Một hộ kinh doanh thương mại điện tử ở Hà Nội doanh thu hơn 36 tỷ đồng nhưng quên nộp thuế

Admin

Thông tin này được lãnh đạo phường Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) tiết lộ tại Hội nghị triển khai quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử thí điểm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, do Cục Thuế TP Hà Nội tổ chức mới đây.

Một hộ kinh doanh thương mại điện tử ở Hà Nội doanh thu hơn 36 tỷ đồng nhưng quên nộp thuế
- Ảnh 1.

Sáng 3/5, Cục Thuế TP. Hà Nội phối hợp với UBND Quận Hoàn Kiếm tổ chức Hội nghị triển khai công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử thí điểm trên địa bàn Quận Hoàn Kiếm để triển khai công tác tuyên truyền, hướng dẫn các HKD, cá nhân kinh doanh có hoạt động thương mại điện tử thực hiện kê khai, nộp thuế theo quy định của pháp luật.

Về lý do chọn Quận Hoàn Kiếm là Quận thí điểm trong quản lý thuế thương mại điện tử, Cục trưởng Cục Thuế TP. Hà Nội Vũ Mạnh Cường cho biết: Quận Hoàn Kiếm là trung tâm chính trị - hành chính, kinh tế, văn hóa của TP Hà Nội, với những đặc trưng riêng của các khu phố cổ, nơi đây tập trung số lượng lớn các hộ, cá nhân kinh doanh buôn bán vô cùng sầm uất với đủ loại mặt hàng hóa, dịch vụ phong phú. Hiện nay, kinh doanh thương mại điện tử cũng là một phương thức kinh doanh phổ biến được các hộ, cá nhân kinh doanh sử dụng tại địa bàn này.

Quận Hoàn Kiếm cũng là một trong những đơn vị đi đầu trong công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, trong đó đặc biệt là Đề án số 06 của Chính Phủ trên địa bàn Quận Hoàn Kiếm cơ bản đã hoàn thành (đạt 99,88% tỷ lệ khớp nối dữ liệu với Bộ Công an); đây cũng đơn vị tiên phong của Thành phố triển khai đề án thanh toán không dùng tiền mặt được UBND Thành phố tin tưởng chọn làm hạt nhân triển khai. 

Chính sự quan tâm đặc biệt của UBND quận Hoàn Kiếm cũng như đặc thù đối tượng quản lý thuế trên địa bàn (tập trung nhiều HKD TMĐT, bán hàng kinh doanh online...) là những lý do chính để Cục Thuế TP Hà Nội đã báo cáo UBND Thành phố đề xuất triển khai mô hình thí điểm quản lý thuế TMĐT trên địa bàn Quận Hoàn Kiếm và được sự ủng hộ tuyệt đối của Lãnh đạo Thành phố.

Về tình hình quản lý thương mại điện tử trên địa bàn thành phố trong 2 năm qua, Chủ tịch UBND Quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết, trong năm 2022, các cơ quan quản lý trên địa bàn đã thực hiện quản lý thuế và kê khai 408 đối tượng với số thu 6 tỷ 595 triệu đồng; năm 2023 đã quản lý thuế, kê khai 523 đối tượng với số thu gần 22 tỷ đồng. “Đây là những số liệu minh chứng cho xu thế mới đang hình thành năm 2024”, ông Phạm Tuấn Long nhấn mạnh.

Ông Long cho biết thêm, Quận Hoàn Kiếm với quyết tâm rất cao thực hiện việc chuyển đổi số toàn diện trên tất cả lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế số. Quận với những lợi thế của quận trung tâm, trình độ dân trí cao, môi trường kinh doanh năng động, nhiều ngân hàng lớn đóng chân trên địa bàn và đặc biệt là đơn vị đầu tiên của thành phố thành triển khai các tuyến phố không tiền mặt, định hướng sẽ trở thành quận không tiền mặt vào năm 2025, những điều kiện trên sẽ thúc đẩy xu thế thương mại điện tử tại quận sẽ phát triển nhanh và mạnh hơn nữa.

Theo Cục trưởng Cục Thuế TP.Hà Nội Vũ Mạnh Cường, từ cuối năm 2023 và đầu năm 2024, thực hiện chỉ đạo của đồng chí Bộ trưởng Bộ Tài chính, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Cục Thuế TP Hà Nội đã tập trung quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử - là loại hình kinh doanh mới với đối tượng quản lý thuế rộng, phức tạp và phát triển nhanh chóng... theo hướng số hóa. Theo đó, công tác định danh, định vị đối với tổ chức, cá nhân, thông tin dữ liệu về các giao dịch và đối tượng kinh doanh thương mại điện tử được cập nhật thường xuyên, liên tục. 

