Dữ liệu do Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) công bố trong báo cáo ngũ cốc toàn cầu hàng tháng trong tháng 5 cho thấy, nhập khẩu gạo của Philippines được dự đoán còn tăng cao hơn trong năm tới do tiêu dùng tiếp tục tăng trưởng. Khối lượng nhập khẩu sẽ đạt mức cao kỷ lục nhờ vào “sự tăng trưởng dân số và du lịch tăng lên”, trong khi đó, sản lượng gạo trong nước ba tháng đầu năm giảm. Các nguồn nhập khẩu gạo tới Philippines hiện chủ yếu đến từ Việt Nam.
Theo Tham tán Thương mại Việt Nam tại Philippines Phùng Văn Thành, gạo là mặt hàng xuất khẩu chủ lực tạo nên vị thế vững chắc của Việt Nam tại thị trường này. Trước đây, Việt Nam cạnh tranh cùng Thái Lan trở thành hai đối tác xuất khẩu gạo lớn cho Philippines. Nhưng kể từ năm 2019, sau khi Philippines thực hiện chính sách mở cửa, tự do hóa nhập khẩu và thương mại, gạo Việt Nam trở thành nhà cung ứng quan trọng, chiếm vị thế số 1 xuất khẩu gạo vào Philippines.
Đánh giá các lợi thế gạo của Việt Nam tại thị trường Philippines, ông Phùng Văn Thành cho biết: “Nhiều doanh nghiệp gạo Việt Nam đã có quan hệ bạn hàng lâu năm với các nhà nhập khẩu gạo của Philippines, tạo được uy tín, lòng tin trong xuất khẩu gạo với các bạn hàng Philippines. Hai là gạo của Việt Nam có phẩm cấp chất lượng vừa phải, đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng Philippines, từ số lượng lớn dân số có thu nhập trung bình và thấp đến các tầng lớp giàu có, giá cả cạnh tranh. Thứ 3 là nguồn cung gạo của Việt Nam ổn định về số lượng và giá cả, có thể đáp ứng được nhu cầu nhập khẩu hàng năm của Philippines”.
Tham tán Thương mại Việt Nam tại Philippines Phùng Văn Thành cho rằng, để có những kết quả này là nỗ lực không nhỏ của Việt Nam nhưng dư địa vẫn còn để Việt Nam tiếp tục khai thác gia tăng kim ngạch xuất khẩu gạo vào Philippines, duy trì vị thế số 1 tại thị trường Philippines.
"Trước hết là tiếp tục xây dựng, tạo lập duy trì lòng tin và uy tín đối với các bạn hàng tại thị trường Philippines. Có chiến lược dài hạn nhằm tiếp tục duy trì quan hệ với các bạn hàng truyền thống đang có, đồng thời tìm kiếm cơ hội, mở rộng hợp tác với các đối tác bạn hàng mới. Hai là tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm, không chỉ tập trung xuất khẩu gạo chất lượng cao để phục vụ nhu cầu tầng lớp tiêu dùng có thu nhập cao mà cần quan tâm mở rộng hướng tới đối tượng có thu nhập thấp và trung bình. Ba là tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương, Thương vụ Việt Nam tại Philippines để tuyên truyền quảng bá cho các sản phẩm của Việt Nam, trong đó có sản phẩm gạo tại thị trường Philippines", ông Phùng Văn Thành nêu ý kiến.
Về nước xuất khẩu gạo, Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết, Ấn Độ được dự đoán vẫn là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới bất chấp các hạn chế thương mại, với xuất khẩu dự kiến đạt 18 triệu tấn, tương đương khoảng 1/3 tổng khối lượng xuất khẩu toàn cầu. Xuất khẩu tăng do sản lượng vụ mùa lớn hơn và lượng dự trữ dồi dào, sẽ phần nào bù đắp sự sụt giảm từ các nhà xuất khẩu lớn khác như Việt Nam, Thái Lan, Pakistan và Myanmar.