Ngành công nghiệp mới nổi này sẽ giúp VN trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu

Admin

Trong ngành công nghiệp này, Việt Nam ngày càng thu hút được nhiều các tập đoàn lớn đến từ Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hà Lan...

Ngành công nghiệp bán dẫn, được coi là huyết mạch của thế giới kỹ thuật số, đóng một vai trò quan trọng và thu hút sự quan tâm của nhiều lĩnh vực công nghiệp toàn cầu.

Theo nhận định từ Gartner - tập đoàn nghiên cứu và tư vấn công nghệ hàng đầu trên thế giới, dự kiến, ngành bán dẫn sẽ tạo ra doanh thu khổng lồ, với con số ước tính là hơn 620 tỷ USD trong năm 2024 và có khả năng tăng lên đến 1.000 tỷ USD vào năm 2030. Nó cũng được coi là hạt nhân chiến lược trong cuộc đua công nghệ giữa các cường quốc hàng đầu thế kỷ này.

Đề án "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045" của Việt Nam được đưa ra nhằm tập trung nhiều hơn cho đào tạo nguồn nhân lực với mục tiêu đến năm 2030, kỹ sư Việt Nam tham gia sâu vào quy trình thiết kế các vi mạch bán dẫn hiện đại; tham gia sâu vào công đoạn đóng gói và kiểm thử vi mạch bán dẫn, làm chủ được một phần công nghệ đóng gói và kiểm thử; tham gia làm việc trong các nhà máy sản xuất bán dẫn, từng bước nắm bắt được công nghệ trong công đoạn sản xuất; Việt Nam đào tạo được 50.000 kỹ sư phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị.

Mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu với đội ngũ kỹ sư, chuyên gia đủ khả năng đáp ứng được yêu cầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam cả về chất lượng và số lượng.

Dự báo quy mô ngành bán dẫn tại Việt Nam đến năm 2030 ước đạt 20 - 30 tỷ USD. Ước tính đến năm 2030, Việt Nam cần khoảng 15.000 kỹ sư thiết kế, 35.000 kỹ sư làm việc trong các nhà máy sản xuất chip bán dẫn; đồng thời sẽ tạo ra 154.000 việc làm gián tiếp, đóng góp 360.000 tỷ đồng vào GDP.

Ngành công nghiệp mới nổi này sẽ giúp VN trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu- Ảnh 1.

Hình minh họa bởi AI.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp bán dẫn lớn đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tận dụng nguồn nhân lực trẻ, có trình độ tại các nước châu Á trong đó có Việt Nam.

Việt Nam đã và đang ngày càng thu hút được nhiều các tập đoàn lớn trong ngành vi mạch bán dẫn đến từ Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hà Lan... Cùng với đó, nhiều công ty trong nước cũng đã gia nhập thị trường như Viettel, FPT, VNChip,…

Về công tác đào tạo, cách đây vài năm, chỉ có duy nhất Đại học Bách Khoa đào tạo chuyên sâu về bán dẫn và thiết kế điện tử. Tuy nhiên, hiện tại, đã có nhiều trường đại học và trung tâm đào tạo tại Việt Nam quan tâm, đầu tư vào ngành này. Cùng với đó, mức lương ngành bán dẫn rất hấp dẫn.

Tại Mỹ, mức lương trung bình hằng năm của kỹ sư thiết kế chip là khoảng 100.000 đến 300.000 USD. Trong khi đó, theo ông Nguyễn Thanh Yên, Tổng giám đốc Công ty CoAsia SEMI Việt Nam chia sẻ, ở Việt Nam, ngay khi mới ra trường, các nhân sự có thể hưởng mức lương khởi điểm 10.000 - 15.000 USD/năm (chưa kể thưởng). Mức lương sẽ tăng cùng với năng lực và kinh nghiệm…

Đơn cử như lương kỹ sư 1-3 năm kinh nghiệm từ 10.000 - 15.000 USD/năm, 16.000 - 25.000 USD/năm nếu có 4-6 năm kinh nghiệm và nâng lên mức lên 46.000 - 80.000 USD, thậm chí cao hơn, với những người có trên 11 năm kinh nghiệm.

Tuy nhiên, theo nhận định của ông Harsh Bharwani, CEO Jetking Infotrain Limited (Ấn Độ), một trong những điểm yếu của sinh viên Việt Nam là khả năng ngoại ngữ cần phải được cải thiện. Ngoài ra, sinh viên Việt Nam cần có cái nhìn tổng quan về thị trường toàn cầu như cập nhật các xu hướng mới về thiết kế chip, trí tuệ nhân tạo…, đồng thời nâng cao kỹ năng thực hành bên cạnh các kiến thức lý thuyết đã được học.