Một mặt hàng tỷ đô của Việt Nam đang được Singapore liên tục gom mạnh với giá siêu rẻ, xuất khẩu tăng khủng hơn 16.000% từ đầu năm

Admin

Giá xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam đã giảm hơn 40% so với cùng kỳ.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tháng 4/2024 Việt Nam xuất khẩu trên 1,1 triệu tấn sắt thép, thu về 835,14 triệu USD, giá trung bình 752,9 USD/tấn, tăng 0,9% về lượng, tăng 0,04% về kim ngạch nhưng giảm 0,85% về giá so với tháng 3/2024.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2024 xuất khẩu sắt thép các loại đạt trên 4,34 triệu tấn, thu về trên 3,22 tỷ USD, giá trung bình 742 USD/tấn, tăng 33,3% về lượng, tăng 27,7% kim ngạch nhưng giảm 4,2% về giá so với 4 tháng đầu năm 2023.

Một mặt hàng tỷ đô của Việt Nam đang được Singapore liên tục gom mạnh với giá siêu rẻ, xuất khẩu tăng khủng hơn 16.000% từ đầu năm- Ảnh 1.

Trong 4 tháng đầu năm 2024, Mỹ bất ngờ vượt Ý để trở thị trường tiêu thụ nhiều nhất các loại sắt thép của Việt Nam, chiếm 13% trong tổng lượng và chiếm 15,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu sắt thép của cả nước, đạt 563.990 tấn, tương đương 496,38 triệu USD, giá trung bình 880 USD/tấn, tăng 129,3% về lượng, tăng 156,6% về kim ngạch và tăng 11,9% về giá so với cùng kỳ năm trước.

Italia là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2, chiếm 13,7% trong tổng lượng và chiếm 11,7% trong tổng kim ngạch, đạt 595.513 tấn, tương đương 375,92 triệu USD, giá 631,3 USD/tấn, tăng 23,3% về lượng, tăng 7,3% kim ngạch nhưng giảm 13% về giá so với 4 tháng đầu năm 2023.

Thị trường Campuchia chiếm 8,34% trong tổng lượng và chiếm 7,21% trong tổng kim ngạch, đạt 361.970 tấn, tương đương 232,2 triệu USD, giảm 6,88% về lượng và giảm 15,56% về kim ngạch so với 4 tháng đầu năm 2023.

Đáng chú ý, xuất khẩu sắt thép sang nhiều thị trường lớn chứng kiến mức tăng trưởng đột biến, trong đó có Singapore.

Cụ thể, trong tháng 4/2024, xuất khẩu sắt thép của Việt Nam sang Singapore đạt 42.443 tấn với kim ngạch hơn 22,5 triệu USD. Trong khi đó, tháng 4/2023, đảo quốc sư tử chỉ nhập khẩu 335 tấn sắt thép với kim ngạch hơn 307 nghìn USD. Như vậy, mức tăng trưởng lên tới 12.570% về lượng và 7.226% về giá trị.

Lũy kế 4 tháng, xuất khẩu sắt thép các loại sang thị trường này đạt 123.630 tấn, trị giá hơn 67,1 triệu USD, tăng 16.100 về lượng và 6.700% về giá trị. Giá xuất khẩu bình quân đạt hơn 530 USD/tấn, giảm mạnh gần 41% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo Viện Gang thép Đông Nam Á (SEAISI), hoạt động xây dựng trong khu vực, đặc biệt là xây dựng cơ sở hạ tầng được đẩy mạnh, điều này sẽ thúc đẩy nhu cầu thép tại các nước ASEAN. Nhu cầu thép ASEAN dự kiến ​​sẽ tăng trong hai năm tới khi hoạt động xây dựng trong khu vực phục hồi.

Một mặt hàng tỷ đô của Việt Nam đang được Singapore liên tục gom mạnh với giá siêu rẻ, xuất khẩu tăng khủng hơn 16.000% từ đầu năm- Ảnh 2.

Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) cũng nhận định, ngành thép có nhiều cơ hội bứt phá trong năm 2024 nhờ các yếu tố thuận lợi và cơ hội đến từ các thị trường xuất khẩu. Năm 2030 mức tiêu thụ thép trung bình đạt 290-300 kg/người, tăng mạnh so với mức 240 kg/người ở thời điểm hiện tại. Đây cũng là tiền đề cho chu kỳ phát triển và tăng trưởng mới của ngành thép Việt Nam trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, ngành thép cũng sẽ phải đối mặt với một số rủi ro liên quan đến các chính sách của Trung Quốc, EU hay những thách thức trong việc chuyển đổi xanh, giảm phát thải, chính sách phòng vệ thương mại…

Dự kiến trong năm 2024, tiêu thụ thép sẽ tăng khoảng 6,4%, sản lượng xuất khẩu tăng lên gần 13 triệu tấn. Nhu cầu thép của thế giới được dự báo hồi phục mạnh trở lại trong năm 2024, tăng 1,9%, đạt 1,8 tỷ tấn trong năm 2024, do đó sản xuất thép của Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội, dự kiến tăng khoảng 10% trong năm 2024.

Sản xuất thép thành phẩm trong hai năm 2024 và 2025 ước đạt khoảng 28 triệu-30 triệu tấn, nhu cầu tiêu thụ thép trong nước khoảng 22 triệu-23 triệu tấn.