Hà Nội sẽ xử lý cán bộ nếu không giải ngân đạt trên 90% kế hoạch

Admin

UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo Sở Nội vụ chủ trì tham mưu UBND thành phố xử lý trách nhiệm đối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng giải ngân vốn đầu tư công thấp, không đạt trên 90% kế hoạch.

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Chỉ thị về tăng cường thực hiện giải ngân Kế hoạch đầu tư công năm 2022.

Theo UBND thành phố, đến nay, ở một số đơn vị, công tác triển khai thực hiện giải ngân vốn đầu tư công còn hạn chế, chưa hiệu quả, thiếu quyết liệt, chưa sâu sát, thiếu đôn đốc, kiểm tra; trách nhiệm trong phối hợp xử lý công việc và tổ chức thực hiện còn chưa chặt chẽ; kỷ luật trong công tác đầu tư công chưa nghiêm nên vẫn có một số dự án triển khai chậm, không bảo đảm tiến độ thực hiện, dẫn đến giá trị giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 đạt thấp, ảnh hưởng đến tình hình thực hiện kế hoạch của toàn thành phố.

Lũy kế giải ngân vốn đầu tư công của thành phố từ đầu năm đến ngày 30/6/2022 đạt 10.777 tỷ đồng, bằng 21,1% kế hoạch giao, trong đó cấp thành phố giải ngân đạt 18,3% kế hoạch và cấp huyện (gồm vốn ngân sách cấp huyện và ngân sách thành phố hỗ trợ) đạt 23,4% kế hoạch.

“Đây là mức giải ngân thấp, không đạt được kết quả theo yêu cầu của Chính phủ, Thành uỷ, HĐND thành phố và UBND thành phố”, chỉ thị nêu.

Cũng theo UBND thành phố, đối với kế hoạch vốn năm 2021 kéo dài, theo quy định sẽ chỉ được giải ngân đến hết ngày 31/12/2022 nhưng đến 30/6/2022, tỷ lệ giải ngân cũng rất thấp. Đối với ngân sách cấp thành phố, mới giải ngân được 109,3 tỷ đồng, đạt 8,76%. Đối với ngân sách cấp huyện (gồm vốn ngân sách cấp huyện và ngân sách cấp thành phố hỗ trợ), giải ngân được 342,7 tỷ đồng, đạt 24,33%.

Trong một loạt các giải pháp đặt ra, thành phố Hà Nội yêu cầu Sở KH&ĐT tham mưu công khai kết quả giải ngân hàng tháng, hàng quý trên Cổng thông tin điện tử thành phố và tại cuộc họp giao ban hàng tháng của UBND thành phố.

UBND thành phố giao các chủ đầu tư nghiên cứu các giải pháp có tính căn cơ, tính đột phá để giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2022 và 2021 kéo dài của các dự án được giao (đạt tỷ lệ 100%) theo quy định của Luật Đầu tư công. Các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và các chủ đầu tư xác định rõ nguyên nhân (cả chủ quan và khách quan), tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu, cá nhân liên quan trong việc triển khai thực hiện dự án, giải ngân kế hoạch vốn không đạt trên 90% kế hoạch.

Sở Nội vụ chủ trì tham mưu UBND thành phố xử lý trách nhiệm đối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng giải ngân vốn đầu tư công thấp , không đạt trên 90% kế hoạch. Kho bạc Nhà nước Hà Nội tổng hợp kết quả giải ngân của các đơn vị gửi Sở Nội vụ để tổng hợp, làm căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2022 của người đứng đầu và cán bộ công chức liên quan.

Thành phố cũng chỉ đạo các sở, ngành tăng cường đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện kế hoạch đầu tư công. UBND các quận, huyện, thị xã phải nỗ lực triển khai đẩy nhanh tiến độ dự án và nâng cao tỷ lệ giải ngân cả dự án cấp thành phố và cấp huyện khi được thành phố phân cấp mạnh và giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư các dự án cấp thành phố.

Thời điểm cuối tháng 6/2022, theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, nhiều đơn vị thuộc thành phố chưa giải ngân được đồng nào trong kế hoạch đầu tư công.

Cụ thể, lĩnh vực môi trường chỉ đạt 1%; lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật cấp, thoát nước chỉ đạt 1/272 tỷ đồng, đạt 0,4% kế hoạch; lĩnh vực thể dục, thể thao chưa giải ngân đồng nào, dù được giao kế hoạch 18 tỷ đồng; lĩnh vực phát thanh, truyền hình cũng chưa giải ngân đồng nào trong số 28,5 tỷ đồng theo kế hoạch.

BQLDA đường sắt đô thị Hà Nội đạt 9% kế hoạch; BQLDA ĐTXD hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp đạt 3,4% kế hoạch; Sở NN&PTNT đạt 2,9% kế hoạch; Bảo tàng Hà Nội đạt 0,1% (137 triệu đồng).

Đáng chú ý, các đơn vị chưa giải ngân đồng nào gồm: Sở TN&MT; Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội; Đài PTTH Hà Nội, Cục Hậu cần Bộ Công an.