Một đợt nắng nóng gay gắt ở Trung Quốc đã buộc một khu vực sản xuất lớn phải kêu gọi các doanh nghiệp và hộ gia đình sử dụng ít điện hơn, trong khi nỗi lo mất mùa đang khiến giá thịt lợn tại nước này tăng vọt.
Đợt nắng nóng xảy ra giữa lúc lạm phát giá tiêu dùng ở Trung Quốc đạt mức cao nhất trong vòng 23 tháng, chủ yếu do giá lương thực tăng. Có tới 84 thành phố trên khắp Trung Quốc tuần qua đã cảnh báo báo động đỏ về mức độ nắng nóng – là mức cao nhất, có nghĩa là nhiệt độ dự kiến sẽ đạt trên 40 độ C. Lần đầu tiên trong năm nay, Thượng Hải cũng cảnh báo nhiệt độ có thể lên đến 40 độ C.
Nhiệt độ tăng cao không chỉ ảnh hưởng đến con người và các ngành sản xuất công nghiệp, mà cũng đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng trồng trọt của Trung Quốc, có nguy cơ đẩy giá lương thực tăng thêm nữa.
Giá thực phẩm tăng trên thị trường Trung Quốc và toàn cầu đã bắt đầu tác động đến ngành thức ăn chăn nuôi và ngành chăn nuôi lợn trong những tuần gần đây.
Đầu tháng 7/2022, một số nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn của Trung Quốc, bao gồm cả New Hope Group, đã cảnh báo với khách hàng rằng họ sẽ tăng giá thức ăn cho lợn, gia cầm và cá do giá khô đậu tương, ngô và lúa mì tăng. Và hầu hết họ đã bắt đầu tăng giá từ tuần 4 - 10/7/2022.
Thị trường thịt lợn, loại thịt tiêu thụ chủ lực ở Trung Quốc, đã bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng, vì đậu tương và ngô là những nguyên liệu chính được sử dụng trong ngành chăn nuôi lợn.
Theo số liệu mới đây từ Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc, tính đến tuần kết thúc vào ngày 1/7, giá lợn hơi ở nước này đã tăng 46% so với tháng 3/2022.
Tuần trước, Ủy ban này cho biết họ đang xem xét khai thác nguồn thịt lợn dự trữ chiến lược quốc gia để ngăn chặn giá tăng nhanh chóng, đồng thời cam kết sẽ ngăn chặn bất kỳ hành vi trục lợi giá cả nào của các trang trại chăn nuôi lợn.
Theo dữ liệu CPI gần đây nhất của Trung Quốc, chỉ số giá tiêu dùng của nước này tháng 6/2022 đã tăng 2,5% so với một năm trước đó, cao hơn mức tăng 2,1% của tháng 5 và cao nhất trong gần hai năm. Giá thịt lợn, đã tăng gần 3% trong tháng 6 so với tháng 5, làm gia tăng áp lực lạm phát.
Điều đáng chú ý là giá thịt lợn của Trung Quốc tăng mạnh bất chấp sản lượng thịt lợn cũng tăng, với sản lượng quý 2/2022 đạt mức cao nhất nhiều năm do đàn lợn hồi phục sau dịch tả lợn Châu Phi.
Sản lượng thịt lợn của Trung Quốc quý 2/2022 tăng lên 13,78 triệu tấn, mức cao nhất trong khoảng thời gian ít nhất kể từ năm 2015.
Sự gia tăng này diễn ra bởi người chăn nuôi tăng số lượng lợn nái vào năm 2020 và 2021 sau khi dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi gây chết lợn đã tàn phá đàn lợn của nước này vào năm 2019.
Quý 2 thường là khoảng thời gian sản lượng thịt lợn thấp nhất trong năm do lượng giết mổ tăng vọt trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Trung Quốc - trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 3, nhưng năm nay thì khác.
Sản lượng thịt lợn Trung Quốc trong quý 2/22 đúng bằng sản lượng quý 4/2021 và cao hơn 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái, dữ liệu từ Văn phòng Thống kê Quốc gia cho biết.
Sản lượng thịt lợn Trung Quốc từ 2017 đến nay.
Dữ liệu cũng cho thấy 365,87 triệu con lợn đã bị giết mổ trong nửa đầu năm. Trong đó, 16 nhà sản xuất lợn hơi lớn cho biết đã bán tổng cộng 63,6 triệu con lợn, tăng 48% so với cùng kỳ năm ngoái, các nhà sản xuất hàng đầu như Muyuan Foods và Wens Foodstuff báo cáo mức tăng lần lượt 80% và 70 % tương ứng, theo thông tin từ Boya Consulting.
Trong những tháng đầu năm nay, sản lượng thịt lợn tăng trong khi nhu cầu giảm do dịch COVID19 bùng phát nhiều lần tạo ra nguồn cung dư thừa và gây áp lực lên giá cả cũng như lợi nhuận từ ngành nuôi lợn.
Đa số người chăn nuôi lỗ lớn trong 6 tháng qua. Họ đã bắt đầu tiêu hủy một số lợn nái của mình vào cuối năm ngoái, đẩy nhanh tiến độ tiêu hủy lợn nái trong quý 1/2022 do càng nuôi càng lỗ, và điều đó có thể đồng nghĩa với việc sản lượng thịt lợn sẽ giảm vào cuối năm 2022.
Tuy nhiên, cơ quan thống kê cho biết tổng đàn lợn đã đạt 430,57 triệu con vào cuối tháng 6, tăng từ 422,53 triệu con vào cuối tháng 3
Đó là lý do giá thịt lợn mới tăng nhanh trở lại trong thời gian gần đây, với với tỷ suất lợi nhuận chỉ chuyển biến từ tiêu cực sang tích cực kể từ tháng 6/2022. Giá cả tăng đang gây lo ngại cho các nhà hoạch định chính sách nhà nước, buộc họ phải vào cuộc để cố gắng hạ nhiệt cơn "sốt’ giá thịt lợn.
Tham khảo: Refinitiv
https://cafef.vn/nang-nong-ky-luc-va-gia-thit-lon-trung-quoc-tang-tro-lai-gay-lo-ngai-cho-toan-cau-20220718013207881.chn