Sau khi được cấp phép xuất khẩu chính ngạch, giá sầu riêng đã tăng gấp rưỡi, từ 50.000 đồng lên khoảng 70.000 - 75.000 đồng/kg. Tham gia đợt xuất khẩu đầu tiên này, cả nước có 8 đơn vị, mỗi đơn vị đăng ký xuất khẩu từ 60 - 100 tấn.
Tại 1 trong 4 cơ sở đóng gói được cấp mã số xuất khẩu sầu riêng chính ngạch của tỉnh Đắk Lắk, những quả sầu riêng ở 23 vùng trồng được cấp mã số đang được chuyên chở về đây để gia công, đóng gói.
Quả sầu riêng khi về cơ sở đóng gói còn được phân loại đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu, đó là: có mã số vùng trồng, trọng lượng khoảng 3 kg mỗi quả và đảm bảo kiểm dịch thực vật, an toàn vệ sinh thực phẩm. Mỗi quả sầu riêng cần được dán tem truy xuất nguồn gốc bao gồm tên cơ sở đóng gói, phải được thể hiện bằng tiếng Trung hoặc tiếng Anh để dễ đánh giá.
Thu hoạch sầu riêng ở huyện Krông Pắk, Đắk Lắk. (Ảnh: TTXVN)
Sầu riêng sang Trung Quốc không thể sử dụng chất bảo quản. Do vậy trái cây này cần được bảo quản ở nhiệt độ mát mẻ. Do vậy, hầu hết nhà xưởng ngoài phòng lạnh còn trang bị quạt công suất lớn để quạt mát cho trái sầu riêng. Trái sầu riêng được đóng gói trong thùng carton có lỗ thoáng khí, như vậy sẽ không bị va đập, hư hại hoặc chín quá nhanh.
Các container vận chuyển sầu riêng phải mất 2 ngày đường bộ để có thể đến cửa khẩu Hữu Nghị. Nếu như trước đây sầu riêng phải đi đường biên mậu, đến các tỉnh như Vân Nam, Quảng Tây, hoặc phải qua trung gian là quốc gia Thái Lan mới có thể thâm nhập vào thị trường Trung Quốc, thì nay sầu riêng có thể theo đường chính ngạch đến với nhiều tỉnh và thành phố hơn. Điều này mở ra cơ hội thâm nhập sâu và rộng hơn cho trái sầu riêng Đắk Lắk nói riêng và Việt Nam nói chung vào thị trường Trung Quốc.
Lô xuất khẩu sẩu riêng đạt tiêu chuẩn để xuất khẩu sẽ mở ra nhiều cơ hội cho những lô hàng tiếp theo, nhưng quan trọng là làm sao duy trì được chất lượng lâu dài, nâng cao được sức cạnh tranh với những quốc gia khác trong khu vực như Thái Lan, Indonesia...