Khen thưởng ê kíp y bác sĩ hồi sinh sự sống cho cậu bé 15 tuổi

Admin

UBND Tp.HCM vừa trao bằng khen cho ê kíp y bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2, đã hồi sinh sự sống cho bệnh nhi 15 tuổi từ tạng của cô gái 26 tuổi bị tai nạn lao động.

Khen thưởng 20 y bác sĩ trong ê kíp ghép thận

Ngày 17/9, tại Bệnh viện Nhi đồng 2, UBND Tp.HCM cùng Sở Y tế tổ chức khen thưởng ê kíp y bác sĩ đã ghép thành công thận cho bé trai 15 tuổi. 

Cụ thể, Chủ tịch UBND Tp.HCM Phan Văn Mãi trao bằng khen cho tập thể Bệnh viện Nhi đồng 2 và 20 cá nhân vì có thành tích xuất sắc thực hiện ca phẫu thuật ghép thận thành công cho bệnh nhi 15 tuổi từ người hiến chết não tại bệnh viện.

Chủ tịch UBND Tp.HCM gửi lời cảm ơn người hiến tạng và gia đinh đã hiến tạng sau khi người thân qua đời giúp bệnh nhi được ghép thận. Đồng thời, chúc mừng gia đình bệnh nhi được ghép thận và mong muốn em sớm phục hồi sức khỏe, đi học và trưởng thành.

Sự kiện - Khen thưởng ê kíp y bác sĩ hồi sinh sự sống cho cậu bé 15 tuổi

Chủ tịch UBND Tp.HCM trao bằng khen cho y bác sĩ thực hiện phẫu thuật ghép thận cho bệnh nhi 15 tuổi.

Chủ tịch UBND Tp.HCM Phan Văn Mãi mong muốn Bệnh viện Nhi đồng 2 cùng ngành y tế Thành phố này thực hiện mục tiêu phát triển ngành y tế, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân. Trong đó tiếp tục tiếp cận các thành tựu y học tiên tiến nhằm chăm sóc khỏe cho người dân.

"Trong đó, ghép tạng là một lĩnh vực quan trọng cần được đầu tư phát triển. Hiện nay trung tâm ghép tạng của Bệnh viện Nhi đồng 2 vừa khởi công và cố gắng hoàn thành đúng tiến độ vào năm 2025. Song song đó, chúng ta cần chuẩn bị các điều kiện khác để kịp thời vận hành ngay sau khi hoàn thiện”, ông Phan Văn Mãi chia sẻ.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Trịnh Hữu Tùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết: Đây là ca ghép thận thứ 23 được thực hiện tại Bệnh viện Nhi đồng 2 với nguồn tạng được nhận từ Bệnh viện Chợ rẫy.

Bệnh nhi 15 tuổi sinh ra trong một gia đình nghèo ở tỉnh Đồng Nai. Vào một ngày tháng 1/2020, mẹ của em thấy con mình bị phù mặt nên đưa con đến Bệnh viện Đồng Nai và được các bác sĩ chẩn đoán suy thận mạn giai đoạn cuối. 

Sự kiện - Khen thưởng ê kíp y bác sĩ hồi sinh sự sống cho cậu bé 15 tuổi (Hình 2).

Quả thận của bệnh nhi 15 tuổi được nhận từ cô gái 26 tuổi bị tai nạn lao động qua đời tại Bệnh viện Chợ rẫy.

Kể từ đó, một tuần 3 lần, gia đình phải đưa em từ tỉnh Đồng Nai lên Bệnh viện Nhi đồng 2 để chạy thận. Em phải nghỉ học 2 năm nay. Điều bất ngờ gia đinh nhận được tin báo là có nguồn tạng hiến. Hy vọng được ghép thận cho con nhen nhóm lên từ trái tim người mẹ, người cha có con phải chạy thận bắt đầu.

Vào 15h chiều 20/8, Trung tâm Điều phối ghép tạng Bệnh viện Chợ rẫy Tp.HCM có bệnh nhân chết não và hiến thận cho Bệnh viện Nhi đồng 2. Hệ thống báo động đỏ liên viện được kích hoạt, chỉ sau một ngày bệnh nhi đã hoàn thành các xét nghiệm lâm sàng phù hợp để tiến hành ghép thận.

Sự kiện - Khen thưởng ê kíp y bác sĩ hồi sinh sự sống cho cậu bé 15 tuổi (Hình 3).

