Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, tiền thân là Ban Đại học Văn khoa - 1 trong 5 ban thuộc Đại học Quốc gia Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập ngày 10/10/1945. Đến ngày 5/6/1956, Chính phủ Việt Nam ra quyết định thành lập Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội trên cơ sở các trường tiền thân (Trong đó có Đại học Văn khoa), trở thành trường đại học khoa học cơ bản đầu tiên tại miền Bắc Việt Nam sau khi hòa bình được lập lại.
Tháng 9/1995, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học KHXH&NV) chính thức được thành lập và trở thành một thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội. Trường có sứ mệnh đi đầu trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao; nghiên cứu, sáng tạo và truyền bá tri thức về khoa học xã hội và nhân văn.
Tháng 10/2019, trường Đại học KHXH&NV quyết định thành lập trường THPT Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn. Đây là trường THPT thứ 4 thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Hiện nay đây cũng là trường chuyên về khoa học xã hội đầu tiên và duy nhất của cả nước.
Trải qua 77 năm truyền thống và 27 năm thành lập, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã ngày càng phát triển lớn mạnh, khẳng định được vị thế và đóng góp to lớn cho nền khoa học và giáo dục Việt Nam, hướng đến trở thành đại học nghiên cứu tiên tiến của khu vực và thế giới.
Trải qua nhiều năm hoạt động, các giảng đường dần nhuốm màu thời gian. Một số tòa nhà đang trong quá trình tu sửa, chỉnh trang lại trước khi vào năm học mới.
Bên trong các phòng học đều rộng rãi, thoáng đãng. Không gian tràn ngập ánh sáng, đầy đủ tiện nghi phục vụ cho công việc giảng dạy và học tập.
Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông còn được trang bị studio hiện đại, có kinh phí lên đến 30 tỷ đồng để phục vụ việc thực hành phát thanh, truyền hình cho sinh viên.
Không gian chủ đạo của trường là màu vàng mang đầy nét hoài cổ. Đây cũng chính là màu sắc làm nên “thương hiệu” những bức hình sống ảo nghìn like.
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn có hội trường lớn với sức chứa hàng trăm chỗ ngồi, là nơi tổ chức các sự kiện lớn nhỏ.
Cầu thang ngoài trời tòa B - C là điểm check-in của biết bao thế hệ trai tài gái sắc nơi đây.
Khuôn viên trường rợp bóng cây xanh, được trang bị rất nhiều bàn ghế giúp thuận tiện cho việc nghỉ ngơi, giải trí của sinh viên sau mỗi giờ học căng thẳng.
Ngôi trường này còn là cái nôi đào tạo ra nhiều nhà lãnh đạo, nhà cách mạng, văn nghệ sĩ nổi tiếng như: Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Nguyên Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học, nghệ thuật Việt Nam Đặng Thai Mai… cùng nhiều thế hệ nhà giáo, nhà báo sẵn sàng xông pha, cống hiến để tiếp nối truyền thống hiếu học, bề dày thành tích của thế hệ trước.