Hà Tĩnh: Vì sao chỉ số sản xuất công nghiệp giảm xuống hàng “cuối bảng”?

Admin

Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh giảm 7,26% trong 6 tháng đầu năm, đã “kéo” chỉ số tăng trưởng kinh tế đạt thấp nhất trong vòng 5 năm qua.

Gần 10 năm trở lại đây, ngành công nghiệp Hà Tĩnh tăng trưởng đột phá về cả quy mô và năng lực sản xuất. Đặc biệt, từ khi dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh (giai đoạn I) đi vào vận hành chính thức năm 2017 đã góp phần ghi tên Hà Tĩnh vào bản đồ ngành công nghiệp thép và hiện thực hóa chủ trương xây dựng Khu kinh tế Vũng Áng thành trung tâm công nghiệp. Chiếm hơn 80% giá trị sản xuất ngành công nghiệp của tỉnh, thép trở thành sản phẩm chủ lực của ngành và Formosa là "hạt nhân" kinh tế của tỉnh trong những năm qua.

Tuy nhiên, báo cáo mới nhất từ Cục Thống kê Hà Tĩnh cho thấy, 6 tháng đầu năm 2022, tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 0,08%. Với con số khiêm tốn này, đây là năm có tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2022 của Hà Tĩnh giảm 7,26%, đã "kéo" chỉ số tăng trưởng kinh tế đạt thấp nhất trong vòng 5 năm qua.

Trong đó, hiện nay trong cơ cấu của nền kinh tế Hà Tĩnh thì khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng khá cao chiếm tới 37,10%, trong đó ngành công nghiệp chiếm 29,61%, điều này thể hiện đầu tàu phát triển kinh tế của địa phương này hiện nay vẫn là ngành công nghiệp.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục gặp khó khăn. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2022 ước giảm 7,26% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Ngành công nghiệp khai khoáng giảm 1,34%; ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 0,33%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 38,31%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải giảm 9,79%.

Trao đổi với phóng viên, Giám đốc Sở Công Thương Hà Tĩnh - ông Hoàng Văn Quảng cho biết, "Trong những năm qua, ngành công nghiệp luôn là động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh Hà Tĩnh". Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm, "chỉ số sản xuất ngành công nghiệp giảm 7,26% đã "kéo" chỉ số tăng trưởng kinh tế đạt thấp. Cùng với đó, do giá nguyên liệu đầu vào tăng trong khi giá thép thành phẩm giảm, "hạt nhân" nền kinh tế là Formosa trong nửa đầu năm chỉ sản xuất được 2,67 triệu tấn thép, giảm 1,67% so với cùng kỳ. Nếu so với cùng kỳ năm 2021 thì sản lượng thép của công ty chỉ tăng hơn 1%...".

Nguyên nhân là do hoạt động sản xuất của ngành công nghiệp tiếp tục bị ảnh hưởng, đặc biệt là ngành sản xuất phân phối điện, cụ thể là Tổ máy số 1 của Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 gặp sự cố đang phải ngừng hoạt động đến nay chưa khắc phục được, tổng sản lượng điện chỉ sản xuất được 4.121 triệu KWh, giảm 36,34% (giảm 2.362 triệu KWh) so với cùng kỳ.

Trong đó, riêng Nhà máy nhiệt điện I chỉ sản xuất 1.845 triệu KWh, giảm 53,34% (giảm 2.109 triệu KWh) so với cùng kỳ. Ngoài ra trong 6 tháng vừa qua do giá đầu vào tăng trong khi đó giá thành phẩm thép có phần giảm nên sản phẩm phôi thép của Formosa chỉ sản xuất được 3.190 ngàn tấn, giảm 1,67% (giảm 54 ngàn tấn) so với cùng kỳ.

Với sự sụt giảm lượng điện sản xuất trong 6 tháng vừa qua đã làm cho GRDP ngành công nghiệp giảm 11,46% so với cùng kỳ và làm giảm 3,94 điểm phần trăm vào tốc độ tăng GRDP toàn nền kinh tế. Và đây là 2 lý do chính làm cho tổng sản phẩm trong tỉnh không có tăng trưởng.

