Hậu bê bối, 10 sếp Daihatsu phải trả lại tiền thưởng cho Toyota: Người hoàn lại 100%, người trả 10%

Admin

Các cựu thành viên ban lãnh đạo cấp cao của Daihatsu trả lại tiền thưởng cho Toyota.

Động thái trên được đưa ra khi Toyota quyết định cải tổ mạnh mẽ Daihatsu do bê bối gian lận thử nghiệm va chạm trong nhiều năm.

Hậu bê bối, 10 sếp Daihatsu phải trả lại tiền thưởng cho Toyota: Người hoàn lại 100%, người trả 10%- Ảnh 1.

Các lãnh đạo Daihatsu cúi đầu xin lỗi trong buổi họp báo sau khi bê bối bùng nổ. Ảnh: Fortune

Cựu chủ tịch Sunao Matsubayashi (đã từ chức), cựu chủ tịch điều hành Soichiro Okudaira (Yusuke Takeda), phó chủ tịch điều hành Hiromasa Hoshika, giám đốc Yusuke Takeda (cựu giám đốc bán hàng và dịch vụ khách hàng), giám đốc Toshinori Edamoto (cựu giám đốc quản lý doanh nghiệp) và 5 giám đốc khác sẽ trả lại tiền thưởng họ nhận được cho năm tài chính 2023.

3 thành viên quản lý cấp cao nhất - Matsubayashi, Okudaira và Hoshika - sẽ hoàn lại 100% tiền thưởng. Giám đốc Takeda và Edamoto sẽ hoàn lại 50%, trong khi các giám đốc còn lại sẽ hoàn lại từ 10% đến 50%.

Theo cơ cấu mới, chức danh chủ tịch hội đồng quản trị, giám đốc điều hành và phó giám đốc điều hành ở Daihatsu sẽ bị bãi bỏ.

Văn hóa làm việc cũng được thay đổi để không còn tình trạng "chạy theo deadline" mà bỏ qua các yêu cầu chất lượng và an toàn.

Hậu bê bối, 10 sếp Daihatsu phải trả lại tiền thưởng cho Toyota: Người hoàn lại 100%, người trả 10%- Ảnh 2.

Bên cạnh việc từ chức, các lãnh đạo Daihatsu cũng phải trả lại tiền thưởng. Ảnh: Reuters

Cụ thể:

- Bỏ bớt các báo cáo văn bản từ nhân viên đến quản lý, thay vào đó là sử dụng các công cụ kỹ thuật số để thực hiện nhiệm vụ hiệu quả hơn.

- Đánh giá dự án theo từng thời gian phát triển. Nếu phát hiện thấy bất cứ vấn đề bất thường nào, cảnh báo trực quan sẽ bật.

- Thiết lập hệ thống cho phép điều chỉnh cách làm việc phù hợp. Ở đó, mọi người có thể chậm lại để hỗ trợ nhau.

Toyota nắm toàn quyền kiểm soát Daihatsu vào năm 2016. Cũng trong năm đó, hãng xe Nhật Bản giao cho Daihatsu trách nhiệm phát triển (bao gồm cả thử nghiệm) dòng xe cỡ nhỏ (phân khúc A, B) cho các thị trường mới nổi như Đông Nam Á. Khi đó, Toyota gần như chỉ đóng vai trò khởi xướng dự án, quản lý chung và nhận sản phẩm đã được phát triển hoàn thiện.