Hàng quán Malaysia chật vật vì giá thực phẩm tăng cao

Admin

Các số liệu mới công bố cho thấy, thực phẩm là yếu tố ảnh hưởng hàng đầu tới lạm phát của Malaysia, với mức tăng giá hơn 6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cơn bão lạm phát vẫn đang là thách thức với nhiều nước trên toàn cầu. Ngay cả Malaysia - một quốc gia vốn đang giữ được giá cả tương đối ổn định trong năm nay, cũng đã bắt đầu nhìn thấy những dấu hiệu lạm phát khi chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 6 của nước này bật tăng 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái và nằm trong "tâm bão" giá cả tăng cao chính là giới kinh doanh nhà hàng, quán ăn.

Muốn biết về tình hình lạm phát tại Malaysia, người ta chỉ cần nhìn ngay vào món bánh truyền thống roti canai nổi tiếng của nước này. Vốn là một món ăn dân dã rẻ tiền, nhưng việc giá bột mì tăng cao, đã buộc nhiều hàng quán phải tăng giá. Nhà hàng của anh Kannan cũng không phải là ngoại lệ.

Anh Kannan - quản lý chuỗi nhà hàng Kanna's Curry House cho hay: "Từ đầu năm đến giờ giá bột mỳ đã tăng hơn 40%. Nên từ tháng 7 này, chúng tôi đã phải tăng giá bánh roti khoảng 10%, chúng tôi không tăng quá nhiều để chia sẻ gánh nặng với khách hàng".

Các số liệu mới công bố cho thấy, thực phẩm là yếu tố ảnh hưởng hàng đầu tới lạm phát của Malaysia, với mức tăng giá hơn 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân đến từ việc nước này phải nhập khẩu nhiều loại thực phẩm khác nhau, mà điển hình là bột mì - mặt hàng vốn chịu tác động mạnh từ xung đột tại Ukraine.

"Hiện Malaysia phải nhập khẩu khoảng 60% lượng thực phẩm của mình. Sau đại dịch và nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu, chúng tôi cần nhìn nhận vấn đề này kỹ lưỡng hơn. Các nhà hoạch định chính sách cũng đang muốn tiến hành đa dạng hóa nguồn cung trong dài hạn", bà Tricia Yeoh - chuyên gia nghiên cứu kinh tế cho hay.

Giới chức Malaysia hiện đang nỗ lực đàm phán với các đối tác mới về cung ứng thực phẩm như Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, các nhà hàng nước này vẫn sẽ phải chật vật và chờ đợi tình hình thị trường cung ứng thực phẩm hạ nhiệt.