KTS Đoàn Thanh Hà mang 'nhà tre nổi' Việt đến bảo tàng Hàn Quốc

Admin

Lựa chọn hạnh phúc khác biệt, vị KTS này hướng tới những công trình kiến trúc dành cho cộng đồng, đặc biệt quan tâm tới cộng đồng dễ bị tổn thương.

 KTS Đoàn Thanh Hà mang nhà tre nổi Việt đến bảo tàng Hàn Quốc  - Ảnh 1.

Là kiến trúc sư Việt Nam duy nhất tham gia triển lãm đặc biệt "Đi trên mây" tại Bảo tàng Nghệ thuật Leeum (Leeum museum of Art), Hàn Quốc, anh Đoàn Thanh Hà (43 tuổi, Hà Nội) đã mang đến tác phẩm "Nhà tre nổi" (Floating bamboo house). Đây là một công trình nhà 3 gian dành cho người dân ở đồng bằng sông Cửu Long được anh phác thảo từ năm 2015.

Anh chia sẻ về thời gian thực hiện tác phẩm: "Tôi làm thực tế công trình ở Quốc Oai, Hà Nội trong tháng 5, sau đó tháo dời các bộ phận đưa vào container chuyển sang Hàn Quốc. Đến cuối tháng 7, nhóm chúng tôi, bao gồm 3 kiến trúc sư và 1 kĩ sư, có mặt ở Bảo tàng Leeum và tập trung cao độ để lắp lại cấu trúc này trong vòng 6 ngày."

Năm 2021, KTS Đoàn Thanh Hà từng nhận lời tham dự Triển lãm Kiến trúc và đô thị lưỡng niên Seoul 2021 do Thành phố Seoul tổ chức; tới năm nay, anh tiếp tục nhận được lời mời từ giám tuyển June Young Kwak của Bảo tàng nghệ thuật Leeum.

Chia sẻ về chủ đề năm nay, anh giải thích "đám mây" ám chỉ đến khí hậu, trí tưởng tượng và các siêu liên kết và cũng là một phép ẩn dụ cho môi trường văn hóa - xã hội mới của thế kỷ 21, đóng vai trò như một nền tảng ảo để chia sẻ vượt qua các ranh giới địa chính trị hiện tại. Triển lãm diễn ra từ 2/9/2022 đến 8/1/2023, tập hợp 24 nghệ sĩ nổi bật ở châu Á (Kengo Kuma, Kazuya Katagiri, Samson Young...).

Về tác phẩm của mình, anh Hà tiết lộ nhà tre nổi được dựng lên từ những thanh tầm vông/tre (d=3-4,5cm) dài 3m và 6m, liên kết bằng chốt và dây buộc. Ngôi nhà nổi trên mặt nước nhờ hệ thống thùng phuy bằng nhựa buộc vào dưới sàn. Trong số này có một số thùng để dự trữ nước ngọt hoặc bể tự hoại. Mái lợp bằng vật liệu nhẹ như lá, nylon, tôn...

 KTS Đoàn Thanh Hà mang nhà tre nổi Việt đến bảo tàng Hàn Quốc  - Ảnh 2.
 KTS Đoàn Thanh Hà mang nhà tre nổi Việt đến bảo tàng Hàn Quốc  - Ảnh 3.

"Tôi tin ngôi nhà sẽ giúp cho hàng triệu gia đình nghèo có thể sớm tạo dựng được chỗ ở ổn định và an toàn, thích ứng với kịch bản xấu nhất của biến đổi khí hậu ở Việt Nam là nước biển sẽ dần cao 1m: khiến 40% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, 10% diện tích đồng bằng sông Hồng sẽ bị ngập nước, ảnh hưởng trực tiếp đến 20-30 triệu người dân. Tôi dùng cây guột (thuộc nhóm họ dương xỉ) để làm mái và tường bao, phía trước là những chai nhựa tái sử dụng", vị KTS chia sẻ.

Trên thế giới có tới 300 triệu tấn rác thải nhựa (nặng tương đương trọng lượng của toàn bộ dân số toàn cầu) bị thải ra môi trường hàng năm, ở Việt Nam là 1,8 triệu tấn và là một trong 5 quốc gia thải nhiều rác nhựa ra đại dương nhất thế giới. Bởi vậy, anh Hà đặt hi vọng vào tác phẩm lần này sẽ góp phần nâng cao ý thức của người dân không sử dụng những vật dụng bằng nhựa mà cần thay thế bằng những vật liệu thân thiện môi trường khác.

Hiện tại, anh Hà và những người bạn của mình đang trong quá trình hoàn thành ngôi nhà thử nghiệm ở huyện Phú Xuyên, Hà Nội, dự kiến sau ngày 2/10, ngôi nhà sẽ được đưa xuống nước để kiểm tra độ hiệu quả. Trong vòng 1 tháng thực hiện, nhóm của anh đã thay đổi các cách bố trí chức năng và những vật liệu bao che khác với hi vọng mô hình này sẽ sớm được áp dụng trong cuộc sống thực tế sau này.

