Hiện tượng tiệm vàng đóng cửa, tăng cường quản lý minh bạch kinh doanh

Admin

Nhiều tiệm vàng đóng cửa, thậm chí dừng hoạt động vì lo ngại đợt kiểm tra của cơ quan quản lý thị trường, cũng như biến động thị trường.

Nhiều địa phương có tiệm vàng đóng cửa

Cuối tháng 4/2024, một số tiệm vàng tập trung ở khu vực quận 5, thành phố Hồ Chí Minh đóng cửa, thậm chí có cửa hàng treo biển báo dừng hoạt động hơn nửa tháng. Trên đường Nguyễn Duy Dương, Bùi Hữu Nghĩa, An Dương Vương hay khu vực chợ An Đông, quận 5 vốn là nơi kinh doanh vàng bạc sầm uất của Thành phố cũng xuất hiện một số tiệm kim hoàn đóng cửa, nghỉ bán.

Chủ một tiệm kim hoàn nằm trên khu chợ Hòa Bình, quận 5 cho biết việc lực lượng quản lý thị trường đồng loạt kiểm tra khiến giới kinh doanh vàng lo ngại, một số chủ tiệm nghỉ bán vì bất an. Ngoài việc kinh doanh các mặt hàng nữ trang ăn theo các thương hiệu nổi tiếng, việc xuất trình đủ giấy tờ, hóa đơn cũng là điều khiến các tiệm vàng e ngại.

Tình trạng trên diễn ra sau công điện số 23 của Thủ tướng về việc yêu cầu tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng. Cục Quản lý thị trường của các thành phố đã chỉ đạo các đội rà soát, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh vàng.

Tại thành phố Hồ Chí Minh từ đầu tháng 4 đến nay, Cục Quản lý thị trường cho biết đã kiểm tra, phát hiện và lập biên bản nhiều trường hợp vi phạm. Nhiều cửa hàng bày bán các mặt hàng như bông tai, mặt dây chuyền, lắc tay... có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng như Chanel, Versace, Louis Vuitton. Bên cạnh đó, sản phẩm vàng trang sức của nhiều cửa hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ, không có nhãn hàng hóa.

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Quang Huy – Phó Cục Trưởng Cục Quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, cán bộ quản lý thị trường đang liên tục rà soát để tăng minh bạch cho thị trường và kiểm soát tình trạng hàng nhái, hàng giả thương hiệu đối với lĩnh vực kinh doanh vàng.

“Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, không có quy định doanh nghiệp kinh doanh vàng phải có trách nhiệm thông báo thời gian và lý do tạm ngừng kinh doanh nên chưa xác định chính xác lý do tạm nghỉ kinh doanh của các cơ sở này”, ông Huy nói.

Không riêng tại thành phố Hồ Chí Minh, cơ quan quản lý thị trường các địa phương khác thời gian qua cũng đồng loạt kiểm tra doanh nghiệp kinh doanh vàng.

Từ ngày 4/4 đến ngày 15/4, Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Long kiểm tra phát hiện 5 doanh nghiệp kinh doanh vàng trang sức vi phạm về giả mạo nhãn hiệu, vi phạm về nhãn và không niêm yết giá. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính 117 triệu đồng.

Còn tại thành phố Cần Thơ, trong ngày 8 và 9/4, Cục Quản lý thị trường thành phố Cần Thơ tiến hành kiểm tra đột xuất 2 cơ sở kinh doanh mặt hàng trang sức bạc và xi mạ trên địa bàn quận Ô Môn và huyện Thới Lai. Qua kiểm tra phát hiện tại 2 cơ sở đang bày bán 48 sản phẩm kim loại xi mạ màu trắng, kim loại xi mạ màu vàng có gắn yếu tố có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu của Chanel đang được bảo hộ độc quyền tại Việt Nam gồm vòng kim loại, lắc kim loại, nhẫn kim loại, mặt dây chuyền kim loại,… có tổng trị giá hàng hóa trên 12 triệu đồng.

Trước đó, vụ việc tiệm vàng lớn Kim Hương Đinh tại thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang bị xử lý vì kinh doanh khuyên tai, vòng tay, nhẫn, dây chuyền có dấu hiệu giả các thương hiệu nổi tiếng như Chanel, Cartier, LV, Bulgari..., cũng thu hút sự quan tâm của dư luận.

