Hy hữu người đàn ông bị tắc túi phình mạch chủ được cứu sống kịp thời

Admin

Ngày 5/3, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn đã cứu sống trường hợp bệnh nhân bị tắc túi phình mạch chủ, chuyển từ Campuchia qua.

Theo Ths.BS. Phạm Định Chương, Đơn vị Đột quỵ, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn cho biết, vừa qua, bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn đã can thiệp thành công cho ông P.P. (58 tuổi, người Campuchia).

Ông P. nhập viện trong tình trạng đau đầu dữ dội, buồn nôn, không xảy ra tình trạng yếu liệt tay chân. Theo chia sẻ của người thân, ông có tiền sử bệnh huyết áp nhưng không điều trị thường xuyên. Khi gia đình đang dùng cơm tối thì ông P. khởi phát các triệu chứng nói trên.

Tại bệnh viện địa phương, các bác sĩ đã tiến hành chụp CT scan sọ não, phát hiện tình trạng vỡ túi phình động mạch cảnh trong trái, chẩn đoán xuất huyết dưới nhện và tư vấn người bệnh chuyển đến bệnh viện ở Thái Lan để thực hiện can thiệp tắc túi phình, nhưng ông P. và gia đình quyết định sang Việt Nam và thực hiện can thiệp tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn.

Kết quả chụp lại CT scan sọ não Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn cho thấy, máu trong khoang dưới nhện đã hấp thu một phần, túi phình động mạch cảnh trong trái kích thước lớn, nhiều thuỳ, bờ không đều và có nhú vỡ. Các bác sĩ đánh giá hình thái túi phình của ông P. có nguy cơ tái vỡ rất cao, cần thực hiện tắc túi phình càng sớm càng tốt.

Sức khỏe - Hy hữu người đàn ông bị tắc túi phình mạch chủ được cứu sống kịp thời

Bệnh nhân phục hồi nhanh chóng sau khi cấp cứu.

Nhận được sự đồng thuận từ phía gia đình, ông P. được chuyển vào Phòng DSA để thực hiện can thiệp.

Ths.BS. Phạm Định Chương, Đơn vị Đột quỵ - Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn cho biết: “Với trường hợp của ông P., kết quả chụp DSA cho thấy túi phình có những đặc điểm tái vỡ rất cao với kích thước 5.2x4.5mm, đường kích cổ 3.2mm. Ngoài ra, còn có 1 túi phình kích thước nhỏ nằm ngay sát túi phình vỡ. Do đó, chúng tôi đã sử dụng một vi ống thông (microcatheter) đưa vào túi phình lớn, qua vi ống thông, chúng tôi tiến hành thả tổng cộng 7 coils (các vòng xoắn kim loại) vào trong túi phình, để tắc hoàn toàn túi phình. Hình ảnh DSA sau can thiệp cho thấy, túi phình đã được can thiệp tắc hoàn toàn, bảo tồn các mạch máu phía trên. Thời gian can thiệp cho trường hợp này chỉ khoảng 1 giờ”.

Sau can thiệp, người bệnh phục hồi tốt, tỉnh táo, giảm đau đầu, không yếu liệt tay chân, có thể vận động đi lại, sinh hoạt bình thường. Ông P. được xuất viện sớm với tổng thời gian nằm viện chỉ hơn 2 ngày. Người bệnh được cho toa thuốc về tiếp tục điều trị tại nhà và hẹn nhập viện chụp DSA kiểm tra lại túi phình sau 3 tháng.

Cũng theo BS. Chương, xuất huyết dưới nhện có các triệu chứng khá điển hình như: đau đầu đột ngột dữ dội (đau đầu sét đánh), nôn ói, buồn nôn, nhìn mờ, cứng cổ, yếu liệt tay chân, lơ mơ, hôn mê, và có những trường hợp nặng có thể tử vong trước khi đến bệnh viện.

Người bệnh xuất huyết dưới nhện do vỡ túi phình mạch não cần phải điều trị tắc túi phình sớm nhất có thể bằng các kỹ thuật như: can thiệp thả coil, phẫu thuật kẹp clip túi phình.

Bác sĩ Chương khuyến cáo, người bệnh tăng huyết áp cần phải điều trị thuốc thường xuyên và tái khám theo dõi định kỳ để đảm bảo đạt mục tiêu điều trị.

Đặc biệt, lưu ý khi có các triệu chứng như: đột ngột đau đầu dữ dội, nôn ói, buồn nôn, lơ mơ, yếu liệt tay chân, nói đớ, cần đưa vào bệnh viện gần nhất có quy trình điều trị đột quỵ não chuẩn, có đầy đủ các phương tiện can thiệp nội mạch, phẫu thuật thần kinh và hồi sức tích cực.

Đối với người bệnh có các yếu tố nguy cơ như: hay đau đầu, tăng huyết áp, đái tháo đường, gia đình có người thân bị túi phình mạch máu não, cần có kế hoạch khám, tầm soát, phát hiện sớm và điều trị túi phình mạch não, ngăn ngừa diễn tiến thành biến chứng nặng.

Nguyễn Lành