Huế: Sang nhà hàng xóm chơi, bé gái 7 tuổi bị chó cắn nhập viện

Admin

Trong lúc đi sang nhà hàng xóm chơi, một bé gái trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế đã bất ngờ bị chó dữ cắn phải nhập viện điều trị.

Ngày 5/5, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Thừa Thiên-Huế cho biết, vừa tiếp nhận tiêm huyết thanh kháng dại, vaccine dại cho bé gái 7 tuổi, trú phường An Hoà, Tp.Huế bị chó dữ tấn công.

Theo người nhà, trước đó, vào khoảng 17h ngày 1/5, bé gái kể trên đi qua nhà hàng xóm chơi thì bất ngờ bị chó dữ cắn sâu vào vùng cánh tay.

Phát hiện vụ việc, người nhà cháu bé đã tiến hành băng, cầm máu và đưa bé gái đi cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Huế. Qua thăm khám ban đầu, các bác sĩ tiến hành xử lý, cắt lọc vết thương đồng thời điều trị, phục hồi sức khỏe cho cháu bé sau khi bị mất máu bởi vết cắn sâu.

Ngay sau khi ổn định sức khỏe, cháu bé được gia đình đưa vào CDC Thừa Thiên-Huế và được bác sĩ khám chỉ định tiêm huyết thanh kháng dại, vaccine dại. Hiện tại sức khỏe cháu bé ổn định, được theo dõi điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế và tiếp tục tiêm chủng các mũi vaccine dại theo phác đồ.

BSCKI Phan Thị Hồng Nhạn, Phòng khám Đa khoa (CDC Thừa Thiên-Huế) cho biết, đây là ca bệnh nặng do chó cắn với vết thương khá sâu và phức tạp ở vùng cánh tay, dễ gây nguy hiểm đến tính mạng cho trẻ.

BSCKI Phan Thị Hồng Nhạn thông tin thêm, vết thương ở tay cháu bé rất sâu, do đó chưa tiến hành khâu ngay vì khâu kín sẽ gây yếm khí rất nguy hiểm, phải xử lý, theo dõi sau đó mới khâu lại. Qua sự việc này, phụ huynh cần hướng dẫn trẻ em không chơi đùa với chó lạ và tránh xa vật nuôi để tránh nguy hiểm cho các bé.

Trong khi đó, ThS.BS Ngô Kim Nhã, Phó phòng khám Đa khoa (CDC Thừa Thiên-Huế cho biết, trong nhiều năm qua trên địa bàn tỉnh không có ca tử vong do bệnh dại. Tuy nhiên người đi tiêm phòng dại sau khi bị chó cắn lại tăng cao, ở nhiều lứa tuổi, trong đó nhiều nhất vẫn là trẻ em và người lớn tuổi.

ThS.BS Ngô Kim Nhã khuyến cáo, người bị động vật cắn cần xử trí ban đầu bằng cách rửa vết thương bằng nước sạch và xà phòng trong vòng 15-20 phút. Sau đó, lau khô vết thương, sát khuẩn bằng cồn 70 độ hoặc cồn i ốt. Nếu vết thương rộng, chảy máu nhiều dùng băng gạc băng vết thương lại rồi đến cơ sở y tế gần nhất.

"Những người bị động vật cắn cần đặc biệt lưu ý, thực hiện theo các khuyến cáo của ngành y tế và không được đắp vết thương theo các phương pháp dân gian cũng như không được chích, lể vết thương", ThS.BS Ngô Kim Nhã nói.

Được biết, trong những ngày qua CDC Thừa Thiên-Huế ghi nhận nhiều trường hợp bệnh nhân đến khám do bị chó cắn với vết thương khác phức tạp, bao gồm cả người lớn và trẻ nhỏ, trung bình mỗi ngày tiếp nhận 15-20 người.

Công Định