Khởi đầu phát triển đường sắt đô thị

Admin

Các đại biểu tin tưởng khi chính thức đi vào hoạt động, tuyến metro số 1 sẽ giúp TP HCM tháo gỡ nhiều vấn đề trong phát triển đô thị.

Sáng 26-4, TP HCM tổ chức các chuyến trải nghiệm toàn tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Những vị khách tham dự buổi trải nghiệm này là lãnh đạo các cơ quan đại diện nước ngoài tại TP HCM; đại diện lãnh đạo các cơ quan báo chí trên địa bàn thành phố và đặc biệt là các cựu chiến binh Điện Biên Phủ.

Khởi đầu phát triển đường sắt đô thị- Ảnh 1.

Hành khách trải nghiệm chuyến chạy thử nghiệm toàn tuyến của metro số 1. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Đón những vị khách đặc biệt

Trước khi tàu chạy, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường đã giới thiệu về dự án tuyến metro số 1 với các đại biểu tham dự. Sự kiện chạy trải nghiệm toàn tuyến metro số 1 lần này càng thêm ý nghĩa khi được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 138 năm ngày Quốc tế Lao động.

Ông Cường cũng tin rằng những trải nghiệm trên tuyến metro số 1 sẽ giúp các đại biểu hiểu hơn về định hướng phát triển giao thông trong tương lai của TP HCM. Buổi trải nghiệm là dịp đặc biệt vì TP HCM mong muốn lắng nghe đóng góp ý kiến từ các đại biểu. Qua đó, hoàn thiện hơn trải nghiệm của hành khách khi di chuyển trên tuyến metro số 1.

Theo ông Cường, TP HCM đang chuẩn bị để đưa tuyến metro số 1 vào vận hành, khởi công tuyến metro số 2. Bên cạnh đó là tập trung hoàn thiện đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị của TP HCM cơ bản hoàn thành vào năm 2035. Ông Cường cho biết đây là giai đoạn mà TP HCM đang rất cần những hỗ trợ kỹ thuật để góp phần nâng cao năng lực cho đội ngũ lái tàu, vận hành các nhà ga. Do đó, ông mong Tổng Lãnh sự của các nước tại TP HCM sẽ giúp kết nối thành phố với các đối tác quốc tế để tuyến metro số 1 được vận hành hiệu quả với các tiêu chuẩn quốc tế.

Ông Agustaviano Sofjan, Tổng Lãnh sự Indonesia tại TP HCM, cho biết rất vui khi tuyến metro số 1 của TP HCM đã gần về đích. Metro số 1 là công trình rất quan trọng, mang lại nhiều lợi ích cho người dân và du khách khi đến với TP HCM. Trong tương lai, tuyến metro số 1 đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của TP HCM. Đây cũng là loại hình giao thông công cộng thân thiện với môi trường. "Các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á có thể học hỏi từ những kinh nghiệm trong việc xây dựng metro số 1 của TP HCM để áp dụng cho đất nước mình" - ông Agustaviano Sofjan nói.

Tham gia chuyến trải nghiệm, ông Kho Ngee Seng Roy, Tổng Lãnh sự Singapore tại TP HCM, cảm nhận chuyến đi rất êm ái và thoải mái. Sau khi được khai thác toàn diện, tuyến metro số 1 sẽ làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt đô thị tại TP HCM. Tuyến metro số 1 không chỉ giúp việc di chuyển của người dân thuận tiện mà sẽ còn giải quyết tình trạng ách tắc giao thông vốn đang là vấn đề nhức nhối tại TP HCM.

Cựu chiến binh Điện Biên Phủ Trần Quang Triệu (nguyên Phó Tư lệnh Quân đoàn 4) cảm nhận tuyến metro số 1 phản ánh quá trình phát triển kinh tế của đất nước, nhất là của TP HCM. Theo ông, khi tuyến metro số 1 chính thức đi vào phục vụ người dân sẽ giải quyết được tình trạng kẹt xe. Đời sống của người dân cũng được nâng cao theo hướng văn minh, hiện đại hơn. Ông cũng mong muốn trong tương lai, TP HCM sẽ có thêm nhiều tuyến metro để người dân được sử dụng loại phương tiện giao thông công cộng hiện đại này.

Khởi đầu phát triển đường sắt đô thị- Ảnh 2.

Lần đầu chạy tự động

Theo ông Nguyễn Quốc Hiển, Phó trưởng Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP HCM (MAUR), ở lần chạy tàu này, các đoàn tàu metro số 1 được chuẩn bị và vận hành hoàn toàn theo chế độ tự động ATO/ATP. Việc thử nghiệm chạy tàu ở chế độ ATO/ATP nhằm hoàn thiện, tích hợp lần cuối các hệ thống như: hệ thống tín hiệu, cửa chắn ke ga, thông tin…

Ông Hiển cũng cho biết song song với quá trình thử nghiệm, công tác đào tạo thực hành các nhân viên cũng đang được tiến hành. Sau khi hoàn thành công tác đào tạo thực hành, dự án tuyến metro số 1 sẽ chuyển sang giai đoạn vận hành thử trong thời gian khoảng 2 tháng trước khi đưa vào vận hành chính thức vào quý IV năm nay. Thời gian qua cho thấy nhu cầu phát triển mô hình TOD (Phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng sức chở lớn và tốc độ nhanh) đã xuất hiện. Đang có nhiều khu TOD hiện hữu dọc theo các tuyến metro số 1, xung quanh các nhà ga ở quận 1, Bình Thạnh và TP Thủ Đức. Cụ thể là đã hình thành nên các khu cao ốc, cao tầng để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận đến các nhà ga thuận lợi. "Việc phát triển TOD gắn với đường sắt đô thị là một sự tích hợp, hỗ trợ cho nhau để giải quyết bài toán về chỉnh trang đô thị, vấn đề mỹ quan, phát triển, tạo nguồn lực cho hạ tầng đô thị" - ông Hiển nói.

