[Liên hoàn game VND-IPA-PTI] Bài 2: "Phép tính" thập kỷ ở PTI

Admin

VNDirect từng ủng hộ sự tham gia của DB Insurance tại PTI nhưng khi thế và lực của VNDirect lớn hơn, sự hiện diện của cổ đông ngoại không được chào đón như trước.

Tham vọng hiện diện tại PTI của nhóm VNDirect

Trung tuần tháng 12/2021, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) đấu giá 18,22 triệu cổ phần, tương đương 22,67% vốn Tổng công ty CP Bảo hiểm Bưu điện (PTI) với giá khởi điểm 47.310 đồng/CP.

Danh sách nhà đầu tư đăng ký mua gồm 4 cá nhân trong nước (đăng ký mua 31,8 triệu CP) và 1 tổ chức nước ngoài (đăng ký mua trọn lô 18,22 triệu CP).

Kết quả là 3 cá nhân trong nước đã mua trọn lô cổ phần trên, với giá đấu thành công từ 66.000-82.000 đồng/CP, giá trúng bình quân 77.341 đồng/CP, cao hơn tới 62% so với giá khởi điểm. VNPost theo đó thu về 1.409 tỷ đồng trong thương vụ trên.

Tài chính - Ngân hàng - [Liên hoàn game VND-IPA-PTI] Bài 2: 'Phép tính' thập kỷ ở PTI

VNPost theo đó thu về 1.409 tỷ đồng trong thương vụ thoái vốn khỏi PTI hồi cuối năm 2021, nhưng bên trúng đấu giá lại gây bất ngờ cho giới đầu tư.

Kết quả đấu giá phần nào gây bất ngờ cho giới đầu tư, bởi cổ đông ngoại DB Insurance trước đó được đánh giá là bên có động lực lớn nhất thâu tóm PTI.

Nhà đầu tư Hàn Quốc trở thành cổ đông chiến lược, sở hữu hơn 37% cổ phần PTI sau khi bỏ ra hơn 1.077 tỷ đồng mua 30 triệu cổ phần PTI vào đầu năm 2015, tương đương mức định giá 35.912 đồng/CP. Ngay trước thềm VNPost thoái vốn, DB Insurance cũng là cổ đông lớn nhất tại PTI.

ĐHĐCĐ thường niên (AGM) năm 2020 cũng đã thông qua nghị quyết nâng "room" ngoại tại PTI từ 49% lên 100%. Nếu mua thành công lô cổ phần của VNPost, DB Insurance sẽ nâng tỉ lệ sở hữu tại PTI lên xấp xỉ 60%, tiến gần tới mức chi phối công ty bảo hiểm này.

Tuy nhiên, việc 3 cổ đông cá nhân chi bạo để trúng trọn lô của VNPT cho thấy tại PTI, còn đó một "tay chơi" còn khát khao hơn cả DB Insurance.

Tay chơi đó, không ai khác, là nhóm VNDirect. Không lâu sau đợt đấu giá, PTI ngày 10/3/2022 đã tổ chức ĐHĐCĐ bất thường (EGM) để miễn nhiệm 2 thành viên HĐQT của VNPost, bầu thay thế bổ sung 3 cái tên khác từ nhóm VNDirect, là nữ tướng Phạm Minh Hương - Chủ tịch HĐQT VNDirect và các bà Vũ Nam Hương, Đỗ Thanh Hương.

3 đại diện này được đề cử bởi nhóm cổ đông sở hữu 34 triệu cổ phiếu, tương đương 42,33% cổ phần PTI, gồm VNDirect (16,44%), Công ty TNHH MTV Quản lý quỹ Đầu tư chứng khoán I.P.A (3,22%), bà Hoàng Thị Minh Phương (9,89%), bà Vũ Thị Thư (9,89%) và bà Hoàng Thị Vân (2,89%).

Trong số này, bà Hoàng Thị Minh Phương và bà Vũ Thị Thư ngay trước đó vừa công bố trở thành cổ đông lớn của PTI, và nếu cộng với số cổ phần của bà Hoàng Thị Vân, thì vừa tròn lô cổ phần đấu giá của VNPost. Theo nguồn tin của Người Đưa Tin, cả 3 cá nhân trên đều là nhân viên trong hệ thống VNDirect.

Ngay sau EGM 2022, bà Phạm Minh Hương đã được bầu làm Chủ tịch HĐQT PTI từ ngày 10/3/2022.

