Hàng loạt cây xanh có dấu hiệu bị chết sau khi di chuyển đến công viên

Admin

Sau một thời gian được di chuyển đến Công viên Sơn La (Tp.Buôn Ma Thuột), nhiều cây xanh Hoàng Nam có dấu hiệu bị chết hàng loạt.

Những ngày gần đây, hàng loạt cây xanh Hoàng Nam tại Công viên Sơn La (thuộc địa bàn phường Tân Thành, thành phố Buôn ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) có dấu hiệu bị chết khô.

Theo ghi nhận của PV Người Đưa Tin, trên mỗi cây xanh Hoàng Nam tại Công viên Sơn La đều được đánh số, nhiều cây được quét vôi dưới gốc. Bên cạnh một số cây ra cành lá non, có rất nhiều cây bị khô cành, rụng lá; vỏ thân cây nứt xé... Không ít người dân tỏ ra tiếc nuối khi chứng kiến hàng cây đang ngày càng khô héo, không còn sức sống.

Dân sinh - Hàng loạt cây xanh có dấu hiệu bị chết sau khi di chuyển đến công viên

Hàng loạt cây xanh Hoàng Nam tại Công viên Sơn La có dấu hiệu chết khô.

Ông Nguyễn Tấn Thanh, Phòng Quản lý công trình dân dụng và công nghiệp, hạ tầng kỹ thuật (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Tp.Buôn Ma Thuột) cho biết, trước khi di dời về Công viên Sơn La, hơn 60 cây Hoàng Nam được trồng tại đường Lê Duẩn (thành phố Buôn Ma Thuột).

Năm 2022, UBND thành phố Buôn Ma Thuột có quyết định phê duyệt Dự án Nâng cấp hạ tầng đô thị vỉa hè cây xanh một số tuyến đường trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột. Dự án này có tổng mức đầu tư 43 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột làm chủ đầu tư. Nhà thầu thi công là Công ty TNHH xây dựng Nam Sơn (viết tắt là Công ty Nam Sơn).

Ông Thanh thông tin, theo phương án phê duyệt ban đầu, quá trình thực hiện Dự án Nâng cấp hạ tầng đô thị vỉa hè cây xanh một số tuyến đường trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột, số cây Hoàng Nam nói trên sẽ bị chặt bỏ, chứ không di dời.

“Cây Hoàng Nam giá trị không cao, khi đã lớn thì việc di dời đi rất khó sống. Hơn nữa, chi phí di dời, chăm sóc rất tốn kém”, ông Thanh lý giải.

Dân sinh - Hàng loạt cây xanh có dấu hiệu bị chết sau khi di chuyển đến công viên (Hình 2).

Nhiều cây Hoàng Nam bị khô cành, rụng lá. 

Tuy nhiên, sau đó, trong quá trình triển khai thực hiện thi công dự án nói trên, do thấy tiếc nếu chặt bỏ số cây xanh nói trên nên các đơn vị đã đề xuất di dời hơn 60 cây Hoàng Nam về Công viên Sơn La để trồng và chăm sóc.

Sau đó, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột đã lập dự toán điều chỉnh bổ sung phần di dời cây. Đồng thời, giao cho nhà thầu là Công ty Nam Sơn triển khai thực hiện việc di dời cây xanh này.

Cũng theo ông Thanh, kinh phí thực hiện việc di dời số cây Hoàng Nam nói trên được lấy từ nguồn vốn dự phòng của Dự án Nâng cấp hạ tầng đô thị vỉa hè cây xanh một số tuyến đường trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột.

Cuối năm 2023, Công ty Nam Sơn đã thực hiện di dời số cây xanh nói trên về trồng tại Công viên Sơn La. Ông Thanh khẳng định, chủ đầu tư mới tạm ứng kinh phí cho nhà thầu thực hiện di dời, chứ chưa nghiệm thu.

Dân sinh - Hàng loạt cây xanh có dấu hiệu bị chết sau khi di chuyển đến công viên (Hình 3).

Vỏ thân cây nứt xé. 

Ông Thanh cho biết thêm, hiện chưa thống kê được số lượng cây Hoàng Nam bị chết sau khi được di chuyển về Công viên Sơn La.

Tuy nhiên, sau khi nắm được thông tin về việc một số cây Hoàng Nam có dấu hiệu bị chết, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột đã yêu cầu Công ty Nam Sơn trồng thay thế. Tuy nhiên, việc trồng thay thế phải đợi đến mùa mưa thì cây mới sống được.

“Sau khi di dời, nhà thầu có trách nhiệm chăm sóc cho đến khi cây sống mới ban giao lại cho Phòng quản lý điều hành công trình đô thị và dịch vụ công ích (thuộc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột) để thực hiện việc quản lý. Trước khi bàn giao, nếu cây chết thì nhà thầu phải có trách nhiệm trồng thay thế. Kể cả khi đã nghiệm thu nhưng đang trong thời gian bảo hành mà cây chết thì nhà thầu vẫn phải có trách nhiệm thay mới”, ông Thanh nhấn mạnh.

Dân sinh - Hàng loạt cây xanh có dấu hiệu bị chết sau khi di chuyển đến công viên (Hình 4).

Nhiều người không khỏi tiếc nuối khi chứng kiến những cây Hoàng Nam đang có dấu hiệu bị chết khô. 

Thành phố Buôn Ma Thuột là một trong những đô thị có tỷ lệ cây xanh cao nhất cả nước, với khoảng 26.000 cây xanh thân gỗ, đạt 17,4m2/người. Hàng năm, Thành phố đã triển khai trồng hàng nghìn cây xanh, trong đó tập trung các loại cây bản địa, mang bản sắc riêng đô thị Buôn Ma Thuột cũng như vùng Tây Nguyên. Qua đó, đóng góp tích cực vào việc lọc sạch không khí, giảm bụi giao thông, chống biến đổi khí hậu, giảm ngập úng và tạo điểm nhấn cho đô thị Buôn Ma Thuột.

Dân sinh - Hàng loạt cây xanh có dấu hiệu bị chết sau khi di chuyển đến công viên (Hình 5).

Khánh Ngọc