đại học Hong Kong đã phân tích dữ liệu lâm sàng của Cơ quan quản lý bệnh viện vùng lãnh thổ này trong 10 năm qua và phát hiện tỷ lệ nhiễm vi khuẩn CPE (Carbapenemase Producing Enterobacteriaceae) đã tăng từ 0,04 trường hợp trên 10.000 người vào năm 2015 lên 1,62 trường hợp trên 10.000 dân năm 2019, tăng 39,5 lần.
Tỷ lệ nhiễm trùng tại các bệnh viện địa phương cũng tăng từ 0,01 trên 1.000 trường hợp nhập viện năm 2012 lên 1,9/1.000 trường hợp năm 2018.
Viện Y học thuộc Đại học Hong Kong. Ảnh: RTHK.
Bệnh nhân nhiễm CPE sẽ bị viêm niệu đạo và tiểu buốt, trường hợp nặng có thể dẫn đến nhiễm trùng máu. Con đường lây nhiễm của CPE vẫn chưa được xác định và loại vi khuẩn này đã kháng nhiều loại kháng sinh, hiện có rất ít loại thuốc có thể điều trị.
Trợ lý giáo sư Đại học Hong Kong Từ Thi Linh cho biết, siêu vi khuẩn này thường được tìm thấy trong ruột người, đặc biệt là vào mùa hè. Bà khuyến nghị các cơ quan hữu quan thiết lập hệ thống giám sát để dự đoán tỷ lệ mắc bệnh và các thông tin khác từ dữ liệu lớn, từ đó hoạch định phương án ứng phó.
Nghiên cứu cũng cho thấy việc từng sử dụng kháng sinh nhóm beta-lactam như carbapenems hoặc penicillin làm tăng nguy cơ mắc CPE lên 37%.
Theo bà, vi khuẩn không tránh khỏi việc phát triển khả năng kháng thuốc, nhưng việc giảm lạm dụng thuốc kháng sinh có thể giúp có thêm thời gian để phát triển các loại thuốc mới.
Bà Ngô Bồng, một Trợ lý giáo sư khác của Đại học Hong Kong cũng kêu gọi công chúng không chủ động yêu cầu bác sĩ kê đơn thuốc kháng sinh, càng không nên tự mua thuốc để uống. Bà cho rằng cần tăng cường giáo dục về thuốc để người bệnh hiểu rằng thuốc kháng sinh không cần thiết đối với các bệnh nhiễm trùng nhẹ, vì nó sẽ tiêu diệt lợi khuẩn trong đường ruột, gây hại cho sức khỏe./.