Tài chính - Ngân hàng - [Liên hoàn game VND-IPA-PTI] Bài 2: 'Phép tính' thập kỷ ở PTI (Hình 2).

Bà Phạm Minh Hương - Chủ tịch VNDirect được bầu làm Chủ tịch HĐQT PTI từ ngày 10/3/2022

10 năm "cơm lành canh ngọt"?

Bà Hương cùng chồng - ông Vũ Hiền là bộ đôi doanh nhân có đẳng cấp hàng đầu trên thị trường tài chính Việt Nam. Đáng nói là, không phải tới thời điểm hiện tại, mà hơn 10 năm trước, PTI nói riêng và mảng bảo hiểm nói chung đã xuất hiện trong chiến lược dài hạn của nhà chủ VNDirect.

Cụ thể, VNDirect bắt đầu trở thành cổ đông lớn của PTI từ cuối năm 2012, sau khi mua 5,46 triệu cổ phần, tương đương tỷ lệ 10,83%. Trước đó, nên biết, công ty chứng khoán này chính là tổ chức tư vấn niêm yết cho PTI vào cuối năm 2010.

Nhóm VNDirect tiếp tục mua gom cổ phần PTI từ các cổ đông thoái vốn như VIB, Vinaconex, và đạt tỉ lệ sở hữu cao nhất là 18,68% vào giữa năm 2017.

Bà Phạm Minh Hương từng có thời gian dài ngồi ghế Uỷ viên HĐQT PTI, từ tháng 4/2013 - tháng 6/2020.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2013, ban lãnh đạo PTI khi đó cho biết trên thị trường xuất hiện một số nhà đầu tư thu gom cổ phiếu PTI. "Trước tình hình đó, HĐQT và Ban TGĐ đã quyết tâm mời bà Hương song hành cùng PTI và Bưu điện Việt Nam. Việc bà Hương đầu tư vào PTI có sự đồng thuận giữa lãnh đạo cấp cao của Bưu điện Việt Nam và PTI trong một thời gian dài", đại diện lãnh đạo PTI chia sẻ với cổ đông.

Mối quan hệ giữa nhóm VNDirect và các cổ đông lớn khác tại PTI các năm sau đó khá thuận hoà. Bà Minh Hương giai đoạn 2014-2016 thường xuyên tham gia vào Đoàn Chủ tịch tại các AGM. Tại AGM 2015, VNDirect thậm chí đã đề cử "hộ" 1 Thành viên HĐQT và 1 Thành viên BKS cho nhóm DB Insurance, khi đó chưa đủ điều kiện tự đề cử.

Tuy nhiên, những khác biệt giữa các nhóm cổ đông, không khó để thấy đã bắt đầu manh nha xuất hiện.

Kể từ năm 2017, bà Phạm Minh Hương không còn tham gia Đoàn Chủ tịch tại các AGM, và cũng thường xuyên vắng mặt trong các cuộc họp của HĐQT PTI. Cũng tại AGM 2017, nhóm cổ đông VNDirect bắt đầu đưa ra chất vấn về kết quả kinh doanh suy giảm, và không tán thành với tờ trình danh sách đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính do HĐQT trình.

Tại AGM 2020, bà Nguyễn Hồ Nga, đại diện cổ đông VNDirect đã phản đối tờ trình nâng room ngoại từ 49% lên 100%. "Lý do Ban điều hành đưa ra chưa thuyết phục, từ khi có cổ đông nước ngoài, chưa thấy dấu ấn cổ đông nước ngoài trong quá trình phát triển của PTI", vị này nói, nhấn mạnh: "Khi có cổ đông nước ngoài chi phối, chúng tôi rất lo lắng về định hướng kinh doanh của PTI trong thời gian tới".

Bà Hồ Nga từng có 2 tháng ngồi ghế Chủ tịch PTI thời hậu đổi chủ, trước khi nhường lại cho bà Phạm Minh Hương vào đầu tháng 3/2022, như đã biết.

Tại EGM ngày 10/3/2022, 2 đại diện của nhóm VNDirect là ông Điêu Ngọc Tuấn và ông Nguyễn Vũ Long đứng đại diện cho hơn 39,6 triệu cổ phiếu, tương đương xấp xỉ một nửa vốn điều lệ của PTI. Bởi vậy, không loại trừ khả năng nhóm VNDirect đã mua gom từ các cổ đông nhỏ lẻ để hoàn tất sở hữu quá bán PTI.

Tuy nhiên, kể cả trong trường hợp này, cuộc chơi không hẳn đã nằm hoàn toàn trong tay nhóm VNDirect.