Bệnh nhi được ghép thận đã có sức khỏe ổn định, (Ảnh: Nguyễn Lành).

Với các ca ghép từ người sống, ê-kíp phẫu thuật thuận lợi hơn qua thăm khám để nhận diện các hình ảnh mạch máu, phục vụ kiểm soát khi lấy và ghép. Còn trường hợp này, ê-kíp phẫu thuật không thể biết trước để phác họa rõ ràng. 

Vậy nên, ngoài quy trình chặt chẽ, việc vận hành các khoa phòng đồng loạt triển khai, yêu cầu ê-kíp phẫu thuật phải thao tác chuẩn xác, kịp thời, nhanh chóng. Kết quả, sau hơn 3 giờ phẫu thuật, ca ghép thận đã thành công.

“Ca ghép này mang tính chất nhân văn lớn vì bệnh nhi được nhận từ người hiến chết não, góp phần tái sinh cuộc sống mới cho bé. Trước đây, ba của bé có dự định hiến thận cho con nhưng tuổi cao, lại là lao động duy nhất trong gia đình. Tất cả gia đình chỉ trông chờ vào đồng lương bảo vệ ít ỏi của người cha nên khi ghép thận cho bé, Phòng Công tác xã hội của bệnh viện đã tích cực vận động hỗ trợ chi phí cho ca mổ", bác sĩ Trịnh Hữu Tùng chia sẻ.

Cũng theo bác sĩ Tùng, trước nay Bệnh viện Nhi đồng 2 thường thực hiện các ca ghép thận ở người cho sống. Nguồn tạng có sự giới hạn, không nhiều bởi người cho là người thân trong gia đình, họ hàng và phụ thuộc vào tính tương thích, điều kiện kinh tế. Đó là trở ngại đối với nhiều gia đình không có điều kiện hoặc người hiến có bệnh lý, trong khi nhu cầu ghép thận ở trẻ em hiện nay nhiều và có chiều hướng tăng.

Sự kiện - Khen thưởng ê kíp y bác sĩ hồi sinh sự sống cho cậu bé 15 tuổi (Hình 4).

Các bác sĩ Bệnh viện Chợ rẫy vận chuyển thận đến Bệnh viện Nhi đồng 2.

Cần sửa luật?

Giáo sư Trần Đông A, Cố vấn chuyên môn Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết: "Một chương trình ghép tạng ghép tạng thành công phải hội tụ đủ 4 yếu tố sau: Thứ nhất là y tế cộng đồng. Thứ hai là 2, y tế kỹ thuật cao ở đây là kỹ thuật ghép tạng. Thứ ba là  pháp luật. Thứ tư là phải được sự ủng hộ xã hội, cộng đồng.

Đối với ca cháu bé 15 tuổi vừa ghép thận tại Bệnh viện Nhi đồng 2, điều may mắn có các mạnh thường quân hỗ trợ kịp thời, đó là điều thuận lợi để chương trình ghép tạng thành công.

Từ 2007, tối đã đề nghị góp ý sửa đổi chính thức ít nhất 20 lần với Quốc hội, khi còn là Đại biểu Quốc hội, với  Vụ pháp chế Bộ y tế về việc điều chỉnh luật ghép tạng. Cụ thể tại điều 5, Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác mà tôi đã góp phần làm nên".

Sự kiện - Khen thưởng ê kíp y bác sĩ hồi sinh sự sống cho cậu bé 15 tuổi (Hình 5).

Giáo sư Trần Đông A, người cố vấn chuyên môn cho Bệnh viện Nhi đồng 2 về các ca ghép tạng góp ý sửa luật. (Ảnh: Nguyễn Lành).

“Chúng tôi đã kiến nghị không dưới 20 lần về việc nên sửa đổi luật về hiến, ghép tạng Việt Nam về độ tuổi được cho phép hiến tạng. Hiện nay, luật mới chỉ cho phép ở người từ 18 tuổi trở lên, trong khi nhiều trường hợp trẻ dưới 18 tuổi bị chết não nhưng không được hiến vì luật. Hy vọng, trong các kỳ họp Quốc hội tới luật về hiến tạng sẽ được thông qua cho phép trẻ dưới 18 tuổi được hiến tạng dưới sự đồng ý của gia đình hoặc người giám hộ", Giáo sư Trần Đông A chia sẻ thêm.

Nguyễn Lành