Một quốc gia phát triển là một quốc gia biết gìn giữ và phát huy lịch sử, văn hoá của mình. Đối với “cái nôi” của văn hoá thế giới như châu Âu, nghệ thuật nhà hát đã là nét đẹp tồn tại hàng trăm năm trong lịch sử của họ.
Không chỉ sở hữu kiến trúc nguy nga, tráng lệ và bề dày lịch sử, các nhà hát opera còn là nơi chứa đựng tinh hoa nghệ thuật cũng như là cầu nối mang lại nhiều giá trị lớn lao vượt xa định kiến “công trình kiến trúc” đơn thuần.
Nhà hát opera mang lại nhiều giá trị lớn lao cho các quốc gia.
Những “thánh đường nghệ thuật” mang tính biểu tượng
Mỗi thành phố hay quốc gia trên thế giới đều sở hữu một biểu tượng. Trong số đó, nhiều nhà hát nổi danh đã trở thành niềm tự hào cũng như gương mặt đại diện cho một điểm đến.
Sydney Opera House tại Úc
Nhắc đến nước Úc, người ta chẳng thể nghĩ đến công trình văn hoá nào ấn tượng hơn kiệt tác kiến trúc hiện đại của thế kỷ 20 - nhà hát Con Sò Opera Sydney. Đến với thành phố Milan (Italy), trung tâm văn hoá của lục địa già, không khó để nhận thấy nhà hát Teatro alla Scala là niềm tự hào của thành phố này.
Tại các thành phố nổi tiếng khác trên thế giới như Paris (Pháp), London (Anh) hay New York (Mỹ) những nhà hát lừng danh như Opéra Garnier, nhà hát opera Hoàng Gia hay sân khấu nhạc kịch Broadway cũng mang tính biểu tượng không kém tháp Eiffel, đồng hồ Big Ben hay tượng Nữ thần Tự do.
Teatro alla Scala, Milan, Italy
Đẹp mắt, lộng lẫy và mang giá trị lịch sử là điều kiện cần để biến một nhà hát trở thành biểu tượng nhưng liệu đã đủ để nghệ thuật nhà hát mang sức ảnh hưởng toàn cầu?
Nói về nghệ thuật nhà hát, sân khấu Broadway có lẽ là minh chứng rõ nét nhất cho thấy sự thành công của việc kế thừa nhạc kịch cổ điển châu Âu và kết hợp với âm nhạc đại chúng.
Ở Broadway hay các nhà hát Opera trên thế giới, khán giả tìm đến loại hình nghệ thuật giải trí này như một cách để tiếp cận lịch sử hay văn học mang tính trừu tượng. Và nhà hát chính là nơi biến những tác phẩm trở nên sống động hơn cả.
Những tác phẩm nổi tiếng được tái hiện chân thực, sống động qua các vở kịch
Bên cạnh những vở kịch mang tính hàn lâm, kịch nghệ hiện đại tại các nhà hát cũng không quên thổi hồn vào các vở kịch phản ánh hiện thực trong cuộc sống hàng ngày. Từ đó giúp khán giả cảm nhận sự rung cảm trước nghệ thuật.
Chính giá trị văn học, lịch sử và cuộc sống kết hợp với giải trí mà khán giả thu được từ văn hóa nhạc kịch đã hình thành cốt lõi giúp nhạc kịch và nhà hát duy trì được tính hấp dẫn cũng như tầm ảnh hưởng của nó trên toàn cầu.
“Đầu tư văn hoá” thu lợi nhuận đa chiều
Vượt qua nhiều định kiến nhạc kịch nhàm chán hay chỉ dành cho giới thượng lưu, nghệ thuật nhà hát đã trở thành “sức mạnh mềm”, thành chìa khoá nhằm tạo nên tầm ảnh hưởng và thu về lợi nhuận khổng lồ cho nhiều quốc gia.
Theo số liệu được Broadway League công bố, thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, các vở diễn của Broadway đã bán được hơn 14,8 triệu vé trong giai đoạn 2018 - 2019, mang lại 1,8 tỷ USD doanh thu.
Những vở kịch giúp nhà hát thu lợi nhuận khổng lồ và tạo ra hàng ngàn việc làm
Cũng theo báo cáo của trang Deloitte, với 8 triệu lượt khách ghé thăm mỗi năm, nhà hát Con Sò tại Sydney mang về tổng doanh thu lên tới 125 triệu USD/năm. Còn Teatro alla Scala thu lợi nhuận chạm mức hơn 112 triệu euro, và đó mới chỉ là con số từ chi tiêu của những quan khách tham dự sự kiện tại nhà hát nổi danh này.
Tất nhiên, với sức ảnh hưởng của mình, các nhà hát biểu tượng không chỉ đem về lợi ích về mặt kinh tế mà còn đảm nhận vai trò “gương mặt thương hiệu” du lịch, làm gia tăng ảnh hưởng văn hoá của đất nước trên trường quốc tế.
Chẳng khó để nhận ra rằng, hệ thống nhà hát Broadway là thương hiệu “tượng đài” ở thành phố New York, là một nơi không thể bỏ qua khi du khách đặt chân tới thành phố mộng mơ này. Điều này còn được thể hiện rõ hơn khi 65% lợi nhuận của các nhà hát tại Broadway đều đến từ khách du lịch cả trong và ngoài nước.
