Giải ngân đầu tư công tăng trưởng gần 12% sau 7 tháng, song lượng vốn lớn tiếp tục dồn lại

Admin

Sau 7 tháng, lượng vốn giải ngân mới chỉ đạt hơn 43% kế hoạch năm...

Tổng cục Thống kê (GSO) vừa công bố báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội 7 tháng đầu năm 2022, trong đó cập nhật một số thông tin về hoạt động đầu tư công và giải ngân vốn đầu tư trong giai đoạn.

Theo GSO, trong tháng 7, vốn đầu tư từ nguồn NSNN tiếp tục được các bộ, ngành và địa phương nỗ lực triển khai, giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh thực hiện trong bối cảnh các hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi nhanh.

Cụ thể, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) tháng 7/2022 ước đạt 46,2 nghìn tỷ đồng, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 7 tháng năm 2022, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN ước đạt 237,6 nghìn tỷ đồng, bằng 43,3% kế hoạch năm và tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 bằng 42,3% và tăng 6,3%).

Trong đó, vốn đầu tư thực hiện do trung ương quản lý ước đạt 41,7 nghìn tỷ đồng, bằng 40,1% kế hoạch năm và tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước.

Giải ngân đầu tư công tăng trưởng gần 12% sau 7 tháng, song lượng vốn lớn tiếp tục dồn lại - Ảnh 1.

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN 7 tháng năm 2022 của một số bộ, ngành. Nguồn GSO

Ở nhóm bộ ngành, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục là đơn vị dẫn đầu về thực hiện vốn đầu tư công trong giai đoạn với khối lượng hơn 21,6 nghìn tỷ đồng, tăng 23,4% so với cùng kỳ năm trước.

Trong giai đoạn, vốn đầu tư thực hiện do địa phương quản lý ước đạt 195,9 nghìn tỷ đồng, bằng 44,1% kế hoạch năm và tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, so với thống kê thời điểm nửa đầu năm, phần vốn đầu tư thực hiện của địa phương đã tăng thêm hơn 37 nghìn tỷ đồng.

Giải ngân đầu tư công tăng trưởng gần 12% sau 7 tháng, song lượng vốn lớn tiếp tục dồn lại - Ảnh 2.

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN 7 tháng năm 2022 của một số địa phương. Nguồn GSO

Trong phần vốn địa phương, vốn NSNN cấp tỉnh đạt 128,5 nghìn tỷ đồng, bằng 42% và tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2021; vốn NSNN cấp huyện huyện đạt 57,9 nghìn tỷ đồng, bằng 47,9% và tăng 20,8%; vốn NSNN cấp xã đạt 9,4 nghìn tỷ đồng, bằng 55,1% và tăng 7,4%.

Ở nhóm địa phương, Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh là một số địa phương có vốn thực hiện khá trong 7 tháng đầu năm. Trong đó, Hà Nội có lượng giải ngân đạt gần 24 nghìn tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ 2021.

Theo số liệu của Bộ Tài chính về tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn NSNN lũy kế 7 tháng đầu năm 2022 ước đạt 34,47% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (trên 542.105 tỷ đồng), giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 (36,71%).

Trong đó, vốn trong nước đạt khoảng hơn 36% (cùng kỳ năm 2021 đạt trên 40%); vốn nước ngoài đạt 11,9% (cùng kỳ năm 2021 đạt 7,52%).

Theo thống kê, có 3 bộ và 14 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 40%. Trong đó, một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (71,55%), Ngân hàng Phát triển (49,42%), Ngân hàng Chính sách xã hội (48,3%). Một số tỉnh có tỷ lệ giải ngân cao là: Tiền Giang (58,7%), Phú Thọ (56,4%), Thái Bình (55,1%)...

Chiều ngược lại, sau 7 tháng, còn 36 bộ ngành và 15 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 30%; trong đó có 26 bộ ngành và 2 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 15%.