Khuyến cáo của ngành y tế Bình Thuận về ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm

Admin

Từ vụ ngộ độc do ăn bánh mì ở Đồng Nai, PV Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Nguyễn Văn Thành, Trưởng Phòng An toàn thực phẩm, Sở Y tế Bình Thuận.

NĐT: Thưa ông, từ vụ ngộ độc thực phẩm hàng trăm người mắc do ăn bánh mì ở Đồng Nai và một số tỉnh, thành phố khác… Bình Thuận có khu du lịch quốc gia, ngành y tế làm gì để phòng chống ngộ độc ATTP cho du khách và người dân?

Ông Nguyễn Văn Thành: Từ vụ ngộ độc thực phẩm hàng trăm người mắc do ăn bánh mì ở Đồng Nai và một số tỉnh, thành phố khác… Bình Thuận lấy đó làm bài học để rút kinh nghiệm trong công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm tại địa phương. Hàng năm Sở Y tế đã xây dựng phương án phòng, chống ngộ độc ngay từ đầu năm.

Mặt khác, trong các đợt cao điểm như lễ, hội, Tết... có sự tập trung đông người, và đặc biệt Bình Thuận là trung tâm du lịch Quốc gia, khách du lịch đến rất đông trong dịp Tết Nguyên Đán, dịp lễ 30/4 và 01/5… chúng tôi có tăng cường phối hợp công tác tuyên truyền phòng chống ngộ độc thực phẩm dưới nhiều hình thức cho nhiều nhóm đối tượng từ cơ quan quản lý các cấp, người sản xuất chế biến cho đến người tiêu dùng…

Đối với Trung tâm Y tế và bệnh viện, Sở Y tế chỉ đạo tăng cường triển khai các hoạt động giám sát ngộ độc thực phẩm; xây dựng kế hoạch chi tiết, tổ chức thường trực về nhân lực, phương tiện, trang thiết bị, phương án và tổ chức trực chuyên môn 24/24 giờ trong những ngày nghỉ lễ, tết để kịp thời cấp cứu và điều trị, điều tra, xử lý, khắc phục hậu quả, giảm thiểu ảnh hưởng khi xảy ra sự cố về an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm trên địa bàn.

Sức khỏe - Khuyến cáo của ngành y tế Bình Thuận về ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm

Du lịch Bình Thuận đang phát triển mạnh mẽ vì vậy việc phổ biến kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm là rất cần thiết. Ảnh: Đắc Phú 

Đồng thời tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật, kiến thức về an toàn thực phẩm và các biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm cho các đối tượng là cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố, các khu du lịch, lễ hội tại địa phương.

Trong đó tập trung: hướng dẫn thực hiện tốt 10 nguyên tắc vàng khi chế biến thực phẩm, cách lựa chọn, chế biến, bảo quản thực phẩm an toàn nhất là trong thời tiết nắng nóng như hiện nay; yêu cầu các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố tuân thủ các quy định về ATTP.

Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống cần chú ý các biện pháp bảo quản thực phẩm sống và chín, tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm thực phẩm, nguyên liệu không rõ nguồn gốc, hết hạn sử dụng, kém chất lượng, không an toàn, các sản phẩm đóng hộp đã hết hạn sử dụng, bị biến dạng, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị lạ, màu sắc thay đổi khác thường.

Không nên tự đóng gói kín các thực phẩm, để kéo dài trong điều kiện không đông đá tạo điều kiện cho vi khuẩn hiếm khí phát triển… Thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất như Trạm Y tế, Trung tâm Y tế huyện, các bệnh viện, Sở Y tế khi có sự cố về an toàn thực phẩm hoặc nghi ngờ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại đơn vị để kịp thời điều tra, xử lý.

Sức khỏe - Khuyến cáo của ngành y tế Bình Thuận về ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm (Hình 2).

Bác sĩ Nguyễn Văn Thành, Trưởng Phòng An toàn thực phẩm (Sở Y tế Bình Thuận)

NĐT: Ngành y tế có khuyến cáo gì với người dân để tránh ngộ độc thực phẩm, nhất là trong thời gian nắng nóng này?

Ông Nguyễn Văn Thành: Thời tiết nắng nóng làm cơ thể ra nhiều mồ hôi, gây mất nước và chất điện giải dễ dẫn đến mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa. Đồng thời nắng nóng làm cho thức ăn, thực phẩm dễ bị ôi thiu, biến chất, dễ nhiễm nấm và vi khuẩn là nguyên nhân gây bệnh ở đường tiêu hóa. Trong khi đó nhiều người có thói quen xử lý thực phẩm hoặc nấu ăn không đúng cách hoặc bảo quản chưa đúng, thức ăn để bên ngoài không khí nóng quá lâu…

Để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm cũng như các biến chứng nguy hiểm, chúng tôi khuyến cáo người dân cần chọn lựa thực phẩm an toàn, bảo quản thực phẩm đúng cách, giữ vệ sinh trong khi chế biến và ăn uống hợp vệ sinh bằng nguyên tắc ăn chín uống sôi. Chọn những thực phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, còn hạn sử dụng.

Không chọn những thực phẩm nhiễm bị ôi thiu, biến chất, không có nguồn gốc hoặc các loại thực phẩm chứa độc như nấm lạ, khoai tây mọc mầm, cá nóc... Với thực phẩm cần bảo quản lạnh thì giữ nhiệt độ khoảng 5 độ C và thực phẩm bảo quản nóng cần duy trì nhiệt độ trên 60 độ C.

Nếu thực phẩm đã chế biến để nhiệt độ phòng thì nên dùng trong 1 giờ, đối với thực phẩm thừa cần làm nóng trước khi sử dụng... Khi có sự cố về an toàn thực phẩm hoặc nghi ngờ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại đơn vị và người dân cần thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất như Trạm Y tế, Trung tâm Y tế huyện, các bệnh viện, Sở Y tế... để kịp thời điều tra, xử lý, hạn chế số mắc và tỷ lệ tử vong.

NĐT: Xin cảm ơn ông!