Đến nay, Cục Thuế TP Hà Nội đã xây dựng cơ sở dữ liệu của hơn 320 doanh nghiệp là chủ sở hữu sàn thương mại điện tử, 54 doanh nghiệp là sàn TMĐT lưu trú, khoảng 21.500 doanh nghiệp, trên 16.500 hộ kinh doanh và hơn 80.600 cá nhân tiền lương, tiền công bán hàng trên các sàn Shopee, Tiki, Lazada, thu thập khoảng 110.000 tài khoản ngân hàng, định danh hơn 591.200 shop... 

Cục Thuế TP Hà Nội là đơn vị đầu tiên khớp nối thông tin giữa căn cước công dân của các cá nhân kinh doanh trên các sàn TMĐT gắn với mã số thuế và đã xây dựng được cơ sở dữ liệu thông tin về số tài khoản ngân hàng, doanh thu, mức thuế, dòng tiền của các tổ chức, cá nhân có phát sinh thu nhập từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, từ đó xác định đúng nghĩa vụ của người nộp thuế.

Ngay từ đầu năm, Cục Thuế TP Hà Nội đã xây dựng kế hoạch thanh tra kiểm tra chuyên đề TMĐT năm 2024 đối với tổng số 2.342 tổ chức, cá nhân. Kết quả bước đầu, Cục Thuế TP Hà Nội đã thực hiện rà soát và ra quyết định, thông báo theo quy trình kiểm tra là 1.749 tổ chức, cá nhân. Kết quả xử lý: 921 tổ chức, cá nhân, tăng thu: 104 tỷ đồng, giảm khấu trừ: 43 tỷ đồng, giảm lỗ: 59 tỷ đồng.

Đáng chú ý, theo lãnh đạo phường Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), thông qua rà soát trên địa bàn, phát hiện một hộ kinh doanh bán sản phẩm thời trang trên sàn thương mại điện tử có doanh thu rất lớn nhưng quên nộp thuế, đến nay mới bắt đầu kê khai và nộp. Theo dữ liệu kiểm tra của cơ quan thuế, trong năm 2022, hộ kinh doanh này phát sinh doanh thu là 11 tỷ đồng, năm 2023 là 25 tỷ đồng.

Với mục tiêu triển khai thực hiện hiệu quả, thiết thực công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử trên địa bàn thành phố Hà Nội, trước mắt Cục Thuế triển khai thí điểm trên địa bàn Quận Hoàn Kiếm. Trên cơ sở triển khai thí điểm sẽ tổng hợp đánh giá kết quả và nhân rộng công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử tại Cục Thuế TP Hà Nội và các Chi cục Thuế quận, huyện, thị xã trên địa bàn, tiến tới xây dựng Đề án cấp thành phố về Quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử trên toàn thành phố Hà Nội.

Hiện ngành Thuế đã phân loại người nộp thuế tham gia hoạt động thương mại điện tử theo 2 nhóm chính.

Một là nhóm cung cấp hàng hóa, dịch vụ trong trong nước bao gồm: chủ sở hữu nền tảng có hoạt động thương mại điện tử, tổ chức, cá nhân cung cấp hàng hóa, dịch vụ trong nước thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội và các nền tảng khác

Hai là nhóm cung cấp hàng hóa, dịch vụ xuyên biên giới (bao gồm: nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số với tổ chức, cá nhân ở Việt Nam; Tổ chức, cá nhân Việt Nam có thu nhập từ hoạt động đăng tải sản phẩm, nội dung thông tin số trên các nền tảng nước ngoài; Tổ chức, cá nhân cung cấp hàng hóa, dịch vụ xuyên biên giới thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử và các nền tảng khác).

Tổng cục Thuế cho biết, trong 2 năm gần nhất đã ghi nhận kết quả thu thuế từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử như sau: năm 2022 doanh thu quản lý thuế là 3,1 triệu tỷ đồng ( khoảng 130,57 tỷ USD), với số thuế đã nộp là 83.000 tỷ đồng; Năm 2023 doanh thu quản lý là 3,5 triệu tỷ đồng ( khoảng 146,28 tỷ USD), số thuế đã nộp là 97.000 tỷ đồng.