 KTS Đoàn Thanh Hà mang nhà tre nổi Việt đến bảo tàng Hàn Quốc  - Ảnh 4.
 KTS Đoàn Thanh Hà mang nhà tre nổi Việt đến bảo tàng Hàn Quốc  - Ảnh 5.
 KTS Đoàn Thanh Hà mang nhà tre nổi Việt đến bảo tàng Hàn Quốc  - Ảnh 6.

KTS Đoàn Thanh Hà không ngại tiết lộ bản thân theo đuổi lối kiến trúc vị dân sinh đã hơn 10 năm. Theo lời giải thích của anh, kiến trúc vị nhân sinh gắn với những không gian "của dân, do dân, vì dân", hướng tới mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội, bù đắp những khoảng trống và khoảng tối mà kiến trúc chính thống thường bỏ qua vì không mang lại lợi ích cho nhà đầu tư hay nhà quản lý.

Trái ngược với nhiều KTS thường muốn gắn tên tuổi mình với những công trình hoành tráng, hiện đại, anh Hà lại hướng mình tới việc dùng những tác phẩm của mình để cải thiện cuộc sống con người tốt hơn. Anh cho hay bản thân thường quan tâm tới cộng đồng dễ bị tổn thương, thua thiệt về điều kiện kinh tế, vị thế xã hội thấp, những nhu cầu tối thiểu chưa được đáp ứng.

Bởi vậy, anh tự gán cho mình và những tác phẩm của mình mang theo sứ mệnh vị dân sinh, tức là đáp ứng các hoạt động sống thiết thực của người dân, cải thiện chất lượng sống và bù đắp những thiệt thòi về kinh tế, văn hóa và xã hội cho người dân. Đối với anh, một tác phẩm kiến trúc đẹp xuất phát từ đúng nhu cầu và đáp ứng đúng đối tượng.

 KTS Đoàn Thanh Hà mang nhà tre nổi Việt đến bảo tàng Hàn Quốc  - Ảnh 7.

"Kiến trúc chỉ trở thành kiến trúc đúng nghĩa khi nó có đời sống riêng và "sống" trong mối quan hệ chặt chẽ giữa con người – môi trường tự nhiên – môi trường xã hội. Kiến trúc hàm chứa trong nó cả nghệ thuật và khoa học. Một tác phẩm kiến trúc ra đời luôn cần phản ánh thực tiễn xã hội hôm nay, thậm chí kiến trúc cần đi trước hiện thực cuộc sống một bước và tác động tích cực để cải thiện hiện thực ấy.

Kiến trúc cổ Việt Nam, tuy khác biệt về nội dung (chức năng, con người, quy mô), nhưng lại giống về cấu trúc và biểu hiện (kiến trúc gỗ định hình) và đấy là điều khiến tôi đề xuất cấu trúc tối thiểu đa năng (nhà tre nổi) này dành cho số đông người dân trong thời kỳ hiện nay. Tôi luôn tìm thấy nguồn cảm hứng dồi dào để làm kiến trúc từ hiện thực cuộc sống", anh Hà bộc bạch.

 KTS Đoàn Thanh Hà mang nhà tre nổi Việt đến bảo tàng Hàn Quốc  - Ảnh 8.

Bên cạnh đó, triết lí kiến trúc vị dân sinh của anh Hà còn được bộc lộ qua các tiêu chí trong hành động, đó là: không cưỡng đoạt tự nhiên, không mang (quá nhiều) vật liệu từ nơi khác đến và ưu tiên nhân công là người của địa phương. Nhấn mạnh về triết lí này, anh giải thích thêm: "Tôi cũng không nhớ chính xác về lúc hình thành quan điểm trên, có thể nó hình thành một cách tự nhiên trong tôi như sống thì phải thở vậy. Một khi đã sử dụng hiệu quả vật liệu có sẵn ở địa phương, chắc chắn khi ấy kiến trúc của bạn sẽ có độ nhận diện đặc trưng, và góp phần mở rộng biên kiến trúc mà bạn theo đuổi.

Sử dụng sáng tạo và đổi mới vật liệu địa phương là một trong những con đường ngắn nhất góp phần kiến tạo nên những cấu trúc đặc thù, có danh tính, gắn chặt với bối cảnh. Tôi thích những vật liệu có nguồn gốc nguyên thuỷ, như cây, như đất - những vật liệu mà nền văn hóa nào cũng có nhưng lại rất khác nhau. Ngoài ra, tôi cũng rất quan tâm vật liệu tái sử dụng. Kiến trúc nên có trách nhiệm với môi trường tự nhiên và môi trường văn hóa - xã hội một phần là vì thế."

 KTS Đoàn Thanh Hà mang nhà tre nổi Việt đến bảo tàng Hàn Quốc  - Ảnh 9.

Tôn trọng quan điểm "kiến trúc chính là thiên nhiên", nhưng anh Hà vẫn nhận xét, một tác phẩm nghệ thuật thường sẽ kết nối trực tiếp tới cảm xúc của người xem, đổi lại, một tác phẩm kiến trúc lại kết nối trễ hơn vì vẫn "bị xét" qua "bộ lọc" của công năng. Với anh, kiến trúc đem lại cảm xúc tích cực cho con người chắc chắn đẹp. Và muốn kiến trúc có cảm xúc, người thiết kế phải liên tục đổi mới tư duy.