Ngày càng nhiều cuộc tranh chấp nội bộ giữa cổ đông và lãnh đạo công ty

Admin

Cần một trọng tài trong các thương vụ M&A nhằm đảm bảo lợi ích cho các bên kinh doanh đồng thời bảo vệ nhà đầu tư.

Ngày 8/9, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã tổ chức buổi Hội thảo bằng hình thức trực tuyến với chủ đề "Tranh chấp nội bộ doanh nghiệp – Từ thực tiễn trọng tài quốc tế”.

Bà Vũ Thị Hằng - Phó Trưởng ban, Ban Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết, theo Điều 14 Luật dân sự, khi có vi phạm về quyền dân sự, các bên đều có thể sử dụng trọng tài/toà án để bảo vệ quyền dân sự của mình.

Luật Doanh nghiệp 2020 cũng nêu rõ tầm quan trọng phán quyết của trọng tài. Hay kể cả các thương vụ mua bán quốc tế, luật Đầu tư 2020 cũng nói rằng các bên đều có thể sử dụng trọng tài/toà án để xử lý tranh chấp của mình.

Do đó, trọng tài là những người hoàn toàn phù hợp và hợp pháp có mặt trong các tranh chấp về nội bộ doanh nghiệp cũng như hoạt động M&A.

Xu hướng thị trường - Ngày càng nhiều cuộc tranh chấp nội bộ giữa cổ đông và lãnh đạo công ty

Bà Vũ Thị Hằng, Phó Trưởng ban, Ban Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC).

Ngoài ra, phiên tố tụng trọng tài thương mại hoàn toàn khác biệt với toà án. Mỗi phiên, Hội đồng trọng tài đều có 3 phiếu độc lập, giá trị như nhau, không phụ thuộc hoàn toàn vào 1 thẩm phán. Hơn nữa, trong phiên tố tụng, trọng tài có thể tham vấn các bên như: phỏng vấn nhân chứng, nhân chứng chuyên gia, thẩm tra chéo… để đảm bảo nhu cầu cũng như tính chất vụ tranh chấp.

Để đảm bảo những cuộc tranh chấp M&A diễn ra thuận lợi, bà Hằng cho rằng doanh nghiệp nên sử dụng luật sư tranh tụng, họ có chuyên môn hơn và có khả năng hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp tranh chấp.

Sau dịch Covid-19, bà Hằng chia sẻ tại VIAC xuất hiện nhiều cuộc tranh tụng nội bộ về việc nhóm cổ đông khởi kiện lãnh đạo công ty, mâu thuẫn giữa vai trò trách nhiệm điều hành doanh nghiệp.

Ngoài ra, với trường hợp cổ đông nhỏ lẻ khởi kiện doanh nghiệp để bảo vệ quyền lợi của mình, luật sư Ngô Thanh Tùng - Luật sư thành viên của VILAF cho rằng, mâu thuẫn tranh chấp khác biệt giữa người điều hành và cổ đông rất phức tạp vì thuộc nội bộ doanh nghiệp.

Để bảo vệ được những cổ đông nhỏ lẻ, cần có luật sư cố vấn và sự hợp lực của những cổ đông nhỏ lẻ đó, họ có quyền không thoả hiệp với người điều hành doanh nghiệp. Bởi khi những cổ đông có quyền biểu quyết trên 51% sẽ có nhiều khả năng thắng trong cuộc tranh tụng với người quản lý doanh nghiệp.

Ông Neil Nucup - Cố vấn pháp lý, Tòa Trọng tài thường trực (PCA) khẳng định, mục tiêu của trọng tài thương mại hướng đến chính là bảo vệ nhà đầu tư và bảo vệ hoạt động đầu tư. Theo Hiệp ước bảo hộ Nhà đầu tư, địa điểm doanh nghiệp, nhà đầu tư ở nước ngoài được bảo vệ theo Luật các bên kí kết.

Hồng Nhung