Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, Luật Phòng, chống rửa tiền được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 18/6/2012 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013. Qua quá trình hơn 8 năm triển khai thực hiện Luật Phòng, chống rửa tiền và các văn bản hướng dẫn thi hành, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những bất cập, hạn chế trong các quy định của pháp luật phòng, chống rửa tiền (PCRT) đã ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động PCRT.
Cụ thể, về đối tượng áp dụng của Luật PCRT, theo quy định hiện hành, đối tượng báo cáo của Luật PCRT bao gồm 2 nhóm: các tổ chức tài chính (FIs) và các tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính liên quan (DNFBPs). Tuy nhiên, hiện nay có một số hoạt động mới phát sinh như các hoạt động liên quan đến tài sản ảo, cung ứng dịch vụ trung gian kết nối người đi vay và người cho vay dựa trên nền tảng công nghệ... Khung pháp lý của các hoạt động này đang trong giai đoạn nghiên cứu, hoàn thiện, tuy nhiên trong trường hợp khung pháp lý về cấp phép, quản lý của các hoạt động này được ban hành thì quy định tại Luật PCRT hiện nay sẽ chưa bao quát được các hoạt động mới phát sinh này. Đây là các hoạt động có tiềm ẩn rủi ro về rửa tiền do các hoạt động này hầu hết được thực hiện trực tuyến nên các bên tham gia giao dịch có tính ẩn danh cao.
Luật PCRT hiện hành không có quy định về việc đánh giá rủi ro rửa tiền quốc gia, ngành và tại từng tổ chức; đồng thời, quy định về việc thực hiện các biện pháp PCRT trên cơ sở rủi ro của các đối tượng báo cáo tại Luật PCRT chưa đảm bảo tính đầy đủ, hợp lý.
Các quy định về việc phân tích, xử lý thông tin giao dịch đáng ngờ của Ngân hàng Nhà nước tại Luật PCRT hiện nay chưa được rõ ràng, chưa thể hiện rõ các quy trình nghiệp vụ cơ bản trong phân tích thông tin từ việc tiếp nhận thông tin, phân tích thông tin theo các quy trình nghiệp vụ và chuyển giao thông tin về phòng, chống rửa tiền. Ngoài ra, các quy định này cũng chưa bao quát hết các nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động của đơn vị đầu mối thực hiện chức năng PCRT thuộc Ngân hàng Nhà nước như công tác giám sát, cảnh báo, trao đổi thông tin với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài nước trong thực hiện công tác PCRT.
Theo tinh thần Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng, việc nghiên cứu hoàn thiện pháp luật về phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng sát với thực tiễn của đất nước và phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên là một trong những giải pháp được đặt ra.
Việc hoàn thiện quy định pháp luật về PCRT là một trong những yếu tố then chốt thúc đẩy công tác phòng, chống rửa tiền nói riêng và phòng, chống tham nhũng nói chung phát triển và hoàn thiện, đặc biệt trong việc điều tra, truy tố và xét xử tội phạm về rửa tiền.
Đồng thời, tại Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố giai đoạn 2015 – 2020 ban hành kèm theo Quyết định số 2112/QĐ-TTg ngày 25/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ và Đề án "Nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm rửa tiền và tài trợ khủng bố" ban hành kèm theo Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 07/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất chỉnh sửa Luật PCRT phù hợp với chuẩn mực quốc tế.
Do đó, việc ban hành Luật PCRT (sửa đổi) là phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước, nhằm khắc phục những hạn chế nội tại trong các quy định của pháp luật, đồng thời đảm bảo sự phù hợp với các yêu cầu và chuẩn mực quốc tế, qua đó nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác PCRT trong thời gian tới.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Minh Hiển