Tài chính - Ngân hàng - [Liên hoàn game VND-IPA-PTI] Bài 2: 'Phép tính' thập kỷ ở PTI (Hình 3).

2 đại diện của nhóm VNDirect là ông Điêu Ngọc Tuấn và ông Nguyễn Vũ Long đứng đại diện cho hơn 39,6 triệu cổ phiếu, tương đương xấp xỉ một nửa vốn điều lệ của PTI. (Ảnh minh họa) 

Quyền phủ quyết nằm trong tay cổ đông ngoại

Điều lệ hiện hành của PTI quy định tỉ lệ cổ phần tối thiểu thông qua nghị quyết ĐHĐCĐ là 65%, một số trường hợp là 75%. Cổ đông ngoại DB Insurance nắm tới hơn 37%, do vậy có quyền phủ quyết rất lớn tại PTI.

Ở ví dụ điển hình, tại AGM 2022 vào ngày 28/4/2022, cổ đông ngoại này đã dễ dàng phủ quyết 3 tờ trình tăng vốn do HĐQT PTI mà đứng đầu là Chủ tịch Phạm Minh Hương đề xuất.

Theo đó, HĐQT PTI đề xuất tăng mạnh vốn điều lệ gấp 3,2 lần, từ 804 tỷ đồng lên 2.573 tỷ đồng, thông qua phát hành từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỉ lệ 120%, phát hành mới cho cổ đông hiện hữu tỉ lệ 1:1, giá 10.000 đồng/CP. Ngoài ra còn phát hành cổ phiếu ưu đãi ESOP tỉ lệ 2%.

Cả 3 tờ trình này đều chỉ có tỉ lệ biểu quyết từ 51-56% trên tổng số cổ phần tham dự Đại hội, thấp hơn tỉ lệ tối thiểu 65%, và do vậy đều không được thông qua. 

Theo HĐQT PTI, công ty này hiện đứng thứ 3 về quy mô doanh thu nhưng chỉ xếp thứ 9 về vốn điều lệ ở Việt Nam. Việc tăng vốn bởi vậy là cấp thiết nhằm gia tăng năng lực và nâng cao vị thế của công ty.

Về phần mình, DB Insurance là công ty bảo hiểm hàng đầu Hàn Quốc. Ở một thị trường có mức độ minh bạch cao như Hàn Quốc, mục tiêu lớn hơn cả của hãng bảo hiểm này tại PTI, có lẽ sẽ là hưởng cổ tức tiền mặt đều đặn, hơn là mải mê đuổi theo các game tăng vốn mà họ còn không phải là nhân vật chính.

Còn với VNDirect, thế và lực của nhà chủ công ty chứng khoán này hiện đã rất khác. Tổng tài sản của VNDirect tới cuối quý I/2022 là 42.690 tỷ đồng, với IPA Group là 9.440 tỷ đồng, lần lượt gấp 15 lần và 5 lần so với cuối năm 2014 - năm họ "gật đầu" để DB Insurance vào PTI.

Với VNDirect, nhà đầu tư đến từ Đông Bắc Á, đo đó khó lòng là đối tác đồng hành lâu dài tại PTI. Một mức giá hai bên chấp nhận được để kiểm soát trọn vẹn PTI, có chăng là phương án mà nhà chủ VNDirect đang ưu tiên hơn cả.

Trong các game M&A, chi phối không chỉ dừng lại ở khả năng toàn quyền phát triển doanh nghiệp theo ý mình, mà là dư địa để bù đắp chi phí đầu tư. Ở thương vụ PTI, ngoại trừ lô 18% đã mua cách đây 10 năm, thì áp lực tài chính từ sau khi bỏ ra 1.400 tỷ đồng mua 22% cổ phần từ VNPost là không hề nhỏ.

AGM 2022 vừa qua của IPA, như đã đề cập ở kỳ trước, đã thông qua phương án phát hành cổ phần tăng vốn, trong đó 1.600 tỷ đồng được dùng để mua cổ phần PTI. Với cơ cấu cổ đông hiện tại, nếu không phải mua lại từ DB Insurance, thì không bất ngờ nếu IPA sẽ nhận lại lô cổ phần từ các cổ đông cá nhân đã mua đấu giá từ VNPost.

Xem thêm: [Liên hoàn game VND-IPA-PTI] Bài 1: Thấy gì từ đại hội đồng cổ đông của IPA?

>>> Kỳ tiếp: "Nghệ thuật" buôn tiền nhìn từ Truslink

Hoa Liên