Kinh tế TPHCM: 'Nạc đã dùng, chỉ còn xương'...

Admin

"Có lẽ trong quý I phần thịt nạc đã dùng rồi, nay còn phần xương, nên rất cần tập trung giải quyết”, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nói như vậy tại cuộc họp về tình hình kinh tế xã hội 4 tháng đầu năm và nhiệm vụ những tháng tiếp theo của TPHCM, chiều 3/5.

Ông Phan Văn Mãi cho biết, trong tháng 4, thành phố tiếp tục đà tăng trưởng của quý 1, tuy nhiên có những dấu hiệu chậm lại và có biểu hiện khó khăn. Kết quả giải ngân đầu tư công sau nước rút về đích cuối năm, tháng 4 giải ngân đầu tư công rất thấp. Việc giải quyết các vướng mắc cho doanh nghiệp cũng chậm lại, đạt kết quả thấp hơn. “Có lẽ trong quý I phần thịt nạc đã dùng rồi, nay còn phần xương, nên rất cần tập trung giải quyết”, ông Mãi nói.

Kinh tế TPHCM: 'Nạc đã dùng, chỉ còn xương'...- Ảnh 1.

TPHCM sẽ tổ chức các đợt khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng thúc đẩy phát triển kinh tế. Ảnh: Vân Sơn

Theo báo cáo của Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Lê Thị Huỳnh Mai, chỉ số quản trị mua hàng trong tháng 4 tăng hơn 52 điểm, kinh tế có phát triển nhưng chưa có cú hích đủ mạnh. Hoạt động sản xuất công nghiệp đơn hàng đang quay lại, tuy nhiên phần lớn là đơn hàng ngắn trong khi giá nguyên vật liệu đầu vào tăng nên biên độ lợi nhuận của doanh nghiệp sụt giảm. Sản xuất công nghiệp tháng 4 của thành phố tăng 5,1% thấp hơn cả nước (cả nước tăng 6%).

Theo Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi , sự phục hồi của thị trường và doanh nghiệp đang còn nhiều khó khăn. Trong các tháng còn lại của năm 2024, thành phố không thể chủ quan. “Các sở ngành, doanh nghiệp cần nghiêm túc đánh giá, tháo gỡ khó khăn, phối hợp tốt hơn, không để chững lại các hoạt động chuyên môn. Mỗi đồng chí đứng đầu các sở ngành cần phân tích những điểm hợp lý để phát huy, những điểm lo sợ thái quá cần khắc phục để tạo động lực phát triển kinh tế thành phố”, ông Phan Văn Mãi yêu cầu.

Trong tháng 4, thành phố đón khoảng 1,8 triệu lượt khách du lịch quốc tế, khách lưu trú tăng 57,3%, nhưng doanh thu ăn uống tăng thấp. Theo báo cáo của Sở Du lịch, tuy lượng khách quốc tế tăng nhưng khách nội địa đến thành phố lại ở mức thấp do giá vé máy bay trong nước tăng cao khiến nhu cầu đi lại và du lịch giảm.

Bên cạnh khó khăn về hoạt động sản xuất, Sở Kế hoạch Đầu tư cho biết, tình hình lạm phát đang có xu hướng gia tăng qua các tháng. Thu ngân sách tăng nhưng nguồn thu từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm hơn 17%. Chi ngân sách thường xuyên trong tháng 4 giảm 13,3%, nguy cơ ảnh hưởng đến tăng trưởng của quý 2.

Vấn đề dịch chuyển của dòng tiền trong các hoạt động tín dụng đã tăng trở lại đạt mức 9,6%. Nhu cầu vay vốn tăng trở lại, dự báo lãi suất sẽ tăng trong thời gian tới. Hiện thị trường bất động sản có xu hướng phục hồi nhưng giá vàng liên tục tăng cao nên khó đưa dòng tiền vào hoạt động sản xuất.

Cần những cú hích

Để kinh tế TPHCM phát triển tích cực trong thời gian tới, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM cho rằng, thành phố cần có những cú hích bằng các giải pháp chú trọng tiêu dùng nội địa, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, sớm đưa các công trình mới vào hoạt động để tạo động lực cho sự tăng trưởng. Thành phố cần đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ các gói hỗ trợ thuế phí, tăng cường công tác tuyên truyền vận động để định hướng cho người dân, doanh nghiệp trong phát triển kinh tế. Cần có giải pháp liên kết vùng để kiểm soát tốt các vấn đề liên quan đến hợp tác phát triển kinh tế giữa các địa phương.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương cho rằng, dù bán buôn, bán lẻ đang tăng ở mức 2 con số nhưng thị trường nội địa cần tiếp tục kích cầu. Các mô hình bình ổn thị trường, khuyến mãi tập trung cần huy động những doanh nghiệp lớn, hạn chế tăng giá, giảm chi phí, giữ giá ổn định phục vụ thị trường, ngăn chặn lạm phát. Dự kiến từ ngày 15/6 đến 15/7, thành phố sẽ triển khai đợt khuyến mãi tập trung để kích cầu tiêu dùng.