Giải mã tâm lý các 'nhà đầu tư' luôn thích bỏ số tiền lớn mua đồng hồ, giày thể thao xa xỉ

Admin

Sưu tập đồng hồ và giày thể thao là một trong những thú vui đương đại, được nhiều người yêu thích và mong muốn làm theo.

Sưu tập đồng hồ đã phát triển đến mức độ phổ biến, nhất là trong hơn một thập kỷ vừa qua, đến mức ngang với những món đồ cổ khác. Người ta sưu tập đồng hồ vì yêu thích lịch sử của các thương hiệu, hoặc thích cụ thể một mẫu nào đó hay những cỗ máy thời gian có liên quan đến người nổi tiếng. Việc này vô tình khiến cho giá đồng hồ ngày càng tăng. Các cuộc đấu giá đồng hồ cũng xuất hiện, giúp đẩy giá đồng hồ lên cao. Đến mức, đồng hồ giờ đây không đơn thuần chỉ là sưu tầm cho vui mà còn trở thành khoản đầu tư sinh lời rất tốt.

Tương tự như đồng hồ, giày thể thao cũng bước vào giai đoạn hưng thịnh trong khoảng 10-15 năm qua. Điều đó thể hiện ở việc sản phẩm này không chỉ xuất phát từ các nhà sản xuất giày thể thao chuyên nghiệp mà ngay cả các thương hiệu thời trang xa xỉ cũng nhất quyết không đứng ngoài cuộc. Những tên tuổi lớn như Chanel hay Louis Vuitton sẵn sàng hợp tác với các công ty giày lớn để tạo ra các dòng sản phẩm giày thể thao có giá trị sưu tầm cao.

Nike và Jordan dường như là trụ cột trong cuộc chơi sưu tập giày trong suốt một thập kỷ. Các mẫu giày mang tính biểu tượng của Nike như Dunk SBs, và Air Max 1 được săn đón trong suốt nhiều năm. Kết quả là, giày thể thao cũng tăng giá chóng mặt, cùng đợt sóng với đồng hồ xa xỉ.

Giải mã tâm lý các nhà đầu tư luôn thích bỏ số tiền lớn mua đồng hồ, giày thể thao xa xỉ - Ảnh 1.

Sưu tập giày thể thao và đồng hồ đang là "trend" trên thế giới.


Yếu tố gì tạo ra sức hút cần phải sưu tập?

Cơ chế đóng vai trò quan trọng trong việc sưu tập cả đồng hồ và giày thể thao chính là tính độc quyền và khan hiếm. Đối với giày thể thao, nhiều mẫu của Nike, Jordan và Yeezy dù không bán trên thị trường với phiên bản giới hạn nhưng vẫn cháy hàng trong thời gian ngắn. Điều tương tự cũng xảy ra với những chiếc đồng hồ mới của Rolex, Patek Philippe và Audemars Piguet. Đơn giản chỉ vì nhu cầu quá cao nên các thương hiệu không thể (và thường là sẽ không bao giờ) sản xuất đủ số lượng để đáp ứng.

Một nguyên nhân khác có thể gây ra cơn sốt chính là những lời quảng cáo thổi phồng xung quanh các bản phát hành quan trọng, nhờ vào mức độ chú ý của giới sưu tập đối với các mẫu đồng hồ và giày mới trên mạng xã hội. Một bản phát hành mới của Tudor hoặc Rolex được cường điều không kém gì sự hợp tác mới nhất của Travis Scott và Nike, sự tái xuất hiện của Nike Lebron hay Jordan. Hình ảnh của các thương hiệu và sản phẩm xuất hiện dày đặc trên Instagram, đến mức đẩy mạnh yếu tố “thèm muốn” từ những người đã có sẵn đam mê.

Giải mã tâm lý các nhà đầu tư luôn thích bỏ số tiền lớn mua đồng hồ, giày thể thao xa xỉ - Ảnh 2.

