*Dưới đây là lời chia sẻ của Rebecca Chamaa đang sống tại miền Nam California (Mỹ):
Thị trường chứng khoán gần đây đã chứng kiến vô số giai đoạn tăng trưởng kỷ lục. Đối với nhiều người, chứng khoán đã và đang mang lại lợi nhuận hơn các khoản đầu tư an toàn khác.
Tuy nhiên, điều đó không phải lúc nào cũng đúng với tôi - một người chơi chứng khoán lâu năm. Tôi là kiểu người không thể chịu được việc bỏ lỡ phiếu giảm giá ở cửa hàng tạp hoá chỉ để tiết kiệm chút tiền nhỏ khi mua sữa hoặc pho mát. Vì vậy hãy thử tưởng tượng xem tôi sẽ cảm thấy thế nào về nguy cơ mất tài sản lớn khi bỏ lỡ cơ hội đem tiền vào chứng khoán khi thị trường tăng trưởng mạnh.
Đáng tiếc, tôi đã thua cuộc đau đớn trên thị trường này đến 2 lần. Tôi đã thử và thất bại trong việc nghiên cứu thị trường, mua cổ phiếu riêng lẻ mà không sự hướng dẫn bài bản từ chuyên gia. Và sau đây là câu chuyện của tôi.
Thất bại đầu tiên: Không có kiến thức vẫn đem hết tiền all in vào chứng khoán
Trong thời kỳ bong bóng thị trường vào khoảng năm 1995 - 2000, dường như xung quanh tôi ai cũng đều có thể trở thành triệu phú nếu đầu tư chứng khoán.
Đứng bên lề cuộc chơi, tôi tự hỏi liệu mình có thể kiếm được thêm một ít tiền mặt từ khoản đầu tư này hay không? Một số người bạn của tôi đã từ bỏ công việc văn phòng từ 9h sáng đến 5 chiều, để tham gia các giao dịch trong ngày của thị trường chứng khoán và dường như đang có mức tăng trưởng tốt. Tham gia vào thị trường ngay lúc này, dường như là một sự đánh cược chắc chắn và dễ dàng sinh lời.
Ảnh minh hoạ
Cuối cùng, tôi đã bước vào thị trường, trong khi không biết gì về báo cáo tài chính hay bất kỳ điều nào khác để đánh giá về tiềm năng của cổ phiếu. Tôi lấy hết tiền tiết kiệm và mua cổ phiếu của những công ty mà tôi biết, hoặc công ty còn mới đối với tôi. Chiến lược của tôi lúc bấy giờ không khác gì cứ cầm phi tiêu lên và ném bừa vào bảng, cùng với niềm kỳ vọng một ngày nào đó chúng sẽ đến đích và tôi sẽ trở nên giàu có.
Tôi bắt đầu đầu tư chứng khoán vào khoảng cuối năm 1999, và thị trường lúc này không khác biệt là bao so với thời điểm chứng khoán lao dốc tự do và chạm đáy vào tháng 10/2022. Phần lớn các công ty tôi mua cổ phiếu đều phá sản. Cứ như thế, tôi chứng kiến tất cả tiền tiết kiệm của mình biến mất.
Thất bại thứ hai: Tôi tiếp tục mua cổ phiếu với kỳ vọng làm giàu và lại thua lỗ
15 năm sau, thị trường chứng khoán xuất hiện các dấu hiệu đã phục hồi sau đợt suy giảm mạnh. Một lần nữa, ban đầu tôi lại chỉ đứng ngoài cuộc chơi. Cho đến khoảng năm 2019, khi thấy thị trường "tươi sáng" trở lại, tôi lại mang tiền đi đầu tư. Lần này, tôi mang một số tiền từ tài khoản hưu trí vào các cổ phiếu.
Tôi đoán là bạn có thể đoán được tình hình đầu tư của tôi diễn ra như thế nào. Đại dịch Covid-19 ập đến, thị trường lại sụt giảm mạnh và các khoản đầu tư của tôi bị ảnh hưởng nặng nề. Rất may, thời gian phục hồi của đợt suy thoái này ngắn hơn nhiều so với thời điểm bong bóng thị trường trước đó.
Ảnh minh hoạ
Tôi học được gì sau 2 lần đầu tư thua lỗ?
Khi tôi nhìn vào thị trường trong những tuần gần đây và chứng kiến mức tăng trưởng cao hơn bao giờ hết, tôi lại muốn nhảy vào đầu tư nhưng không thể chấp nhận bản thân sẽ thua lỗ lần thứ 3. Lần thứ nhất, tôi đã mắc sai lầm khi dùng hết tiền tiết kiệm của mình để vào thị trường, trong khi lần thứ hai, tôi dùng tiền từ quỹ hưu trí. Để tránh bản thân mất tất cả, lần đầu tư thứ ba, tôi chỉ dùng tiền còn lại từ lần đầu tư thất bại thứ 2.
Bên cạnh đó, tôi muốn vào thị trường như một nhà đầu tư hiểu biết và thực hiện những khoản giao dịch sinh lời cao nhất bằng tiền của mình. Lần đầu tư này, tôi không muốn vào thị trường mà không có sự nghiên cứu và kiến thức chuyên môn của các nhà môi giới. Tôi đã chứng minh với bản thân rằng tôi không có đủ khả năng để tự kiếm tiền từcổ phiếu, nhưng điều đó không có nghĩa là một chuyên gia không có.
Vì vậy, khác với những lần đầu tư trước đó, tôi đang tham gia thị trường với một cố vấn tài chính. Ngẫm lại giai đoạn đầu tư trước đó, có lẽ nếu có sự đồng hành của chuyên gia, tôi có thể cưỡi lên được cơn sóng thị trường và nghỉ hưu sớm, chứ không đau đớn vì các lần mất tiền vô ích.
Nguồn: BI