Lý do 'cháy' vàng nhẫn, giá tăng liên tục

Admin

Sáng nay (30/4), giá vàng nhẫn bật tăng trở lại. Theo đó, giá vàng nhẫn tiến sát mốc 77 triệu đồng/lượng. Thời gian gần đây, do nhu cầu vàng nhẫn tăng đột biến, nhiều cửa hàng không còn vàng nhẫn để bán cho khách.

Tập đoàn Doji niêm yết giá vàng nhẫn 74,8 - 76,5 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra, tăng 200.000 đồng/lượng so với sáng qua.

Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá nhẫn tròn trơn 74,68 - 76,28 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra, tăng 100.000 đồng/lượng.

Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng nhẫn 73,8 - 75,5 triệu đồng/lượng.

Trong khi đó, giá vàng miếng SJC vẫn đứng quanh mốc 85 triệu đồng/lượng.

Cùng thời điểm, giá vàng thế giới ở mức 2.334 USD/ounce, tăng 8 USD/ounce với sáng qua.

Lý do 'cháy' vàng nhẫn, giá tăng liên tục- Ảnh 1.

Nhiều cửa hàng khan hiếm vàng nhẫn.

Vàng nhẫn tròn trơn được nhiều người dân chú ý trong khoảng thời gian gần đây, sau các chỉ đạo của Thủ tướng về việc hạ chênh lệch giá vàng miếng SJC với thế giới.

Về bản chất, nhẫn trơn là loại vàng nguyên chất hay còn được gọi là vàng ta, tương tự như vàng miếng. Cùng hàm lượng như nhau song nhẫn tròn trơn không được "gắn mác" độc quyền bởi Nhà nước, thông qua thương hiệu SJC như vàng miếng. Điều này cũng dẫn đến sự chênh lệch cả chục triệu đồng giữa mỗi lượng nhẫn tròn trơn và vàng miếng SJC.

Vì vậy, thời gian gần đây, do nhu cầu vàng nhẫn tăng đột biến, nhiều cửa hàng không còn vàng nhẫn để bán cho khách hàng.

Lý giải hiện tượng vàng nhẫn khan hiếm , chủ một tiệm vàng ở Hà Nội nhận định, tâm lý của nhiều người mua vàng hiện nay là muốn tích trữ tài sản vì lãi suất các ngân hàng hiện nay quá thấp. Nhưng hiện người dân ưu tiên chọn mua vàng nhẫn thay vì vàng miếng như trước kia do lo lắng việc sửa Nghị định 24 sắp tới sẽ có tác động mạnh đến thị trường vàng miếng.

"Khi cơ quan chức năng xem xét lại việc độc quyền, giá vàng SJC có thể giảm mạnh, về gần hơn so với giá thế giới quy đổi, tức là có thể giảm hơn 10 triệu đồng/lượng. Do vậy, nhiều người đã chuyển từ mua vàng miếng tích trữ sang vàng nhẫn, vàng trang sức để giảm thiểu rủi ro", vị này nói.

Dưới góc độ khác, ông Huỳnh Trung Khánh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam - phân tích, từ khi thực hiện Nghị định 24/2012 về quản lý thị trường vàng, doanh nghiệp không được cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu. Doanh nghiệp chỉ có thể mua vàng trên thị trường để sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ.

"Việc mua vàng trôi nổi trên thị trường lại không bảo đảm yêu cầu về hóa đơn, bảng kê hàng hóa dịch vụ và rủi ro có thể mua phải vàng lậu. Việc cơ quan quản lý siết các vụ buôn lậu vàng gần đây khiến nhiều doanh nghiệp trong nước không dám mua vàng trôi nổi trên thị trường càng làm cho nguồn cung vàng nguyên liệu thêm hạn chế", ông Khánh nói.

Ngoài ra, việc kinh doanh vàng nhẫn trơn mang về biên lợi nhuận thấp hơn so với các mặt hàng nữ trang khác có tiền gia công. Vì thế, nhẫn tròn trơn không phải là mặt hàng được ưu tiên đẩy mạnh kinh doanh khi nguồn nguyên liệu hạn chế.

Theo chuyên gia Trần Duy Phương, chính chênh lệch quá lớn trên đã kích thích người dân chuyển sang mua vàng nhẫn trong những ngày gần đây. Nhất là sau khi có nhiều ý kiến đặt vấn đề vì sao tồn tại chênh lệch quá lớn giữa vàng miếng SJC và giá vàng thế giới quy đổi trong suốt thời gian dài.

"Họ mua vì hai lý do, một là tranh thủ tích trữ trong lúc giá vàng ở mức thấp, hai là lo mua vàng miếng SJC lúc này rủi ro quá cao nếu có sự thay đổi về chính sách khiến giá vàng miếng "sập" về ngang giá vàng nhẫn", ông Phương nói.

Đồng thời ông cho biết không chỉ người dân mà nhiều tiệm vàng cũng tranh thủ gom vàng nguyên liệu để làm vàng nữ trang, mỹ nghệ…

Chính lực mua vàng nhẫn tăng trong những ngày gần đây đã làm tăng giá USD tự do. Giá bán USD tự do đã lên mức 25.700 đồng/USD. Nguyên nhân là giới kinh doanh gom USD tự do để nhập vàng theo đường biên mậu đẩy giá USD tự do tăng lên. Các ngân hàng thương mại giao dịch đồng USD mua vào 25.148 đồng/USD, bán ra 25.458 đồng/USD.