Sưu tập đồng hồ là thú vui xa hoa, đắt đỏ. Ảnh: A Blog to Watch


Đầu tư vào đồng hồ hay giày thể thao thì tốt hơn?

Khi nói đến việc đầu tư vào mặt hàng nào giữ giá trị hơn thì đồng hồ chắc chắn là lựa chọn đứng ở vị trí cao hơn. Với số lượng lớn các bản phát hành giày thể thao được tung ra mỗi tuần, thị trường giày thể thao phải chịu sự thay đổi về giá. Những mẫu được bán ra gần đây chứng kiến sự tăng giảm giá trong khoảng thời gian ngắn. Đồng hồ tất nhiên cũng có sự biến động nhưng tần suất lại không dày đặc như những đôi giày.

Cùng với sự khác biệt về số lượng phát hành, việc sưu tập đồng hồ và giày thể thao cũng khác nhau về văn hóa. Đồng hồ có lịch sử hơn 200 năm và các thương hiệu từ Thụy Sĩ sang Mỹ, hay châu Á đều có uy tín nhất định cũng như câu chuyện thú vị để kể. Ngoài ra, đồng hồ còn là một sản phẩm có thể tồn tại lâu hơn một đời người, trong khi giày thể thao lại dễ dàng bị hao mòn trong khoảng thời gian tương đối ngắn. Điều đó có nghĩa là, một chiếc Rolex có tuổi đời 60, 70 năm hoặc thậm chí lâu hơn nữa sẽ vẫn tiếp tục làm công việc mà nó được sinh ra để làm.

Giày thể thao thường gắn liền với giới trẻ và văn hóa đường phố nên dường như mang tính chất tạm thời hơn. Vì vậy, nhiều người có khả năng sẽ dừng lại đam mê của mình vào bất cứ lúc nào. Trong khi đó, đồng hồ thường được đặt ngang hàng với nghệ thuật và rượu vang, và có thể là một khoản đầu tư lâu dài, tuyệt vời nếu ai đó biết mình đang tìm kiếm thứ gì.

Giải mã tâm lý các nhà đầu tư luôn thích bỏ số tiền lớn mua đồng hồ, giày thể thao xa xỉ - Ảnh 3.

Nhà sưu tập giày thể thao Chris Robinson nổi tiếng thế giới. Ảnh: Sbcollector/Instagram


Những thương hiệu nổi tiếng

Mặc dù có sự khác biệt nhưng điểm chung của cả việc sưu tập giày hay đồng hồ là cả hai đều rất thú vị. Thương hiệu giày nổi tiếng có thể kể đến Nike, thì tương ứng với đồng hồ sẽ là Rolex. Yeezy cũng là hãng giày được biết đến khá nhiều ở thời điểm hiện tại thì nhìn tương đương sang chúng ta cũng có Richard Mille. Và khi nhìn vào Adidas, Omega có lẽ là hãng đồng hồ phù hợp để so sánh về mức độ nổi tiếng.

Cùng với đó, các cặp thương hiệu có thể được đặt ngang hàng nhau là Asics và Grand Seiko, Converse và Seiko, Audemars Piguet - Patek Philippe và Balenciaga - Alexander McQueen.

Giải mã tâm lý các nhà đầu tư luôn thích bỏ số tiền lớn mua đồng hồ, giày thể thao xa xỉ - Ảnh 4.

Nhà sưu tập đồng hồ Kevin Tan. Ảnh: Alvin Teo

Đối với những người có đam mê sưu tập, họ hiểu rằng thú vui này cũng dài như sự tồn tại của loài người. Wikipedia mô tả sưu tập bao gồm các công việc tìm kiếm, xác định vị trí, thu thập, sắp xếp, trưng bày, lưu trữ và bảo quản cá vật phẩm mà một người quan tâm. Việc này có thể bắt đầu từ khi ai đó còn nhỏ, với những món đồ giá trị thấp cho đến khi lớn hơn, với những thứ đắt đỏ hơn, như đồng hồ xa xỉ và giày thể thao là một ví dụ.