Phó trưởng MAUR cho biết sau khi Quốc hội cho phép triển khai Nghị quyết 98 thì TP HCM đã rất tích cực triển khai mô hình TOD. Hiện nay, TP HCM cũng đã lập ban chỉ đạo, tổ công tác do Sở Quy hoạch Kiến trúc chủ trì. Các đơn vị này sẽ phối hợp với sở, ngành, địa phương thực hiện quy hoạch lại kết hợp với chỉnh trang đô thị tại khu vực xung quanh các nhà ga và dọc theo các tuyến metro. "Trong tương lai, tất cả những khu vực xung quanh các nhà ga sẽ được điều chỉnh quy hoạch, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân tiếp cận đến các nhà ga. TOD là một xu thế chung, bắt buộc và tự thân trong quá trình phát triển đô thị" - ông Hiển nhấn mạnh.

Ông Yoon Chang-woo - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM), Tổng Giám đốc POSCO Việt Nam - nhìn nhận: "Sự kiện chạy thử tự động toàn tuyến metro số 1 là bước phát triển rất tích cực của TP HCM. Mặc dù ở Hàn Quốc tôi đã nhiều lần di chuyển bằng tàu điện ngầm nhưng tôi rất ấn tượng với sự thoải mái và tiện lợi của tuyến metro số 1. Tôi tin rằng đây là một cột mốc đáng nhớ, ghi nhận về tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và người hưởng lợi to lớn này chính là người dân TP HCM".

Cũng theo ông Yoon Chang-woo, cơ sở hạ tầng mới là yếu tố hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Ông hy vọng POSCO Việt Nam và các doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ coi tuyến metro số 1 là điểm cộng lớn để tiếp tục mở rộng đầu tư vào các ngành công nghiệp Việt Nam. Ông cho biết rất ấn tượng khi metro số 1 có nhiều ga ở trên cao, khác xa so với đất nước của ông. "Điều này sẽ giúp hành khách có thể thưởng ngoạn phong cảnh thành phố. Đây cũng sẽ là yếu tố tích cực cho khách du lịch khi đến thăm Việt Nam" - ông Yoon Chang-woo nói. 

Giá vé chỉ từ 12.000 đồng

Theo quy hoạch, TP HCM sẽ có 8 tuyến metro. Bao gồm các tuyến metro số 1, 2, 3a, 3b, 4, 4b, 5 và 6. Đến nay, MAUR đã triển khai xây dựng tuyến metro số 1 và các công tác chuẩn bị khởi công tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương). Các tuyến metro còn lại đang kêu gọi đầu tư.

Metro số 1 là tuyến tàu điện ngầm đầu tiên của TP HCM, có tổng chiều dài 19,7 km. Đây là dự án hạ tầng đô thị lớn nhất trong lịch sử phát triển của TP HCM từ trước đến nay. Tổng mức đầu tư của dự án là 43.757,15 tỉ đồng (sử dụng nguồn vốn vay từ JICA). Đến nay, tổng khối lượng thực hiện của dự án tuyến metro số 1 đạt 98,12%.

Dự kiến thời gian khai thác hằng ngày bắt đầu lúc 5 giờ và kết thúc lúc 23 giờ 30 phút. Tần suất hoạt động giờ cao điểm là 4 - 5 phút/chuyến, tần suất hoạt động giờ thấp điểm 10 - 15 phút/chuyến. Giá vé lượt đang đề xuất cho tuyến metro số 1 với mức thấp nhất là 12.000 đồng, cao nhất 18.000 đồng. Giá vé ngày là 40.000 đồng, 3 ngày là 90.000 đồng và 1 tháng là 260.000 đồng.

34 tuyến xe buýt kết nối với metro số 1

Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP HCM, dự kiến có 34 tuyến xe buýt được kết nối vào metro số 1. Trong đó, có 14 tuyến hiện hữu sẽ điều chỉnh kết nối vào và mở mới 20 tuyến trên địa bàn TP HCM. Các tuyến mới đề xuất gom khách cho metro số 1 có các tuyến liên tỉnh đi qua Bình Dương, Đồng Nai và các tuyến kết nối với trường học, khu đô thị...

Từ tháng 7-2024, trung tâm tổ chức kết nối xe buýt vào tuyến metro số 1 bảo đảm phục vụ công tác vận hành tuyến. Sau này, khi hạ tầng giao thông hoàn thiện, trung tâm sẽ tiếp tục nghiên cứu, chuẩn bị mở thêm tuyến xe buýt dọc hành lang metro số 1 để phục vụ người dân đi lại thuận tiện, nhanh chóng.

T.Hồng