Tìm giải pháp quản lý thị trường vàng

Ông Nguyễn Văn Dưng - Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiệp hội đã đi khảo sát sau khi nhận được thông tin nhiều tiệm vàng đóng cửa. Một số tiệm vàng lo lắng khi cơ quan chức năng đi kiểm tra vì không biết sản phẩm đang bán có bị quy vào hàng giả hàng nhái. Tuy nhiên, sau khi được phổ biến thì đã yên tâm hoạt động bình thường.

"Chúng tôi cũng nhìn nhận có một vài cửa hàng có đóng cửa nhưng cũng chỉ là số ít, đa số vẫn hoạt động kinh doanh bình thường. Chúng tôi có hỏi những cửa hàng đóng cửa thì nhận được câu trả lời là họ lo lắng không biết sản phẩm đang bán có bị quy vào hàng giả hàng nhái như thông tin đưa trên truyền thông hay không”, ông Dưng cho biết.

Theo ông Dưng, những cửa hàng vàng nào làm sai thì chắc chắn bị chế tài theo quy định. Tuy nhiên, các cửa hàng vàng hoạt động kinh doanh có điều kiện nên họ sẽ phải tuân thủ quy định pháp luật chặt chẽ.

Chẳng hạn như hoá đơn điện tử có mã của cơ quan thuế được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế, thì đã được các tiệm vàng thực hiện từ lâu kể từ khi có Thông tư 78/2021 của Bộ Tài chính có hiệu lực vào năm 2022.

"Cũng có thông tin tiệm vàng đóng cửa vì sợ không chứng minh được nguồn gốc vàng. Hơn 10 năm nay, Ngân hàng Nhà nước không cung vàng nên những cửa hàng vàng được cấp phép sản xuất phải mua vàng bên ngoài để có nguyên liệu sản xuất trang sức. Thực tế, theo quy định pháp luật, tiệm vàng được mua vàng trôi nổi của các cá nhân không kinh doanh, hoặc mua vàng từ các trang sức cũ, sau đó đem phân kim làm nguyên liệu. Tất cả sẽ được ghi nhận vào Bảng kê 01 theo quy định của Tổng cục thuế", ông Dưng phân tích.

Báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 chỉ ra, chính sách quản lý vàng của thế giới khá thông thoáng với mức thuế, phí thấp. Một số quốc gia gần Việt Nam như Singapore có các sàn giao dịch vàng lớn, uy tín trên thế giới, được Tập đoàn Metalor của Thụy Sĩ đặt các nhà máy tinh chế vàng nhằm thu mua nguyên liệu và sản xuất các sản phẩm vàng thanh cung cấp cho thị trường châu Á và Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Do đó, các đối tượng buôn lậu trong nước dễ dàng tiếp cận nguồn vàng và giao dịch theo chỉ số giá thế giới, đặc biệt là các quốc gia như Lào, Campuchia quy định về khai thác, quản lý, mua bán vàng khá thuận lợi, nguyên liệu vàng khai thác không được chế biến sâu, nên giá rẻ hơn so với Việt Nam.

Trong khi đó, tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước mới chỉ cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho 2 đối tượng (doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ để xuất khẩu và doanh nghiệp kinh doanh vàng có hợp đồng gia công vàng trang sức, mỹ nghệ với nước ngoài), dẫn đến nguồn cung khan hiếm, thiếu hụt nguyên liệu sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ và các nhu cầu khác.

Thị trường vàng trong nước, mặc dù có diễn biến theo xu thế thị trường vàng quốc tế, nhưng biên độ, nhịp độ chưa đều, thường phản ánh chậm hơn, dẫn đến chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới, giữa giá vàng miếng SJC với vàng nguyên liệu và chênh lệch giữa giá mua vào và giá bán ra.

Ngoài ra, không loại trừ hệ lụy từ việc làm giả vàng miếng SJC hoặc tình trạng các thương hiệu vàng lớn (DOJI, PNJ) neo giá vàng tiệm cận giá vàng miếng SJC. Chính lợi nhuận đã thúc đẩy động cơ phạm tội của các đối tượng.

Từ đó cho thấy, thanh kiểm tra chỉ là phần ngọn. Để giải quyết vấn đề tận gốc, cần giải pháp minh bạch, xóa độc quyền thị trường vàng, chống chệnh lệch giá vàng trong và ngoài nước.