Con phố Broadway sầm uất, nhộn nhịp và là ước mơ của nhiều nghệ sĩ
Tại đất nước “hình chiếc ủng”, không ngoa khi nói rằng opera là một trong những đặc sản văn hoá nguyên bản nhất của họ, giúp họ kể câu chuyện của mình một cách hoàn toàn khác biệt so với các quốc gia giàu văn hoá khác tại châu Âu.
Bảng xếp hạng U.S News & World Report vào năm 2018 cho biết, Italy hiện xếp hạng nhất trong danh sách các quốc gia có nền văn hoá ảnh hưởng toàn thế giới. Chắc chắn rằng, loại hình văn hóa nhạc kịch bay bổng, lãng mạn góp phần không nhỏ vào việc xây dựng thương hiệu văn hoá của họ.
Opera là nét đặc trưng không thể thiếu trong văn hoá của Italy
Đối với nước Úc, nhà hát Opera Sydney đã trở thành một biểu tượng không thể thay thế, dù opera không phải "đặc sản" văn hóa của đất nước này. Ngoài lợi ích kinh tế, việc xây dựng nhà hát này còn được xem như bước ngoặt chuyển mình của đất nước này khi nó nâng cao “mức độ nhận diện” của đất nước với du khách.
Từ một nước có phần “hướng nội” về văn hoá vào những năm 1950 - 1960, hình ảnh của họ đã hoàn toàn thay đổi, trở thành đất nước mang tinh thần tự tin, thẳng thắn và phóng khoáng trước thế giới.
Những biểu tượng mới của thời đại
Với thành công rực rỡ của những biểu tượng văn hóa trên thế giới, thời điểm hiện tại, nhiều quốc gia cũng đã và đang đầu tư hàng trăm triệu USD để xây dựng “nhà hát biểu tượng” cho riêng mình.
Không kể đến những nơi sở hữu nhà hát cổ kính và có bề dày lịch sử nhạc kịch lâu đời như Ý, Pháp, Đức hay Mỹ, các quốc gia ở khu vực châu Á cũng đang trên đà tạo dựng những nhà hát với kiến trúc hiện đại, độc đáo để nhà hát trở thành nơi tổ chức các sự kiện hàng đầu của thành phố và quốc gia.
Nhà hát lớn Quốc gia Bắc Kinh, Trung Quốc
Tiêu biểu phải kể đến Nhà hát lớn Quốc gia Bắc Kinh (Trung Quốc) với thiết kế giống một viên ngọc trai khổng lồ, hiện đại hài hoà với những công trình cổ kính trong thành phố hay Nhà hát Esplanade với kiến trúc dựa theo hình dạng trái sầu riêng đặc trưng của Singapore.
Bên cạnh đó, thế lực khác tại châu Á là Hàn Quốc cũng không thua kém khi lên kế hoạch xây dựng Busan Opera House với tham vọng biến nơi đây thành biểu tượng nhận diện, tương tự cách người Úc làm với nhà hát Opera Sydney.
Dự án Busan Opera House tại thành phố Busan, Hàn Quốc
Ban đầu, các nhà hát kể trên thu hút khách chỉ vì sự tò mò và kiến trúc độc đáo của nó. Song, theo thời gian các nhà hát tổ chức thành công nhiều sự kiện mang tầm cỡ quốc tế và dần các giá trị của nó được bộc lộ rõ nét hơn.
Trong đó, nhà hát Bắc Kinh tổ chức thành công 1.000 buổi biểu diễn thương mại, 1.000 buổi giáo dục nghệ thuật và thu hút khoảng 3 triệu lượt khách. Nơi đây cũng thu hút các nghệ sĩ và dàn nhạc đẳng cấp nhất thế giới như Maurizio Pollini, Claudio Abbado, Simon Rattle hay Berlin Philharmonic, Chicago Symphony Orchestra.
Theo số liệu từ Holidify, nhà hát Esplanade kể từ khi xây dựng đã tổ chức thành công hơn 37.000 buổi hòa nhạc của các nghệ sĩ quốc tế lừng danh và đón hơn 26 triệu lượt khách du lịch đến tham quan cũng như thưởng thức nhạc kịch.
Nhà hát Esplanade, Singapore
Với những đóng góp của mình, các nhà hát này đang dần trở thành một biểu tượng mới thời hiện đại của nhiều quốc gia trong quá trình vươn mình ra thế giới.
Xu hướng này cũng cho thấy rằng, không chỉ các nhà hát cổ kính tại các quốc gia có truyền thống nhạc kịch lâu đời mới có thể tạo dựng vị thế và mang lại giá trị về mặt kinh tế và văn hoá mà cả các nhà hát hiện đại cũng hoàn toàn đủ sức để đảm nhận trọng trách này.
Trên con đường tiến tới hội nhập quốc tế, nhà hát dần trở thành biểu tượng văn hoá của nhiều đất nước. Câu chuyện thành công của nhà hát Opera Sydney và xu hướng xây dựng nhà hát của các quốc gia phát triển trong khu vực trong vòng 20 năm trở lại đây đã cho thấy tầm nhìn tương lai về việc nâng cao giá trị quảng bá hình ảnh đất nước trên trường quốc tế.
https://kenh14.vn/hon-ca-mot-bieu-tuong-nha-hat-mang-lai-gi-cho-nhung-thanh-pho-noi-tieng-20220725100239183.chn