Hà Tĩnh thu hồi loạt dự án

Admin

Theo Sở KH&ĐT Hà Tĩnh, nhiều dự án đầu tư trên địa bàn đã được phê duyệt nhưng không thực hiện hoặc chậm tiến độ, đắp chiếu, dẫn tới thất thoát, lãng phí tài nguyên, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư.

Số liệu từ Sở KH&ĐT Hà Tĩnh cho biết, tính từ năm 2019 đến tháng 6/2022 có 60 dự án đã bị thu hồi hoặc nhà đầu tư tự xin chấm dứt hoạt động của dự án. Trong đó, từ năm 2019 đến 2021 là 50 dự án; dự án do UBND tỉnh chấp thuận ngoài khu kinh tế, khu công nghiệp là 17; dự án trong khu kinh tế, khu công nghiệp là 15; dự án do UBND cấp huyện chấp thuận là 18 và 10 dự án còn lại thu hồi trong 6 tháng đầu năm 2022.

Theo nhà chức trách, nguyên nhân chủ yếu là các dự án chậm tiến độ, "ngâm" đất nhiều năm liền không thể triển khai; các dự án đã chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng nhà đầu tư vi phạm quy định tại Điều 48 Luật Đầu tư; nhà đầu tư quyết định chấm dứt hoạt động của dự án khi không có khả năng thực hiện tiếp dự án, dự án gặp phải trường hợp tạm ngưng mà nhà đầu tư không khắc phục được. Trường hợp còn lại là do các nhà đầu tư tự xin chấm dứt hoạt động của dự án…

Theo giải thích của các chủ đầu tư thì nguyên nhân phần nhiều là bởi kinh tế khủng hoảng, thị trường đầu ra của nông nghiệp bị hạn chế, tính toán đầu tư không có lãi… Thế nhưng, phân tích của các nhà chuyên môn lại cho rằng, những lý do trên chỉ là thứ yếu, còn thực chất nằm ở năng lực còn hạn chế hoặc mục đích lập dự án để giữ đất. Bởi thực tế, một số dự án được cấp phép nhiều năm nhưng không triển khai, hoặc triển khai chiếu lệ, để rồi đến kỳ kiểm tra lại thì xin được gia hạn.

Theo một lãnh đạo của Sở KH&ĐT: "Trước thực trạng trên, Sở đã tham mưu lên UBND tỉnh thực hiện một cuộc kiểm tra, rà soát tổng thể hàng loạt dự án kinh tế, nhất là đối với dự án nông nghiệp, dự án dịch vụ - thương mại…, ra quyết định thu hồi những dự án không khả thi. Các dự án bị thu hồi sẽ áp vào những yếu tố như: Dự án chậm tiến độ, vi phạm luật đầu tư, cam kết đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư hoặc các nhà đầu tư tự xin rút lui khỏi dự án".

Điểm qua một số dự án chậm tiến độ, hoạt động không hiệu quả như: Nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu và dịch vụ hàng rau củ quả của HTX sản xuất, chế biến NLS xuất khẩu Thành Sen; Nhà máy bê tông khí chưng áp Phú An Sinh của Công ty CP Phú An Sinh; Xây dựng kho thương mại nông sản và cửa hàng giới thiệu sản phẩm địa phương của Công ty TNHH Thực phẩm xanh Thành Đạt; Đầu tư xây dựng Kho đông lạnh, Nhà máy sản xuất đá lạnh và Cửa hàng dịch vụ hậu cần nghề cá tại Cảng cá Xuân Hội, huyện Nghi Xuân của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Dũng Thu; Dự án xây dựng mô hình trồng rau, củ, quả công nghệ trên đất cát bạc màu ven biển tại thị trấn Thiên Cầm của Hợp tác xã Dịch vụ dùng nước – Dịch vụ nông nghiệp thị trấn Thiên Cầm.

Dự án đầu tư trang trại nuôi cá lóc thâm canh tại huyện Thạch Hà; Dự án Xây dựng hệ thống trạm trộn bê tông tại Cụm công nghiệp Phù Việt tại huyện Thạch Hà; Dự án Nhà máy may công nghiệp của Công ty cổ phần X19 Miền Trung; Dự án Nhà máy sản xuất, xuất khẩu dăm gỗ làm nguyên liệu giấy của Công ty TNHH sản xuất nguyên liệu giấy Việt Nhật Vũng Áng; Dự án Cửa hàng xăng dầu tại phường Đức Thuận, thị xã Hồng Lĩnh; Dự án Kho xăng dầu Cửa Sót tại xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà…

Hà Tĩnh thu hồi loạt dự án - Ảnh 1.

Nhiều dự án tại Khu kinh tế Vũng Áng vẫn chỉ là khu đất trống, thành nơi chăn thả gia súc. Ảnh: Tr. Hoa

Ngoài ra, các dự án mà nhà đầu tư quyết định chấm dứt hoạt động của dự án gồm: Phát triển sản xuất, chế biến nông sản thực phẩm và dịch vụ thương mại của Công ty Cổ phần Sa Lung; Nhà máy sản xuất gạch Ngọc Sơn của Công ty CP Sản xuất vật liệu xây dựng Thuận Lộc; Cảng dầu khí và Tổng kho xăng dầu tại xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân của Công ty TNHH Hải Dương; Quản lý, thu gom, vận chuyển và xử lý rác bằng công nghệ lò đốt Losiho tại xã Xuân Hải và xã Xuân Yên, huyện Nghi Xuân của HTX Dịch vụ môi trường xã Xuân Yên...

Một số dự án do nhà đầu tư vi phạm quy định tại Điều 48 Luật Đầu tư như: Dự án Nhà máy xỉ titan và hợp kim sắt Mitraco của Tổng công ty Khoáng sản và Thương Hà Tĩnh; Nhà máy sản xuất Vật liệu chịu lửa của Công ty TNHH Vật liệu chịu lửa Đại Đỉnh; Dự án Khu thương mại dịch vụ tổng hợp Sơn Hồng của Công ty CP TMDV tổng hợp Sơn Hồng; Dự án Nhà máy chế biến Thạch anh của Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh...

Lãnh đạo Sở KH&ĐT giải thích thêm về việc các dự án bị thu hồi: Các dự án nào vượt quá 24 tháng kể từ khi giao đất mà doanh nghiệp không đưa đất vào sử dụng sẽ xem xét gia hạn. Nếu hết thời gian được gia hạn mà doanh nghiệp vẫn chưa đưa đất vào sử dụng hoặc không triển khai thì sẽ kiến nghị thu hồi và khi thu hồi sẽ không bồi thường về đất và tài sản trên đất, trừ trường hợp bất khả kháng. Hàng trăm dự án đã được các đoàn kiểm tra liên ngành kiến nghị, đề xuất thu hồi và hủy bỏ là rất lớn nhưng trên thực tế trong 3 năm mới chỉ thu hồi 60 dự án (trong đó bao gồm các dự án do nhà đầu tư tự xin chấm dứt hoạt động).

Giải thích cho việc đề xuất thu hồi hàng trăm dự án nhưng thực thi pháp luật thu hồi ít, vị lãnh đạo Sở này nói: "Với những dự án chưa đầu tư, việc thu hồi không đáng ngại nhưng với các dự án đã đầu tư dang dở, nhất là dự án có số vốn lớn, việc thu hồi không dễ bởi sau thu hồi là hàng loạt vấn đề cần giải quyết, đặc biệt về pháp lý".