Hòa Phát nộp đơn khởi xướng điều tra chống bán phá giá HRC Trung Quốc vào tuần trước

Admin

TGĐ Hòa Phát nhấn mạnh, việc điều tra và áp thuế chống bán phá giá hay không đều không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của doanh nghiệp. Đơn vị đưa ra quyết định là cơ quan quản lý – dựa trên dữ liệu và đánh giá khách quan.

Trong một văn bản phát đi từ CTCP Tập đoàn Hoa Sen (mã chứng khoán HSG) mới đây, công ty này cho biết có doanh nghiệp sản xuất thép cán nóng đã gửi hồ sơ lên cơ quan quản lý yêu cầu điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán nóng (HRC) nhập khẩu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, Hoa Sen tính toán và cho rằng sản phẩm HRC từ Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam đang không bán phá giá.

Tại buổi Gặp mặt nhà đầu tư tại Khu Liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất vào ngày 26/3, ông Nguyễn Việt Thắng – Tổng giám đốc của CTCP Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán HPG) cho biết: "Chúng tôi nộp đơn khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm HRC từ Trung Quốc vào thứ 3 tuần trước, sau khi nhận thấy các dấu hiệu của việc này. Đây là biện pháp tự vệ chính đáng, nhằm bảo vệ nền sản xuất trong nước".

TGĐ của Hòa Phát nhấn mạnh, bản đề xuất cung cấp đầy đủ thông tin dữ liệu từ phạm vi sản phẩm điều tra, tình hình nhập khẩu thép từ các thị trường vào Việt Nam trong giai đoạn điều tra cũng như tình hình sản xuất nội địa. Tuy nhiên, việc điều tra và áp thuế chống bán phá giá hay không đều không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của doanh nghiệp. Đơn vị đưa ra quyết định là cơ quan quản lý – dựa trên dữ liệu và đánh giá khách quan.

Được biết, quá trình điều tra chống bán phá giá sẽ diễn ra trong khoảng 12 -18 tháng kể từ ngày Bộ Công Thương ra quyết định khởi xướng điều tra.

Theo số liệu từ Tổng Cục hải quan, trong 2 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã nhập 1,89 triệu tấn HRC với giá trị nhập khẩu trên 1 tỷ USD. Trong đó, nguồn thép từ Trung Quốc là 1,4 triệu tấn, chiếm 74,2%. Từ quý 1/2023 đến nay, giá HRC của Trung Quốc đã giảm từ 618 USD/tấn xuống còn khoảng 520-560 USD/tấn tùy loại.

Trung Quốc là nước sản xuất thép lớn nhất thế giới với sản lượng sản xuất chiếm 60% sản lượng toàn cầu. Ông Nguyễn Việt Thắng cho biết, những năm trước, khi kinh tế phát triển, phần lớn lượng thép sản xuất của Trung Quốc được hấp thụ bởi cầu trong nước, tỷ lệ xuất khẩu thấp. Tuy nhiên, ba năm trở lại đây, tình hình kinh tế đi xuống, bất động sản trì trệ khiến cho lượng thép sản xuất dư thừa quá lớn, buộc các nhà sản xuất phải đẩy mạnh xuất khẩu và đưa đến hiện tượng tràn vào các nước như Việt Nam.

"Giá thành của Hòa Phát hoàn toàn có thể cạnh tranh được nhưng tại sao vẫn phải có biện pháp tự vệ? Vì rất nhiều công ty thép Trung Quốc đã và đang chấp nhận bán lỗ để đưa được sản phẩm ra bên ngoài. Với những công ty cạnh tranh không lành mạnh, phải có giải pháp phù hợp. Với công ty thép Trung Quốc làm ăn nghiêm chỉnh, Hòa Phát vẫn cạnh tranh công bằng" – Ông Thắng nói.

Trên thực tế, thép là một trong những ngành bị khởi xướng điều tra và áp thuế chống bán phá giá trên thế giới. Ở vai trò là một doanh nghiệp xuất khẩu thép, Hòa Phát cũng luôn đối diện với rủi ro áp thuế tự vệ thương mại tại các thị trường nước ngoài.

Hiện nay, sản phẩm thép cuộn cán nóng HRC của Hòa Phát chủ yếu xuất khẩu sang thị trường EU, Mỹ -Mexico, Đông Nam Á. Ông Thắng cho biết, nếu xuất khẩu quá nhiều vào một thị trường thì rủi ro bị áp thuế tự vệ rất cao. Giải pháp của Hòa Phát là đa dạng thị trường xuất khẩu để giữ tỷ trọng ít có nguy cơ bị kiện nhất. Doanh nghiệp thép lớn nhất Việt Nam đang nhắm đến thị trường Trung Đông, châu Phi, Mỹ… để chuẩn bị cho việc nhà máy Hòa Phát Dung Quất 2 cho ra sản phẩm vào năm 2025.