Câu chuyện "dao sắc, dao cùn" chắc anh ấy (giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy Nguyễn Tri Thức) hình tượng hóa cho dễ hiểu thôi, nhưng cũng có phần đúng, khi nào dùng dao loại nào, kể cả dao điện thì có quy định trong chuyên môn ngoại khoa, kinh nghiệm của phẫu thuật viên.
Bệnh viện băn khoăn khi mua sắm không hẳn là sợ, nhưng...
Nhưng bao quát lên là những bất cập của công tác mua sắm đấu thầu hiện nay. Kết quả là những hàng hóa, dịch vụ chất lượng thấp, giá thấp có khả năng thắng thầu cao, người sử dụng là các thầy thuốc, phẫu thuật viên không ưng ý vì chất lượng kém, tác động đến hiệu quả khám, điều trị.
Đối với quản lý bệnh viện, nguyên tắc mua sắm là An toàn - Hiệu quả - Giá cả phù hợp (giá đánh giá), chứ không phải giá rẻ nhất (có nghĩa phải xem xét cả về tiêu chuẩn kỹ thuật và giá cả).
Không hẳn là các bệnh viện sợ nên ngừng mua sắm, nhưng làm đúng luật mà vẫn có nguy cơ rủi ro lớn do những quy định còn bất cập, mà đồng nghiệp đang bị trả giá thì băn khoăn, do dự là đúng.
Nếu có rủi ro, thì hàng ngàn bệnh nhân đã được bác sĩ nào đó cứu sống cũng không ra tòa cứu được ân nhân. Quy định, luật lệ là vậy. Nhưng những thứ đó lại do con người quy định ra, sửa đổi được nó đâu có nhanh.
Trong thực thi nhiệm vụ, thực tế mới phát sinh nhiều tình huống, còn nếu chỉ nghe báo giật tít, mạng xã hội câu like, nhiều bàn tay đã nhanh tay còm đủ kiểu…, làm cho các thầy thuốc chùn tay là đúng thôi.
Cụ thể, việc bệnh nhân có nhu cầu sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao (nhu cầu ngày càng cao, vật tư y tế là loại đặc biệt, đắt, hiếm, khó mua lẻ,…) là chính đáng, nhanh khỏi bệnh, chất lượng cuộc sống gần như phục hồi hoàn toàn.
Bảo hiểm y tế cũng tham gia chi trả cho bệnh nhân và bệnh viện, nhưng với điều kiện là phải trong danh mục và kế hoạch thầu, mua sắm thông qua đấu thầu. Việc này là hoàn toàn đúng, thuận lợi khi hợp đồng mua sắm, cung ứng (Bảo hiểm y tế không chi trả nếu bệnh nhân sử dụng dịch vụ theo yêu cầu).
Nhưng Luật Đấu thầu không quy định doanh nghiệp công bố giá nhập khẩu, hay nộp tờ khai hải quan. Bệnh viện xây dựng giá kế hoạch theo quy định của Luật và trình cơ quan quản lý cấp trên phê duyệt.
Các doanh nghiệp thường thì tùy từng loại trang thiết bị và vật tư y tế, và tùy doanh nghiệp xây dựng giá bán (tỷ lệ, mức độ lợi nhuận – bí mật này chỉ có doanh nghiệp và cơ quan thanh tra, điều tra biết được) để tham gia đấu thầu.
Do vậy, bệnh viện không thể biết giá nhập, không được kiểm tra tờ khai hải quan với doanh nghiệp khi nộp hồ sơ thầu.
Nỗi e ngại "giá kế hoạch"
Bỗng ngày nào đó, doanh nghiệp nào đó phải công khai giá nhập khẩu với cơ quan chức năng, ông nào để giá nhập và giá tham gia thầu chênh lệch quá lớn (cho dù trang thiết bị và vật tư đặc biệt, cân bằng cung cầu do thị trường quyết định) nhưng bệnh viện đó sẽ có nguy cơ rất cao phải giải trình, thanh tra, kiểm tra, thậm chí điều tra,...
Thực tế nữa là kế hoach đấu thầu của năm trước bị muộn, ví dụ như 2022, đến tháng 6 - 7 năm 2022 mới hết hạn hợp đồng 2021. Tháng 8-2022 chưa xây dựng nổi kế hoạch thầu 2022. Đâty là lý do tại sao một số bệnh viện còn vật tư y tế để phục vụ, và bệnh viện khác đành từ chối vì hết vật tư trong hợp đồng thầu 2021.
Kế hoạch mua sắm đấu thầu 2022 thì chưa được thực hiện và không dám thực hiện, trong khi nhu cầu của bệnh nhân thì cao, các phẫu thuật viên thì mong muốn làm việc và phát triển chuyên môn, kỹ thuật cao, bệnh viện và Bảo hiểm y tế thu được tiền, nay thì loay hoay và sợ sệt.
Ngay cả việc giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đào Xuân Cơ nêu ra những bất cập trong mua sắm, đấu thầu (trên một số báo) thì cả hội nghị cấp Bộ, các Vụ, Cục cũng không đủ thẩm quyền xử lý, dù biết nó rất vô lý.
Như cách xây dựng giá kế hoạch theo hợp đồng tương tự có giá trị trong vòng 12 tháng. Sau 5 năm thì giá kế hoạch nó sẽ tụt về đâu, trong khi giá trị tiền tệ, sức mua, lãi suất ngân hàng, chi phí đầu vào…đã thay đổi rất xa theo chiều ngược lại giá kế hoạch?
Ôi là Trời!