Kamereo - Nền tảng bán buôn thực phẩm do "người cũ" của Pizza 4P's lập ra, vừa huy động thành công 2,1 triệu USD từ một quỹ "đồng hương" Nhật Bản

Admin

Nền tảng bán buôn thực phẩm Kamereo vừa huy động được 2,1 triệu USD ở vòng Pre Series B. Đợt xuống vốn này được dẫn dắt bởi Reazon Holdings – quỹ ‘tân binh’ đến từ nước Nhật. Vì Founder kiêm CEO của Kamereo là người Nhật, nên startup này nhận được nhiều sự hậu thuẫn của các nhà đầu tư đến từ nước Nhật, ở tất cả các vòng gọi vốn.

Mặc dù nền kinh tế thế giới lẫn Việt Nam vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn, nhưng bằng nỗ lực và tiềm năng của mình, startup Kamereo vẫn gọi được 2,1 triệu USD ở vòng Pre Series B. Ngoài sự dẫn dắt của Reazon Holdings, vòng Pre Series B còn có sự góp mặt của Quest Ventures và ông Thoru Yamamoto – Giám đốc Điều hành FOODISON.

Reazon Holdings được thành lập vào năm 2019, có trụ sở tại Tokyo (Nhật Bản) hoạt động trong 4 mảng chính: công nghệ quảng cáo, game, truyền thông, công nghệ thực phẩm và hoạt động đầu tư. Reazon Holdings hiện sở hữu 7 công ty thành viên và 2 chi nhánh hoạt động tại Singapore và Malaysia. Vào tháng 2 vừa qua, họ đã chào sân thị trường Việt Nam với thương vụ đầu tư vào Validus Việt Nam – công ty con của Validus Capital Pte. Ltd. (có trụ sở tại Singapore).

Quest Ventures là nhà đầu tư lớn đến từ Trung Quốc, có danh mục đầu tư phong phú và đa dạng khắp châu Á. Một vài cái tên nổi bật trong danh mục của Quest Ventures đang hoạt động tại Việt Nam có ShopBack và ‘kỳ lân’ Carousell (công ty mẹ của Chợ Tốt). Quest Ventures cũng xuất hiện ở vòng gọi vốn Series A của Kamereo.

FOODISON là công ty chuyên cung ứng hải sản B2B, đã niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Tokyo.

Kamereo được thành lập bởi anh Taku Tanaka năm 2018 và hoạt động chủ yếu ở thị trường TP.HCM và Bình Dương. Trước khi thành lập Kamereo, Taku Tanaka từng đảm nhiệm cương vị COO của chuỗi Pizza 4P’s.

Kamereo là nền tảng thương mại điện tử theo mô hình B2B, kết nối các nhà hàng tới trực tiếp đơn vị cung cấp thực phẩm. Đây cũng là nền tảng phân phối thực phẩm B2B đầu tiên tại Việt Nam dành riêng cho các nhà hàng, khách sạn, quán cà phê…

Vì Founder kiêm CEO của Kamereo là người Nhật, nên startup này nhận được nhiều sự hậu thuẫn của các quỹ đầu tư lẫn các ‘nhà đầu tư thiên thần’ đến từ quê hương kể từ khi thành lập đến nay.

Vào tháng 12/2018, chỉ sau nửa năm thành lập, họ đã nhận được 500.000 USD từ quỹ đầu tư Genesia và quỹ đầu tư Velocity ở vòng hạt giống. Tháng 7/2021, Vào 2021, Kamereo tiếp tục huy động thành công 4,6 triệu USD ở vòng Series A từ Tập đoàn CPF, Quest Ventures và Genesia Ventures. Genesia Ventures là quỹ đầu tư giai đoạn sớm đến từ ‘xứ sở hoa anh đào’.

Kamereo - Nền tảng bán buôn thực phẩm do

Các sản phẩm đang được kinh doanh trên nền tảng Kamereo

"Gọi vốn luôn là một công việc đầy thách thức với các startup dù ở bất cứ giai đoạn nào. Kể từ 2022 đến nay, thị trường vốn khá ảm đạm bởi tâm lý cẩn trọng nói chung của các nhà đầu tư, nên có rất ít thương vụ mới. Tuy nhiên, chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào tiềm năng của thị trường, sự thành công trong tương lai với chuỗi cung ứng thực phẩm mà chúng tôi đã xây dựng và phát triển.

Thật may mắn, là chúng tôi đã tìm thấy những nhà đầu tư khả dĩ, những người cùng chia sẻ tầm nhìn dài hạn trong thị trường với Kamereo, cũng như tin vào khả năng của đội ngũ có thể thực hiện được điều đó", anh Taku Tanaka bộc bạch.

Cũng theo anh Taku, mục tiêu của Kamereo trong vòng gọi vốn Series B là có thể kêu gọi được 7 triệu USD.

Như rất nhiều startup khác, Kamereo đã gặp rất nhiều khó khăn trong giai đoạn cao trào Covid-19, khi các nhà hàng/quán ăn/trường học… phải đóng cửa phục vụ công tác chống dịch. Để sinh tồn, họ đã phải mở thêm mảng bán lẻ thực phẩm B2C - không phải lĩnh vực kinh doanh cốt lõi.

Năm 2019, Kamereo có 120 tài khoản nhà cung cấp, gần 200 tài khoản đối tác đăng ký. Hiện tại, theo tiết lộ của CEO Taku, họ đã có gần 3.000 khách hàng hoạt động thường xuyên và tệp khách hàng của họ mở rộng ra các chuỗi siêu thị, trường học, bệnh viện, nhà máy và canteen… Tuy nhiên, sau hơn 5 năm hoạt động ở Việt Nam, họ vẫn chưa thể mở rộng quy mô ra thị trường miền Bắc.