Qua đó, phải nhìn nhận rằng nền kinh tế địa phương này đang phụ thuộc vào những doanh nghiệp lớn như Formosa, Nhiệt điện Vũng Áng I, sản xuất sụt giảm hoặc tăng trưởng thấp thì sản xuất ngành công nghiệp vẫn chưa có các năng lực mới tăng thêm để đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.

Nỗ lực vì mục tiêu tăng trưởng cả năm

Theo dự báo từ Sở Công Thương Hà Tĩnh, tình hình những tháng tiếp theo được nhận định sẽ còn nhiều khó khăn khi ảnh hưởng dịch Covid-19, áp lực từ giá xăng dầu làm tăng chi phí sản xuất, vận chuyển, giá thành hàng hóa, dịch vụ. Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 dự kiến khó hoàn thành khắc phục sự cố trong năm nay.

Hà Tĩnh: Vì sao chỉ số sản xuất công nghiệp giảm xuống hàng “cuối bảng”? - Ảnh 1.

Phân tích của Cục Thống kê tỉnh Hà Tĩnh

Theo phân tích của Cục Thống kê Hà Tĩnh, tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm nay phải đạt gần 17% thì mới có thể hoàn thành mục tiêu. Nếu vậy, ngành công nghiệp phải đạt tăng trưởng 23%, xây dựng tăng trưởng 60%, nông nghiệp tăng trưởng 4,7%, dịch vụ tăng trưởng hơn 3%.

Tuy nhiên, theo tính toán trên các yếu tố tăng trưởng thì lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp khó đạt con số nêu trên. Điều này đồng nghĩa với việc, 6 tháng cuối năm, tăng trưởng sẽ chủ yếu dựa vào sức tăng ngành xây dựng với những dự án có khối lượng lớn như: Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 2, Nhà máy sản xuất Pin VinES, Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, các dự án đầu tư công... và sự phục hồi từ ngành du lịch, dịch vụ.

Do nền kinh tế đang phụ thuộc vào một số dự án lớn nên Hà Tĩnh cần những động lực mới để kinh tế phát triển ổn định và bền vững. Bởi vậy, việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng để các dự án đầu tư sớm đi vào hoạt động sẽ góp phần quan trọng vào tăng trưởng chung cho nền kinh tế ở giai đoạn tới.

Ông Hoàng Văn Quảng cho biết thêm, trong những tháng đầu năm 2022, mặc dù chỉ số sản xuất giảm so với cùng kỳ năm trước do một số doanh nghiệp lớn gặp khó khăn nhưng ngành công nghiệp Hà Tĩnh đang đón những tín hiệu tích cực, tạo bước đệm tăng trưởng cho giai đoạn tới với những "siêu dự án" đang được triển khai như Nhà máy sản xuất Pin VinES, Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 2… Cùng đó, khôi phục hoạt động sau đại dịch, nhiều doanh nghiệp nội tỉnh đang đầu tư mở rộng sản xuất để tăng sản lượng và cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Mới đây, tại cuộc họp đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm của tỉnh Hà Tĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh - ông Võ Trọng Hải đã nhấn mạnh các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới là tập trung rà soát, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ những dự án đang triển khai; đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; nỗ lực thu ngân sách đạt cao nhất; tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; rà soát các doanh nghiệp trên địa bàn để có giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động. Cùng đó là đảm bảo các hoạt động trên lĩnh vực văn hóa, xã hội, xây dựng nông thôn mới...

Mặc dù phát triển công nghiệp gặp khó khăn nhưng gần đây, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh vẫn từ chối đề xuất khai thác mỏ sắt Thạch Khê. Theo Báo Điện tử Chính phủ, với một dự án từng được đánh giá có nhiều tiềm năng như mỏ sắt Thạch Khê, Tập đoàn TKV cho rằng, nếu bị dừng lại sẽ dẫn tới mất một nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước.

Trước đó, theo tính toán, phía TKV cho biết, khi hoàn thành giai đoạn I dự án sẽ nộp ngân sách khoảng 1.500 tỷ đồng/năm; giai đoạn II nộp ngân sách trên 2.800 tỷ đồng/năm. Bên cạnh đó, khoảng 3.500 lao động địa phương theo kế hoạch cũng sẽ được đào tạo nghề, giải quyết việc làm trực tiếp nếu dự án đi vào hoạt động.