Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 14, chiều 10/8 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực và trách nhiệm của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL).
Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn chính sách để du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Cùng với đó, trả lời về công tác quản lý, bảo tồn, cải tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia; giải pháp ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội và văn hóa ứng xử; xây dựng nếp sống văn hóa và bảo tồn, phát triển văn hóa xã hội.
Phát biểu mở đầu phiên chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói đây là dịp để Bộ kiểm điểm, đánh giá lại ngành trước Quốc hội và cử tri cả nước.
"Ba lĩnh vực như cỗ xe tam mã thì văn hóa giữ dây cương, du lịch mang đậm dấu ấn sản phẩm văn hóa, thể thao và sức khỏe con người để kiến tạo, xây dựng đất nước", ông nói và cho biết đã chỉ đạo quyết liệt ba trọng tâm công tác này.
Thời gian qua, lĩnh vực văn hóa đã có chuyển biến tích cực, môi trường văn hóa được chú trọng xây dựng, thể thao thành tích cao và thể thao quần chúng được quan tâm toàn diện. Du lịch có bước phát triển sau đại dịch, khách nội địa tăng, khách quốc tế bắt đầu tìm đến.
"Chỉ tiêu khách nội địa đã đạt được, khách quốc tế đang phấn đấu. Ngành du lịch đang thay đổi cách tính toán là mức chi tiêu của du khách chứ không chỉ là số lượng du khách", ông Hùng nói.
Bộ trưởng thừa nhận ngành đang đối mặt với nhiều khó khăn, rất trăn trở để tăng số lượng khách quốc tế và nội địa, phát triển sản phẩm du lịch. Theo ông, văn hóa là vấn đề rộng, có nhiều biểu hiện xuống cấp, có những việc đã đề ra từ trước nhưng cần nhiều giải pháp đồng bộ để thực hiện.
Nêu câu hỏi chất vấn đầu tiên, đại biểu Nguyễn Hải Anh (đoàn Đồng Tháp) nhấn mạnh, du lịch chỉ có thể phục hồi hoàn toàn khi thị trường du lịch toàn cầu phục hồi. Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến khó lường, một số quốc gia hiện vẫn chưa sẵn sàng mở cửa thị trường du lịch và vẫn hạn chế đi lại thì việc phối hợp hợp tác giữa Chính phủ các nước là hết sức cần thiết.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng nêu giải pháp cho vấn đề này và những đề xuất của Bộ với Chính phủ để có những chỉ đạo phù hợp giúp thúc đẩy hợp tác với các nước để sớm phục hồi thị trường du lịch toàn cầu, qua đó thúc đẩy phục hồi thị trường du lịch ở Việt Nam?
Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói rằng, trong đại dịch Covid-19, du lịch chịu tác động nhiều nhất. Du lịch Việt Nam chưa tính toán chi tiết nhưng thiệt hại rất lớn vì hầu như phải đóng băng mọi hoạt động. Chỉ từ giữa tháng 3, Chính phủ cho phép mở cửa lại du lịch thì khách nội địa mới tăng lên và đạt chỉ tiêu.
"Khách quốc tế năm nay đã đạt gần 1 triệu lượt, tăng 10 lần so với năm 2021, cho thấy thị trường du lịch đã ấm lên", ông Hùng nói.
Trong tình hình khách quốc tế ít, Việt Nam chọn giải pháp đẩy mạnh du lịch nội địa với các chương trình kích cầu. Nhiều địa phương có mức tăng trưởng cao, nhất là doanh thu từ lữ hành như Khánh Hòa, Hà Nội, Tp.HCM. Các dịch vụ theo ngành du lịch cũng có tăng trưởng.
Dù vậy, khách quốc tế đang là vấn đề khó khăn. Doanh nghiệp lữ hành cần có thời gian để kết nối lại thị trường. Các địa phương cũng cần làm mới sản phẩm du lịch để phù hợp với thị hiếu du khách sau dịch là điểm đến an toàn, chú ý nhiều hơn về nhu cầu văn hóa. Đồng thời, các bộ liên quan cần phối hợp tạo điều kiện tốt nhất cho khách du lịch đến Việt Nam.
"Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp nên cần sự vào cuộc của các bộ ngành. Chúng tôi hy vọng với giải pháp nêu trên, thì lượng khách quốc tế đến Việt Nam sẽ tăng lên", Bộ trưởng nói.
Cũng theo người đứng đầu Bộ VH-TT&DL, đến thời điểm này, so với các nước ASEAN thì số lượng khách đến Việt Nam không nhiều, nhưng cũng hơn một số nước Philippines, Campuchia và thấp hơn Thái Lan, Malaysia.
"Điều đó cho thấy chúng ta nên bình tĩnh tìm kiếm thị trường truyền thống", ông Hùng nói và cho biết 70% lượng khách quốc tế mà Việt Nam hướng đến là thị trường Trung Quốc, sau đó là Hàn Quốc, Nhật Bản và đang bị phụ thuộc vào chính sách phòng chống Covid-19 của các nước này.
Phản ánh tình trạng khách du lịch quốc tế quay trở lại Việt Nam còn rất thấp, đại biểu Đôn Tấn Phong (đoàn An Giang) nhấn mạnh khách du lịch quốc tế tới Việt Nam là một chỉ số rất quan trọng. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng nêu biện pháp cơ bản để phát triển du lịch quốc tế vào Việt Nam một cách bền vững?
Với câu hỏi này, Bộ trưởng cho biết, trước đại dịch Covid-19 do Việt Nam chưa có điều kiện đo đếm, tính toán, nên không thống kê xem có bao nhiêu khách trở lại.
Bộ đã chỉ đạo Tổng cục Du lịch khảo sát thời điểm trước dịch thì 40% khách quốc tế được hỏi cho biết sẽ quay lại Việt Nam. Và cũng có nhiều tổ chức khác đánh giá chỉ 10% khách quốc tế trở lại Việt Nam.
"Khách quốc tế có trở lại Việt Nam hay không điều này không ảnh hưởng đến việc tăng thu hay không tăng thu cho ngành du lịch, vì còn tùy thuộc vào tâm lý khách hàng và điều kiện kinh tế của họ", ông Hùng nói.
Bộ trưởng cũng nói thêm, có người chỉ muốn đến một lần để thưởng thức, có người đi nhiều lần để khám phá. "Sẽ có đối tượng này đối tượng khác bù đắp lại, nhưng chúng tôi mong muốn khách sẽ quay lại", ông nói.
Để khách đến, ông Hùng cho biết cần làm mới sản phẩm du lịch và văn hóa. “Nếu so sánh lợi thế thì Việt Nam không có lợi thế hơn các nước, nên khách quốc tế đến Việt Nam không chỉ ăn nghỉ mà còn muốn tìm hiểu văn hóa, con người. Do đó chúng ta cần đưa ra các sản phẩm phù hợp”, ông nhấn mạnh.