Lai Châu muốn xây sân bay tổng vốn đầu tư 8.000 tỉ đồng

Admin

(NLĐO)- UBND tỉnh Lai Châu cho biết hiện nay có một số nhà đầu tư đang quan tâm nghiên cứu đầu tư xây dựng sân bay Lai Châu theo hình thức PPP.

UBND tỉnh Lai Châu vừa có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xin đầu tư xây dựng Cảng hàng không Lai Châu theo hình thức đối tác công tư (PPP) và giao cho tỉnh này làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền để triển khai thực hiện Dự án.

Trước đó, sân bay Lai Châu đã được Thủ tướng xác định trong Quy hoạch phát triển GTVT hàng không tại Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 23-2-2018.

Cụ thể, sân bay Lai Châu được định hướng đến giai đoạn 2030 là sân bay dân dụng cấp 3C và sân bay quân sự cấp III; công suất 0,5 triệu hành khách /năm; diện tích sử dụng đất là 167 ha, với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 8.000 tỉ đồng, địa điểm đầu tư tại thị trấn Tân Uyên, tỉnh Lai Châu.

Tại Tờ trình số 13833/TTr-BGTVT ngày 24-12-2021 của Bộ GTVT về việc phê duyệt điều chỉnh tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được Thủ tướng Chính phủ xem xét, trong giai đoạn 2030, sân bay Lai Châu tiếp tục định hướng đầu tư với công suất thiết kế dự kiến 0,5 triệu hành khách/năm, diện tích đất dự kiến 117,09 ha, ước chi phí đầu tư theo quy hoạch khoảng 4.350 tỉ đồng, địa điểm đầu tư tại thị trấn Tân Uyên, tỉnh Lai Châu.

UBND tỉnh Lai Châu nhấn mạnh Dự án Cảng hàng không Lai Châu được xác định là dự án động lực quan trọng, có vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lai Châu; góp phần đảm bảo quốc phòng an ninh trong công tác tuần tra, kiểm soát các vùng biên giới; phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn; đồng thời là dự án động lực quan trọng của tỉnh Lai Châu cần đầu tư giai đoạn 2021-2025, nhằm tạo điều kiện để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lai Châu. Tỉnh Lai Châu đã nhiều lần đề xuất với các lãnh đạo Đảng và Nhà nước và được ghi nhận ở nhiều văn bản.

Tỉnh Lai Châu cũng đã chủ động ưu tiên nguồn lực địa phương thực hiện công tác quy hoạch sử dụng đất và giải phóng mặt bằng để thu hút các nhà đầu tư quan tâm đầu tư xây dựng sân bay Lai Châu. Hiện nay có một số nhà đầu tư đang quan tâm nghiên cứu đầu tư xây dựng sân bay Lai Châu theo hình thức PPP.

Vì vậy, để đảm bảo cơ sở pháp lý và thuận lợi trong quá trình thực hiện công tác cắm mốc quy hoạch sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, triển khai thực hiện dự án; tận dụng nguồn lực sẵn có của địa phương như quỹ đất sạch, hạ tầng kết nối... và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư sớm hoàn thiện thủ tục đầu tư, UBND tỉnh Lai Châu đề nghị Thủ tướng xem xét, chấp thuận chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng sân bay Lai Châu theo hình thức PPP.

UBND tỉnh Lai Châu xin làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền để triển khai thực hiện Dự án và cam kết triển khai thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo chất lượng và tiến độ.

Trước đó, UBND tỉnh Sơn La cũng trình Thủ tướng cho phép đầu tư xây dựng Cảng hàng không Nà Sản theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT và giao UBND tỉnh Sơn La là cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án.

Theo quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt, đến năm 2030 sân bay Nà Sản đạt công suất 1 triệu hành khách/năm. Trong đề án quy hoạch tổng thể hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, công suất đến năm 2030 của sân bay này là 1 triệu khách/năm, tầm nhìn đến 2050 là 2 triệu khách/năm.

Ngày 18-5-2021, Công ty cổ phần Him Lam thủ đô đã có văn bản gửi UBND tỉnh Sơn La đề nghị được nghiên cứu, lập đề xuất đầu tư sân bay Nà Sản theo phương thức PPP.

UBND tỉnh Sơn La cho biết để đầu tư sân bay Nà Sản giai đoạn 1 đạt công suất 1 triệu hành khách và 350 tấn hàng hóa/năm cần khoảng 2.560 tỉ đồng. Tổng mức đầu tư giai đoạn 2: mở rộng sân đỗ máy bay, nhà ga nâng công suất lên 2 triệu hành khách/năm là khoảng 468 tỉ đồng. Giai đoạn 1, tỉnh Sơn La cam kết bố trí khoảng 450 tỉ đồng; Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam bố trí khoảng 180 tỉ đồng; nhà đầu tư huy động 1.930 tỉ đồng. Còn vốn giai đoạn 2 do nhà đầu tư huy động toàn bộ.