Chế độ lương thưởng còn thấp khiến "chảy máu" chất xám?
Chiều 9/8, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 7/2022.
Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị quan tâm đến tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc, nổi lên ở nhiều địa phương. Trong bối cảnh dịch Covid-19 đã được kiểm soát nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ phức tạp, cộng với các dịch bệnh khác đang nổi lên, như đậu mùa khỉ, cúm A... dẫn đến nguy cơ dịch chồng dịch.
Ông Tùng nêu thực tế trong bối cảnh có nguy cơ “dịch chồng dịch” hiện nay, có một vấn đề cần quan tâm là “nhân viên y tế trong các cơ sở ý tế công lập, nhất là tuyến huyện, xã xin nghỉ việc tương đối nhiều”.
Trong bối cảnh đó, đội ngũ cán bộ y tế tuyến cơ sở 2 năm qua chịu áp lực lớn, tình trạng y tế công lập tuyến huyện, xã xin nghỉ việc tương đối nhiều. Ông Tùng viện dẫn báo cáo gần nhất của Công đoàn y tế, 6 tháng cuối năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, có gần 10 nghìn viên chức y tế xin nghỉ việc.
"Có nhiều nguyên nhân, trong đó nổi lên vấn đề lớn là chế độ lương, phụ cấp đối với nhân viên y tế thấp, chưa thỏa đáng", ông Tùng nêu, và đề nghị công đoàn y tế đề xuất sửa đổi chế độ, nâng mức hưởng phụ cấp ưu đãi lên cao hơn, tính đúng tính đủ hơn giá dịch vụ y tế, xem xét điều chỉnh mức định biên y tế cơ sở.
Cụ thể dẫn chứng cho thấy, “một bác sĩ sau 6 năm học, 18 tháng thực hành để cấp chứng chỉ hành nghề, nếu được tuyển dụng vào cơ sở y tế công lập, lương tháng tính theo chế độ nhà nước khi mới làm việc khoảng 5 triệu/tháng”, ông Hoàng Thanh Tùng cho biết, mức lương này đã cộng 40% phụ cấp ưu đãi, nhưng lại chưa trừ khoản bảo hiểm xã hội phải đóng.
“So sánh với mức thu nhập của cơ sở y tế ngoài công lập thì thấp hơn rất nhiều”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật so sánh.
Ông cũng cho biết, công đoàn y tế đã đề xuất sửa đổi Nghị định 57 của Chính phủ; nâng mức hưởng phụ cấp ưu đãi lên cao hơn; xem xét từng bước tính đúng, tính đủ hơn giá dịch vụ y tế để tăng thu nhập cho nhân viên y tế. Đồng thời xem xét điều chỉnh mức định biên đối với y tế cơ sở. Trong khi, quy định về mức định biên này đã áp dụng từ năm 2007 nên “rất thấp”.
“Hôm qua chúng tôi tổ chức phiên giải trình, chính Thứ trưởng Bộ Y tế báo cáo vẫn giai đoạn soạn thảo thông tư để thay thế thông tư liên tịch từ năm 2007, chưa được ban hành do chưa thống nhất được với Bộ Nội vụ”, ông Tùng nêu thực tế.
Vì vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung nội dung này vào báo cáo của Ban dân nguyện tháng 7 để có đề xuất cụ thể.
Cùng mối quan tâm, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cũng băn khoăn khi mức thu nhập của giáo viên mầm non cũng rất thấp. Do hiện nay tình hình dịch bệnh đã lắng xuống, ông kiến nghị tới đây phải tập trung thực hiện chính sách cải cách tiền lương, giải quyết cho cán bộ công chức viên chức, đặc biệt đối tượng đang nhận mức lương thấp hiện nay.
“Cô giáo mầm non giờ đi ra ngoài làm việc ở doanh nghiệp rồi, bây giờ muốn thu hút để họ quay trở lại đi dạy rất khó vì lương giáo viên mầm non thấp hơn rất nhiều”, ông Vinh nêu thực tế.
Theo ông, việc cải cách tiền lương hoãn do khó khăn từ dịch bệnh, đến thời điểm này cũng đã lắng xuống rồi. Vì vậy, bây giờ phải tập trung thực hiện cải cách tiền lương để giải quyết vấn đề thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức”, ông Vinh nói.
Cải cách theo hướng nào?
Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu xây dựng các nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa ký một loạt văn bản gửi đoàn Đại biểu Quốc hội một số tỉnh, thành trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, trong đó có đoàn Tp.HCM và Hà Nội.
Cử tri Tp.HCM đề nghị quan tâm về chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức nói chung, nhất là chế độ tiền lương cho ngành y tế và giáo dục nói riêng vì hiện nay chế độ lương vẫn còn thấp.
Trả lời, Bộ Nội vụ cho biết, viên chức ngành y tế và giáo dục ngoài việc được áp dụng chế độ tiền lương, phụ cấp theo chế độ tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập như viên chức nói chung còn được áp dụng chế độ phụ cấp đặc thù, chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề.
Để đảm bảo không thiếu hụt nguồn nhân lực trong ngành y tế, Bộ Y tế đang xây dựng, trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56/2011 cho phù hợp Kết luận số 25 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 38 của Chính phủ về chương trình phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng áp dụng mức phụ cấp ưu đãi nghề 100% đối với cán bộ y tế dự phòng, y tế cơ sở.
Đối với ngành giáo dục được áp dụng chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập, chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo.
Chế độ tiền lương, phụ cấp hiện hành được thực hiện từ tháng 10/2004 đến nay, mặc dù đã được điều chỉnh, bổ sung nhiều lần nhưng tiền lương, thu nhập và đời sống của cán bộ, công chức, viên chức nói chung và của viên chức ngành y tế, giáo dục nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn.
Căn cứ Nghị quyết số 27/2018 của Hội nghị Trung ương 7, Khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp và Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương mới, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu xây dựng các nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới.
Đồng thời căn cứ tình hình kinh tế - xã hội, khả năng ngân sách năm 2022 và những năm tiếp theo, trình Chính phủ báo cáo Trung ương và Quốc hội thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương để tăng lương cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang (trong đó có đội ngũ y tế và giáo viên), bảo đảm phù hợp với yêu cầu tại Nghị quyết số 27.
Về cải cách chính sách tiền lương đối với người lao động trong khu vực doanh nghiệp và chế độ bảo hiểm xã hội một lần, Bộ Nội vụ cho biết, Nghị định số 38/2022 quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, trong đó đã quy định mức lương tối thiểu tháng và mức lương tối thiểu giờ áp dụng từ ngày 1/7 vừa qua.
Cụ thể, mức lương tối thiểu vùng: Vùng I là 4.680.000 đồng/tháng; Vùng II là 4.160.000 đồng/tháng; Vùng III là 3.640.000 đồng/tháng, Vùng IV là 3.250.000 đồng/tháng. Tính bình quân 4 vùng là 3.932.500 đồng/tháng (tăng khoảng 6%).
Về mức lương tối thiểu giờ theo vùng: Vùng I là 22.500 đồng/giờ; Vùng II là 20.000 đồng/giờ; Vùng III là 17.500 đồng/giờ, Vùng IV là 15.600 đồng/giờ.
Để hạn chế “chảy máu chất xám”, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu xây dựng các nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới, trình cấp có thẩm quyền thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương để tăng lương cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang (trong đó có đội ngũ giáo viên) và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố.
Trúc Chi (t/h theo Lao Động, Vietnamnet, Tiền Phong)